Đằng sau việc Tổng thống Trump chỉ trích Tổng thống Zelensky vì muốn có thêm vũ khí Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những nhận xét gay gắt về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của sự hỗ trợ từ Mỹ và những tác động rộng lớn hơn đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hôm 28/2. Ảnh: AP/TTXVN
Phát biểu từ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào ngày 14/4, theo báo Express của Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt câu hỏi về năng lực của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Trump nói: "Sai lầm là để chiến tranh xảy ra, nếu ông Biden (cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, tiền nhiệm của ông Trump) có năng lực, và nếu ông Zelensky có năng lực, và tôi không biết ông ấy có năng lực hay không, chúng tôi đã có một phiên họp khó khăn với nhân vật này”.
Ông Trump còn nói: “Ông ta (Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky) cứ liên tục đòi hỏi nhiều hơn nữa”.
Theo chuyên trang quân sự Bulgarianmilitary.com, những phát biểu này, được đưa ra trong bối cảnh các cuộc thảo luận đang diễn ra về sự hỗ trợ của Mỹ đối với cuộc chiến của Ukraine chống lại Liên bang Nga, cho thấy rõ sự căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo. Được đưa ra tại Phòng Bầu dục, những nhận xét này xuất hiện vào thời điểm quan trọng, khi Ukraine đang phụ thuộc rất lớn vào viện trợ quân sự từ Mỹ để duy trì khả năng phòng thủ trước lực lượng Liên bang Nga.
Phát biểu của Tổng thống Trump đã dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của sự hỗ trợ từ Mỹ và những tác động rộng lớn hơn đối với cuộc xung đột, phản ánh những thách thức sâu sắc trong chiến lược quân sự, hậu cần toàn cầu, và các ưu tiên địa chính trị. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi cục diện an ninh tại Đông Âu, với Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho Kiev. Kể từ khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Washington đã cam kết cung cấp lượng lớn tài nguyên cho quốc phòng Ukraine, từ đạn pháo cho tới hệ thống tên lửa tiên tiến.
Phát biểu của Tổng thống Trump còn cho thấy sự thất vọng trước quy mô các yêu cầu từ Ukraine, một cảm xúc phản ánh các tranh luận đang diễn ra tại Mỹ về chi phí dài hạn của sự hỗ trợ này. Thay vì tập trung vào mâu thuẫn cá nhân giữa ông Trump và ông Zelensky, vấn đề cốt lõi nằm ở việc “nhiều hơn nữa” có nghĩa là gì đối với nhu cầu quân sự của Ukraine và làm thế nào điều đó phản ánh những thách thức mang tính hệ thống trong việc duy trì một cuộc chiến cường độ cao. Sự sống còn của Ukraine phụ thuộc vào một mạng lưới viện trợ quốc tế phức tạp, và bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đều có thể gây hiệu ứng lan rộng ra chiến trường và xa hơn nữa.
Các yêu cầu quân sự của Ukraine xuất phát từ nhịp độ khốc liệt của cuộc chiến. Một trong những nhu cầu cấp thiết nhất là đạn pháo 155mm, thứ đã trở thành huyết mạch cho lực lượng Ukraine. Những quả đạn này được bắn từ các hệ thống như lựu pháo M777, một loại pháo kéo được Mỹ đưa vào sử dụng từ năm 2005. Nặng khoảng 4.200 kg, M777 có thể bắn các loại đạn nổ mạnh tầm xa đến 24 km với đạn thường và lên đến 30 km với đạn dẫn đường chính xác như Excalibur. Thiết kế nhẹ cho phép di chuyển nhanh chóng, phù hợp với chiến thuật phòng thủ cơ động của Ukraine chống lại các đợt tấn công từ Liên bang Nga.
Một khẩu M777 có thể bắn tối đa 5 phát mỗi phút ở chế độ bắn nhanh, hoặc 2 phát mỗi phút ở chế độ duy trì, nhưng cường độ chiến đấu thường đòi hỏi hàng nghìn quả đạn mỗi ngày. Tốc độ tiêu hao đạn pháo của Ukraine đã vượt xa năng lực sản xuất của phương Tây, tạo ra một nút thắt trong chuỗi cung ứng và phản ánh áp lực đối với kho dự trữ đạn dược toàn cầu.
Phòng không là một ưu tiên thiết yếu khác của Ukrain, khi các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái của Liên bang Nga đã và đang nhắm vào các thành phố và hạ tầng trọng yếu. Hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ cung cấp đã đóng vai trò then chốt trong nhiệm vụ này.
