Đằng sau việc Trung Quốc ngưng đầu tư năng lượng than đá ở nước ngoài
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/9 cam kết dừng xây dựng các dự án năng lượng than đá ở nước ngoài. Thông tin được đưa ra ở thời điểm tròn một năm nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết nước này đến năm 2060 sẽ trung hòa carbon.
Ông Tập Cận Bình trong video được trình chiếu tại Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc nêu rõ: “Trung Quốc sẽ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thúc đẩy năng lượng xanh và thải carbon thấp, đồng thời không xây dựng nhà máy năng lượng than đá mới ở nước ngoài”.
Tuyên bố của ông Tập Cận Bình được đưa ra ở thời điểm mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia phương Tây xấu đi. Hiện có nhiều băn khoăn về việc liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có tham dự cuộc họp của các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức ở Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới.
Ông Sam Geall tại viện nghiên cứu môi trường có tên China Dialogue cho biết: “Cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Liên hợp quốc có nghĩa là Trung Quốc duy trì cam kết với các hành động về môi trường trước thềm COP26, ngay cả khi căng thẳng địa chính trị đang gia tăng ở những lĩnh vực khác bởi Bắc Kinh coi hành động về khí hậu là lợi ích quốc gia liên quan đến công nghệ, kinh tế chính trị và quyền lực mềm. Điều này còn gửi thông điệp tới khu vực phía Nam bán cầu rằng Trung Quốc đặt cược vào tương lai carbon thấp và hướng tới vị trí nhà tiên phong hỗ trợ tài chính, cung cấp công nghệ sạch, cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển”.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình giữ chức vụ lãnh đạo Trung Quốc năm 2012, Bắc Kinh đã có những hành động rõ rệt hơn trong xử lý những vấn đề môi trường của nước này như ô nhiễm. Trung Quốc còn gia nhập nhiều sáng kiến quốc tế như Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, người dân Trung Quốc cũng nhận thức rõ hơn về tác động của khủng hoảng khí hậu. Lũ lụt nghiêm trọng tại tỉnh Hà Nam trong mùa Hè năm nay đã khiến người dân Trung Quốc nhận thấy về hậu quả của việc thiếu hành động về chống biến đổi khí hậu. Ông Jia Xiaolong, Phó giám đốc Trung tâm Khí hậu Quốc gia, chia sẻ rằng mưa lớn tại Hà Nam đã xảy ra bắt nguồn từ nguyên nhân Trái Đất ấm lên.
Theo Đại học Georgetown (Mỹ), tính đến gần đây, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp tới 95% nguồn tài chính cho các nhà máy năng lượng than đá ở nước ngoài. Mức giá nhiên liệu tái tạo giảm trong những tháng gần đây đồng nghĩa với việc năng lượng than đá không còn hấp dẫn về mặt kinh tế.
Tiến sĩ Thomas Hale tại Đại học Oxford (Anh) nhận định rằng sau cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình, tất cả các con mắt sẽ đổ dồn vào những kế hoạch nội địa của Trung Quốc. Theo ông Hale, câu hỏi quan trọng nhất cho tương lai là “Trung Quốc sẽ nhanh chóng đóng cửa hàng nghìn cơ sở than đá như thế nào”.
Việc Trung Quốc giảm phụ thuộc vào than đá sẽ được quyết định bởi sự chuyển mình của kinh tế. Đó là điều Bắc Kinh đã cam kết nhưng là nhiệm vụ khó khăn. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, chính quyền nhiều tỉnh tại Trung Quốc đã thông qua việc xây dựng 24 dự án nhà máy điện than mới.