Đằng sau việc giấu vàng lậu trong đế giày, cạp quần

Ngoài chênh lệch giá vàng trong nước vẫn còn cao so với giá vàng thế giới, việc khan hiếm nguồn cung một cách trầm trọng làm nguy cơ buôn lậu vàng qua biên giới vào Việt Nam nóng trở lại.

Cho dù các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều phi vụ buôn lậu vàng qua đường bộ, đường hàng không với số lượng từ vài ký, thậm chí có vụ lên đến vài tấn vàng, song tình trạng buôn lậu vàng vẫn diễn biến rất phức tạp.

Đau đầu với nạn buôn lậu vàng

Thời gian gần đây, đã có nhiều vụ buôn lậu vàng bị phát hiện. Có thể kể đến như vụ vận chuyển trái phép 2 kg vàng từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai ngày 30-9. Theo đó, đối tượng buôn lậu cho hai thỏi vàng nặng hai kg vào ống quần để vận chuyển thuê từ Trung Quốc về Việt Nam.

Chỉ vài ngày sau, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài lại phát hiện một nam hành khách nhập cảnh từ Hong Kong giấu trên người 3 kg vàng (ước tính 6 tỉ đồng).

Tiếp đến, cách đây hơn một tuần (ngày 18-10), Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài tiếp tục phát hiện thêm một hành khách nhập cảnh từ Hong Kong vào Việt Nam đã giấu khoảng 7 kg vàng quanh cạp quần và trong đế giày.

Chi cục Hải quan Nội Bài cho hay, trước tình hình biến động thị trường vàng thời gian qua, đơn vị đã tập trung phòng ngừa hành vi gian lận và việc xác định được nghi phạm trên dựa trên sàng lọc bằng phần mềm quản lý thông tin hành khách xuất nhập cảnh.

Trước đó hồi tháng 5-2024, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây phối hợp với cơ quan chức năng bắt giữ Nguyễn Anh Tuấn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vận chuyển trái phép 2 miếng kim loại màu vàng về Việt Nam.

Cũng trong tháng 5 này, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hải quan tỉnh Hà Tĩnh bắt quả tang 4 đối tượng đang tìm cách vận chuyển trái phép 4 kg vàng từ Lào về Việt Nam nhằm mục đích kiếm lời.

 Nhiều vụ buôn lậu vàng với quy mô lớn đã bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ Ảnh: CACC

Nhiều vụ buôn lậu vàng với quy mô lớn đã bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ Ảnh: CACC

Nhiều hệ lụy

Tính đến ngày 24-10, giá vàng miếng SJC đang neo ở mức 89 triệu đồng một lượng, còn vàng nhẫn 9999 hiện cũng bật lên quanh ngưỡng 88,5 - 89 triệu đồng tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong khi đó, trên thị trường chợ đen, vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn trơn đều được hét giá trên 91 triệu đồng/lượng.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới đang có tháng tăng giá thứ 4 liên tiếp và hàng loạt kỷ lục mới về giá liên tục được thiết lập, kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng phi mã. Hiện giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 đang đắt hơn giá vàng thế giới trên 5 triệu đồng/lượng.

Cùng với giá vàng tăng, giá USD chợ đen cũng nóng trở lại. Hiện mỗi USD trên thị trường chợ đen đang được giao dịch ở mức 25.730 đồng (mua vào) và 25.830 đồng (bán ra), tăng khoảng 500 – 600 đồng so với 5 tuần trước.

Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính nêu quan điểm: Các vụ buôn lậu vàng vào nước ta là dấu hiệu cho thấy chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới dần trở nên thu hút các hoạt động bất hợp pháp.

Thời gian qua, khi Ngân hàng nhà nước thực hiện giải pháp bình ổn, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới duy trì khoảng 3 triệu đồng/lượng. Khoảng cách này chưa đủ lời nên ít phát sinh hoạt động nhập lậu vàng.

Gần đây, khi giá vàng trong nước tăng nhanh, khoảng chênh lệch giữa hai thị trường lên khoảng 5 triệu đồng/lượng, và đây là mức chênh đủ hấp dẫn để kích hoạt hành vi nhập vàng nguyên liệu bất hợp pháp.

"Các cơ quan chức năng cần có các biện pháp đấu tranh quyết liệt bởi nếu hoạt động nhập lậu tiếp diễn, dễ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát nguồn hàng trên thị trường vàng. Như vậy, những giải pháp nhằm bình ổn và quản lý thị trường suốt thời gian qua có thể đổ sông, đổ biển. Đó là hệ lụy thứ nhất", ông Vũ nhấn mạnh.

Hệ quả thứ hai, theo ông Vũ là những biến động bất thường trên thị trường ngoại hối. Nếu mua vàng từ nước ngoài thì các đối tượng nhập lậu cần huy động lượng lớn ngoại hối. Số ngoại tệ này khó có thể được đáp ứng bởi ngân hàng mà cần huy động trên thị trường tự do.

