Đằng sau việc Argentina tham gia 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đồng ý tham gia Sáng kiến 'Vành đai và Con đường'.

Hai bên đồng thời ký thỏa thuận nhà máy điện hạt nhân trị giá 8 tỷ USD do các công ty Trung Quốc tài trợ và xây dựng.

Tổng thống Argentina (trái) và Chủ tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: THX

Tổng thống Argentina (trái) và Chủ tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: THX

Trong một tuyên bố chung, cả hai nước cũng khẳng định tuyên bố chủ quyền của Argentina đối với quần đảo Malvinas/Falkland đang tranh chấp - một động thái khiến Ngoại trưởng Anh Liz Truss nổi giận trên Twitter.

Bên cạnh đó, Tổng thống của Ecuador Guillermo Lasso cũng đã công bố các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do song phương với Trung Quốc. Bất chấp chiến dịch kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn đạt được những bước tiến đáng kể về mặt ngoại giao.

"Xoay trục" sang Mỹ Latinh

Theo nhận định của nhà phân tích chính trị và quan hệ quốc tế người Anh Tom Fowdy trên kênh RT mới đây, những diễn biến này cho thấy một xu hướng đang phát triển: Trung Quốc đang "xoay trục" sang Mỹ Latinh, một xu hướng được nhiều nước trong khu vực hoan nghênh.

Động thái này diễn ra khi mối quan hệ lâu đời của các quốc gia Mỹ Latinh với Mỹ và các đồng minh đang xấu đi. Chỉ trong hai tháng qua, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ với Nicaragua, đưa nước này tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), đồng thời nâng cấp quan hệ với Cuba trong BRI lên thành “đối tác năng lượng chiến lược”, thu hút Argentina vào BRI và theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại tự do không chỉ với Ecuador, mà cả với Uruguay. Vậy những điều này có nghĩa là gì?

Ông Fowdy cho rằng khi Mỹ tìm cách tăng cường kiềm chế Trung Quốc, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã tập trung tăng cường quan hệ với các nước bên ngoài phạm vi của phương Tây, mà không tập trung cụ thể vào bất kỳ khu vực nào. Trung Quốc cũng củng cố quan hệ đối tác với Nga nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin tới dự lễ khai mạc Olympic, thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia vùng Vịnh và đưa cả Syria vào BRI.

Trung Quốc đang củng cố chiến lược phạm vi các mối quan hệ kinh tế để tạo vùng đệm trước những tác động mà Mỹ đang đi đầu trong việc lôi kéo các đồng minh “cô lập Trung Quốc” và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc càng hoàn tất các thỏa thuận thương mại với các nước khác và thúc đẩy BRI phát triển, thì không gian chính trị và ảnh hưởng của Mỹ càng ít gây hại cho Trung Quốc. Do đó, việc mở rộng quan hệ đối tác ra ngoài phạm vi phương Tây là rất quan trọng với Bắc Kinh.

Nhưng trong trường hợp của Mỹ Latinh, cũng có những yếu tố khác đang diễn ra. Trong khi một số quốc gia, chẳng hạn như Cuba và Nicaragua, có sự gắn kết chính trị và ý thức hệ, việc các quốc gia như Argentina và Ecuador thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc cũng là do điều kiện kinh tế không thuận lợi. Tình hình kinh tế gần đây của khu vực Nam Mỹ rơi vào tình trạng trì trệ. Nền kinh tế Argentina tê liệt do cuộc khủng hoảng tài chính và tiền tệ trầm trọng khiến giá trị của đồng peso bị suy yếu. Kể từ năm 2018, GDP bình quân đầu người của Argentina đã giảm gần một nửa và quốc gia này đã phải chịu áp lực đáng kể từ IMF.

Lãnh đạo Ecuador và Trung Quốc trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh. Ảnh: amerika21.de

Lãnh đạo Ecuador và Trung Quốc trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh. Ảnh: amerika21.de

Ecuador là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, nhưng nước này phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc với tư cách là thị trường xuất khẩu và nhà cung cấp tài chính lớn nhất của mình. Chiến lược của Trung Quốc với các quốc gia sản xuất dầu yếu kém hơn là trao đổi một cách hiệu quả việc mua dầu để đổi lấy các khoản vay và đầu tư cơ sở hạ tầng, như họ đang làm ở Iraq.

Mỹ đã tìm cách ngăn chặn điều này với Ecuador bằng cách đề xuất một thỏa thuận, theo đó họ sẽ trả khoản nợ của nước này cho Trung Quốc để đổi lấy việc cấm Huawei. Nhưng thực tế là ông Lasso cuối cùng vẫn đến Bắc Kinh, tìm kiếm cả việc xóa nợ và thỏa thuận thương mại tự do, cho thấy chiến lược của Mỹ đang thất bại. Các nền kinh tế Mỹ Latinh đang gặp khó khăn sẵn sàng quay sang Trung Quốc vì họ vỡ mộng với các lựa chọn do Mỹ cung cấp, vốn đã nhiều thập kỷ gây ra tình trạng bất bình đẳng ngay tại sân sau của mình.

Cảnh báo với Anh

Ngoài ra, có một động lực chính trị khác, nổi bật nhất là việc đưa vấn đề quần đảo tranh chấp Malvinas/Falkland vào tuyên bố chung Trung Quốc-Argentina. Lập trường này không phải là mới, nhưng điều quan trọng là Bắc Kinh sẵn sàng đưa ra vào thời điểm này. Đó có thể là một yêu cầu ngoại giao từ ông Fernandez, một phần của thỏa thuận gia nhập BRI.

Đó là một tín hiệu rằng nếu Anh tiếp tục thúc đẩy các vấn đề mà Trung Quốc cho là nhạy cảm, thì Trung Quốc sẽ có đòn bẩy ngoại giao để tấn công trở lại bằng cách công khai ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Argentina đối với quần đảo Falklands/Malvinas, tạo ra khó khăn địa chính trị cho Anh. Đây là lý do tại sao mối quan hệ giữa Buenos Aires và Bắc Kinh không chỉ mang tính kinh tế mà còn mang tính chiến lược.

Thực tế địa chính trị đang thay đổi đã thúc đẩy mối quan hệ của Trung Quốc với các nước Mỹ Latinh. Mặc dù theo truyền thống là pháo đài của Mỹ, một trật tự kinh tế không đồng đều đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh. BRI mang đến cho các quốc gia một con đường khác, đó là lý do tại sao hai nhà lãnh đạo Nam Mỹ đến Bắc Kinh.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dang-sau-viec-argentina-tham-gia-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc-20220213161719092.htm