Đằng sau vụ Giám đốc Nissan Motor bị bắt

Chủ tịch của Nissan, Renault và Mitsubishi, Carlos Ghosn đã bị bắt. Số phận của ông hiện đang nằm trong tay các công tố viên Nhật Bản và các giám đốc của 3 công ty xe hơi hàng đầu thế giới.

Chủ tịch của Nissan, Renault và Mitsubishi, Carlos Ghosn đã bị bắt. Số phận của ông hiện đang nằm trong tay các công tố viên Nhật Bản và các giám đốc của 3 công ty xe hơi hàng đầu thế giới.

Ông Ghosn, 64 tuổi, bị các công tố viên Tokyo bắt giữ hôm 19-11 sau khi một cuộc điều tra nội bộ tại Nissan tiết lộ "những hành vi vi phạm nghiêm trọng". Đây là một bước ngoặt khủng khiếp đối với một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghiệp ô-tô toàn cầu, người được cho là đã hồi sinh cả Nissan và Renault.

Liên minh Renault, Nissan và Mitsubishi đứng trước nguy cơ tan rã sau khi ông Carlos Ghosn bị bắt. Ảnh: CNBC

Liên minh Renault, Nissan và Mitsubishi đứng trước nguy cơ tan rã sau khi ông Carlos Ghosn bị bắt. Ảnh: CNBC

Gian lận thu nhập

Nissan cho biết họ đã thực hiện một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng qua nhằm vào ông Ghosn và Greg Kelly, một thành viên khác trong hội đồng quản trị, sau khi nhận được một báo cáo tố giác.

Cty phát hiện ra rằng ông Ghosn và ông Kelly đã báo cáo sai thu nhập của ông Ghosn trong các hồ sơ gửi đến sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Các công tố viên cho biết ông Ghosn và ông Kelly bị cáo buộc hợp tác với nhau để không khai báo khoản thu nhập khoảng 5 tỷ yên (44 triệu USD) trong khoảng thời gian 5 năm, kết thúc vào tháng 3-2015, của ông Ghosn. Hình phạt tối đa tại Nhật Bản cho việc khai báo tài chính sai lên đến 10 năm tù và phạt tiền lên đến 10 triệu yên (89.000 USD). Nissan cho biết họ cũng phát hiện ra "nhiều hành vi sai trái quan trọng khác", bao gồm việc sử dụng tài sản Cty cho mục đích cá nhân và lạm dụng ngân sách của Cty.

Sau khi bị bắt, ông Ghosn chắc chắn bị loại khỏi vai trò lãnh đạo tại Nissan, Mitsubishi và Renault. Giám đốc điều hành Nissan Hiroto Saikawa cho biết, Cty sẽ họp vào ngày 22-11 tới để tuyên bố loại bỏ ông Ghosn và ông Kelly khỏi hội đồng quản trị. Mitsubishi cho biết đang điều tra nội bộ và sẽ yêu cầu ban giám đốc "kịp thời loại bỏ" vai trò chủ tịch của ông Ghosn. Renault thì thận trọng hơn, cho biết hội đồng quản trị sẽ “sớm” họp và đang chờ đợi "thông tin chính xác" từ ông Ghosn.

Cổ phiếu của cả ba Cty đều chững lại. Renault đã giảm hơn 8% tại Paris hôm 19-11. Tại Tokyo, Nissan giảm khoảng 5% hôm 20-11 trong khi Mitsubishi giảm khoảng 7%.

Là một trong những lãnh đạo được trả lương cao nhất tại Nhật Bản và Pháp, ông Ghosn thường vướng phải những chỉ trích về thu nhập. Ghosn nhận hàng loạt khoản lương cho các vị trí khác nhau như chủ tịch liên minh Renault, Nissan, Mitsubishi, CEO của Renault và chủ tịch của cả Nissan và Mitsubishi. Tại Nissan ông này nhận được 1,1 tỷ yên (10 triệu USD) vào năm 2016 và khoảng 6,5 triệu USD trong năm tài chính gần đây. Con số tương tự tại Renault là 8,5 triệu USD và 2 triệu USD tại Mitsubishi. Ông Ghosn mới từ bỏ vị trí CEO Nissan vào năm ngoái và nói rằng sẽ từ chức khỏi vị trí CEO Renault sau khi kết thúc nhiệm kỳ 4 năm vào năm 2022 tới đây.

Liên minh tan rã?

Ông Ghosn là kiến trúc sư của một liên minh chiến lược giữa ba nhà sản xuất ô-tô Renault, Nissan và Mitsubishi. Sự hợp tác này đã cho phép các Cty cạnh tranh tốt hơn với các hãng ô-tô nổi tiếng như Volkswagen, Toyota và General Motors. "Ông ấy là liên minh. Ông ấy là thiên tài sáng tạo đằng sau tất cả điều này, và thiết lập các thông số để điều hành những Cty khác biệt này", Rebecca Lindland, nhà phân tích ô-tô cấp cao của Cox Automotive cho biết.

Ba nhà sản xuất ô-tô cũng có chung quyền sở hữu. Renault nắm giữ 43,5% cổ phần của Nissan, trong khi Nissan sở hữu 15% Renault. Nissan đã mua 34% cổ phần của Mitsubishi.

Sau vụ ông Ghosn bị bắt giữ, nhiều người lo ngại liên minh này có thể chùn bước. Nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu ba công ty có cùng nhau giải quyết vấn đề bằng cách tìm một người thay thế hay không. Các nhà sản xuất ô-tô này có thể trở thành các đối thủ cạnh tranh nếu liên minh này tan rã. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô-tô đang chịu áp lực rất lớn để phát triển xe điện và xe tự hành và các Cty công nghệ đang háo hức đánh bại họ chỉ bằng một cú đấm. "Các nhà đầu tư cần được trấn an. Hợp tác với Nissan là rất quan trọng với chiến lược phía trước của Renault", theo Jose M. Asumendi, chuyên gia phân tích tại JPMorgan.

Việc bắt giữ ông Ghosn có thể có ý nghĩa đặc biệt đối với Pháp bởi chính phủ Pháp sở hữu 15% cổ phẩn của Renault. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 19-11 cho biết, chính quyền của ông đang theo dõi tình hình chặt chẽ. "Nhà nước, với tư cách là cổ đông của Renault, sẽ rất cảnh giác về sự ổn định của liên minh và nhóm", ông Macron nói.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_198478_dang-sau-vu-giam-doc-nissan-motor-bi-bat.aspx