"Từ đó, không những khiến cho nguồn ngoại hối trong nước bị tổn thương mà còn tạo ra những biến động bất thường trên thị trường tự do", ông Vũ phân tích.

Thực tế cho thấy giá đôla trên thị trường tự do đột nhiên tăng cao trong những ngày gần đây, từ mức 25.300 đồng đổi 1 đôla vào đầu tháng 9, nay tăng lên 25.830 đồng đổi 1 đôla, có những phiên chỉ sau một ngày USD chợ đen tăng thêm đến 200 đồng.

Một số chuyên gia kinh tế cho biết thêm: Thời điểm này là quãng thời gian cuối năm, nhu cầu mua đôla tăng bởi yếu tố mùa vụ nhưng biến động trên thị trường vàng cũng là một yếu tố có thể tác động đến thị trường ngoại hối. Nếu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tiếp tục nới rộng dẫn đến hiện tượng nhập lậu mạnh tay hơn, không loại trừ khả năng tỷ giá trên thị trường tự do sẽ sớm chạm mốc 26.000 đồng.

Nhìn chung, mức chênh lệch giữa thị trường tự do với giá niêm yết tại các ngân hàng và Công ty SJC là khoảng 2 triệu đồng/lượng. Vào thời điểm đầu tháng 6 vừa qua, khi Ngân hàng Nhà nước tăng cung vàng miếng SJC qua những đơn vị nêu trên song việc mua bán quá khó khăn trong khi nhu cầu tăng đột biến, khiến khoảng cách “vàng 2 giá” nới rộng lên tới 5-7 triệu đồng/lượng.

Rủi ro với cả người mua và người bán

Hiện nay, không chỉ hiện tượng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp mà do quá khó khăn trong mua vàng tại các doanh nghiệp lớn khiến nhiều người buộc phải chạy đến các hội nhóm mua bán mua bán vàng tự do trên mạng xã hội với giá chênh lệch khủng so với giá mua tại các ngân hàng và doanh nghiệp.

Chưa hết, không chỉ xảy ra tình trạng “vàng 2 giá” khi giá bán vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước mềm hơn hẳn so với thị trường tự do, mà nó còn "thiết lập" thị trường nhận đăng ký thuê suất mua vàng trực tuyến.

Vậy là, dân đầu cơ không chỉ gom hàng để ăn chênh lệch giá mua giữa hai thị trường mà còn hưởng lợi từ công việc mới là đăng ký thuê suất mua vàng trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội kim hoàn đá quý TPHCM nhìn nhận: Không chỉ mua bán vàng miếng SJC mới khó khăn, mà ngay cả mua vàng nhẫn tròn trơn cũng rất chật vật. Bởi lẽ vàng nguyên liệu hiện nay trên thị trường vô cùng khan hiếm, khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng vốn ngày càng khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh vàng nhẫn 9999 trở nên teo tóp.

Trong khi nhu cầu mua vàng của người dân lại tăng cao, điều này đã dẫn tới việc nhiều người cần mua vàng để cưới hỏi, trả nợ… buộc phải tìm trên các diễn đàn, hội nhóm để giao dịch. Điều này là vô cùng rủi ro đối với cả người mua và người bán.

"Để giải quyết bài toán vàng 2 giá này, ngoài các biện pháp thanh tra kiểm tra của các cơ quan chức năng thì việc tăng nguồn cung vàng nguyên liệu đóng vai trò vô cùng cần thiết”, ông Dưng đề xuất.

 Nguồn nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, vàng nhẫn trên thị trường khan hiếm. Ảnh: T.L

Nguồn nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, vàng nhẫn trên thị trường khan hiếm. Ảnh: T.L

Chủ một tiệm vàng chia sẻ thêm: Hiện nay việc mua vàng nhẫn 9999 tại các doanh nghiệp lớn như SJC, PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu… cũng khó khăn. Ngay cả Công ty SJC ngày nào cũng thông báo có vàng nhẫn 9999, nhưng lại giới hạn số lượng mua. Có ngày, doanh nghiệp này chỉ cho mỗi người được phép mua nửa chỉ, rồi có ngày lại tăng lên mỗi người được mua 2 chỉ, hiếm lắm mới có phiên cho phép được mua 5 chỉ/người/ngày.

Thế nhưng, nếu gõ cửa những tiệm vàng có quy mô nhỏ thì số lượng không phải là vấn đề đáng quan tâm. Tất nhiên, họ chỉ muốn bán cho khách quen hoặc khách được người quen giới thiệu mới giao dịch dễ dàng.

Vào đầu năm 2024, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 24 bị can trong đường dây buôn lậu 6.150 kg vàng 9999. Năm 2023, Bộ Công an đã triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Lào qua biên giới về Việt Nam với số lượng lên đến trên 3 tấn vàng trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng…

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/dang-sau-viec-giau-vang-lau-trong-de-giay-cap-quan-post816388.html