Phát triển bởi Raytheon, Patriot là một nền tảng cơ động, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay. Một khẩu đội Patriot thông thường gồm radar mảng pha, trung tâm điều khiển và tối đa tám bệ phóng, mỗi bệ chứa bốn tên lửa. Mỗi quả tên lửa có giá khoảng 4 triệu USD, và một khẩu đội đầy đủ có thể trị giá hơn 1 tỷ USD, bao gồm thiết bị hỗ trợ. Radar AN/MPQ-53 của hệ thống này có thể theo dõi tới 100 mục tiêu cùng lúc, đồng thời tiêu diệt năm mục tiêu, với tầm đánh chặn khoảng 100 km.
Ukraine đã sử dụng các hệ thống Patriot để bảo vệ Kiev và các trung tâm đô thị khác, nhưng số tên lửa bị tiêu hao nhanh chóng, trong khi năng lực sản xuất lại có giới hạn. Trong khi đó, hệ thống S-400 của Liên bang Nga có tầm bắn xa hơn, lên đến 400 km với một số loại tên lửa, nhưng gặp khó khăn khi đánh chặn các mục tiêu ở độ cao thấp, nơi mà Patriot có lợi thế. Giá thành cao và số lượng hạn chế của tên lửa Patriot nhấn mạnh thách thức trong việc duy trì khả năng phòng thủ của Ukraine trước một đối thủ có kho vũ khí lớn hơn.
Thiết bị bay không người lái (UAV) đã thay đổi cục diện chiến trường, và Ukraine đã dựa nhiều vào cả loại dân sự và quân sự. Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, là một UAV tầm trung, có khả năng bay lâu, đã nổi bật trong cuộc chiến. Với sải cánh 12 mét và trọng lượng cất cánh tối đa 650 kg, TB2 có thể mang bốn loại đạn dẫn đường bằng laser, như đạn thông minh MAM-L, hiệu quả trong việc tiêu diệt xe bọc thép và công sự. Nó bay với tốc độ 112km/h, có tầm hoạt động 150 km và thời gian bay liên tục đến 27 giờ, cung cấp khả năng trinh sát và tấn công theo thời gian thực.
Ukraine đã dùng TB2 để phá vỡ các tuyến hậu cần và sở chỉ huy của Liên bang Nga, nhưng các máy bay này dễ bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không tiên tiến. Orlan-10 của Liên bang Nga, một UAV trinh sát nhỏ hơn, có hỏa lực yếu hơn nhưng giá rẻ và khó bị phát hiện hơn, thể hiện cuộc đua không đối xứng về UAV.
Việc Ukraine cần hàng nghìn UAV phản ánh sự chuyển dịch của cuộc chiến sang dạng đối đầu công nghệ và tiêu hao, nơi mà số lượng và sự đổi mới quan trọng không kém gì chất lượng.
Quy mô các yêu cầu của Ukraine bắt nguồn từ thực tế khắc nghiệt của chiến tranh. Lực lượng Liên bang Nga vẫn duy trì áp lực dọc theo mặt trận dài 1.200 km, sử dụng lợi thế về quân số để liên tục thử thách khả năng phòng thủ của Ukraine.
Phát biểu của tổng thống Trump cũng chỉ ra một vấn đề rộng lớn hơn, đó là năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ trong việc đáp ứng các cam kết toàn cầu. Ví dụ: Việc sản xuất đạn pháo 155mm là một quá trình chậm. Nhà máy đạn Scranton ở Pennsylvania và nhà máy đạn Burlington ở Iowa là những cơ sở chủ chốt, nhưng sản lượng cộng lại của họ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu từ Ukraine.
Năm 2023, Mỹ sản xuất khoảng 14.000 quả đạn pháo mỗi tháng, với kế hoạch nâng lên 100.000 quả vào năm 2026, theo một báo cáo của Defense News. Châu Âu cũng gặp phải những hạn chế tương tự, với các nhà sản xuất như Rheinmetall của Đức đang tăng công suất nhưng không thể tự mình lấp đầy khoảng trống. Những giới hạn sản xuất này cho thấy một thách thức mang tính cơ cấu: chiến tranh hiện đại tiêu tốn tài nguyên với tốc độ nhanh hơn nhiều so với khả năng tái sản xuất của các ngành công nghiệp thời bình.