Đằng sau vụ xét lại 5 phần tử khủng bố Al-Qaeda
Ngày 11-9-2022, 21 năm vụ khủng bố 11-9, luật sư của 5 bị cáo là thành viên của Al-Qaeda trong vụ này cho biết các công tố viên quân sự Mỹ hiện đang thảo luận về một thỏa thuận nhận tội và nếu các bị cáo đồng ý, sẽ dẫn đến án tử hình được giảm xuống còn tù chung thân. Thông tin trên đã vấp phải phản ứng dữ dội của những gia đình đã có người thiệt mạng trong vụ khủng bố…
1. Năm bị cáo hiện vẫn đang bị giam giữ tại trại Guantanamo gồm Khalid Shaikh Mohammed, kẻ được xem là “kiến trúc sư” trong vụ 11-9, cùng những đồng phạm Ramzi Binalshibh, Mustafa Ahmed al-Hawsawi, Walid bin Attash và Ammar al-Baluchi, đều phải đối mặt án tử hình với tội danh khủng bố.
Trong 5 tên này, Khalid Sheikh Mohammed là kẻ đã vạch kế hoạch tấn công khủng bố ngày 11-9, Walid bin Attash, kẻ đã đào tạo những tên không tặc và nghiên cứu quy luật bay của một số hãng hàng không để chuẩn bị cho vụ cướp 4 chiếc máy bay, Ramzi Binalshibh, kẻ đã chuẩn bị điểm tập kết cho những tên không tặc ở Đức nhằm tránh bị phát hiện, Mustafa al-Hawsawi, kẻ đã hỗ trợ hậu cần cho bọn không tặc và Ammar al-Baluchi, kẻ đã chuyển tiền cho 19 tên không tặc để mua vé lên chuyến bay 77 và chuyến bay 11 của Hãng Hàng không American Airlines, chuyến bay 175 và chuyến bay 93 của Hãng Unites Airlines rồi sau đó cướp quyền điều khiển, lao vào Lầu Năm Góc, Tòa tháp đôi New York. Riêng chiếc 93 do sự chống trả của hành khách, đã rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania khiến tổng cộng gần 3.000 người thiệt mạng.
Trước khi bị chuyển đến Guantanamo hồi năm 2006, cả 5 kẻ này đã bị Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) giam giữ và thẩm vấn bằng những hình thức khắc nghiệt. Trao đổi với luật sư của mình, Ahmed al-Hawsawi cho biết anh ta bị điều tra viên bắt phải nằm ngửa rồi phủ khăn lên mặt. Tiếp theo, nước được đổ xuống liên tục khiến anh ta nhiều lần ngất xỉu vì “thở không nổi”, còn Khalid Shaikh Mohammed, hắn đã bị các điều tra viên CIA cho “trượt ván nước183 lần” - một hình thức mô phỏng sự chết đuối!
Với Ammar al-Baluchi, luật sư James Connell cho biết các điều tra viên đã thực hiện biện pháp tra tấn gọi là “bức tường” bằng cách “đập đầu Baluchi vào tường liên tục cho đến khi trong mắt anh ta chỉ là những tia lửa chớp lóe”. Kết quả kiểm tra của một số chuyên gia y tế xác nhận Baluchi bị tổn thương não kéo dài.
Vẫn theo luật sư James Connell, cả 5 bị cáo đều đồng ý tham gia thảo luận về một thỏa thuận nhận tội với các công tố viên, trong đó Ammar al-Baluchi “nhận tội để thoát án tử hình và được chăm sóc y tế”, những kẻ khác nhận tội để tiếp tục ở lại Guantanamo, nơi họ được đọc kinh cầu nguyện hàng ngày, được ăn no, được phơi nắng thay vì bị đưa đến nhà tù siêu an ninh ở Florence, bang Colorado, Mỹ, nơi các tù nhân bị biệt giam 23 giờ/ngày”.
Một luật sư khác là Alka Pradhan nói thêm: “Sau vụ 11-9, Chính phủ Mỹ đã sử dụng các chương trình thẩm vấn bất hợp pháp bằng những kỹ thuật bất hợp pháp. Khi thực hiện điều này, chính phủ đã phá vỡ quy trình pháp lý được áp dụng cho tất cả mọi nghi can, bất kể họ đã phạm tội gì và hành vi phạm tội được thực hiện như thế nào”.
Khi những cuộc thảo luận về thỏa thuận nhận tội bị tiết lộ, nó đã gây ra một làn sóng căm phẫn từ những gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ khủng bố. Debra Burlingame, em gái Charles Burlingame, là phi công trên chuyến bay 77 của American Airlines bị bọn không tặc cướp quyền điều khiển rồi đâm vào Lầu Năm Góc nói trong tức giận: “Phải mất nhiều tuần sau ngày 11-9, gia đình tôi mới nhận được hài cốt của anh tôi. Chẳng riêng gì chúng tôi mà tất cả những gia đình khác đều rất căm phẫn. Gần 3.000 người chết trong vụ 11-9 chứ đâu phải vài người. Thỏa thuận nhận tội đã khiến chúng tôi bị xúc phạm nặng nề nên những kẻ thủ ác dù có nhận tội hay không, công lý vẫn phải được thực hiện…”.
Với Cunningham Jr., người đã mất mẹ tại Tòa tháp đôi New York cho biết: “Tôi sẽ không dừng lại chừng nào chưa có công lý cho mẹ tôi và cho những người khác. Những kẻ khủng bố phải chịu trách nhiệm về những gì chúng đã làm trong phòng tiêm thuốc độc!”. Một thăm dò dư luận thực hiện bởi tờ New York Tines cho thấy có đến 84% số người được hỏi đều đồng ý rằng “bọn thủ ác phải trả giá đích đáng”, rằng “tử hình là cách tốt nhất để làm vơi đi nỗi đau của những người còn sống”. Tuy nhiên không phải bất cứ ai có người thân thiệt mạng trong vụ 11-9 cũng yêu cầu phải tử hình 5 tên khủng bố.
Terry Rockefeller, có 3 anh chị em chết khi Trung tâm thương mại thế giới sụp đổ nói: “Tử hình họ thì cũng chẳng làm cho người thân của tôi sống lại được. Vì vậy một thỏa thuận nhận tội nếu được thực hiện sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều. Nó chứng minh rằng chúng ta không phải là những kẻ kêu gào lấy máu trả máu”.
Bên cạnh đó, một tổ chức dân sự Mỹ có tên “Gia đình vì ngày mai hòa bình” gồm 200 thành viên là thân nhân những người thiệt mạng trong vụ 11-9 cũng đã kêu gọi thỏa thuận nhận tội. Trên trang web, họ viết: “Gần 20 năm bị giam là thời gian quá dài và bây giờ còn là cái án chung thân nếu đồng ý thỏa thuận. Chừng đó đã đủ để trừng phạt”.
2. Kể từ năm 2002 - là năm mà Ramzi Binalshibh, phần tử đầu tiên tham gia vụ khủng bố 11-9 bị bắt cho đến khi kẻ cuối cùng là Khalid Shaikh Mohammed sa lưới hồi 2003 (nếu không kể đến cái chết của Osama bin-Laden, là chủ mưu), tất cả đều bị giam tại một nhà tù bí mật của CIA nằm bên ngoài nước Mỹ.
Đến 2006, họ mới được chuyển về Guantanamo và chính thức bị buộc tội khủng bố vào năm 2008 nhưng việc xét xử đã bị đình trệ bởi những khó khăn khi phía luật sư yêu cầu được tiếp cận hồ sơ hỏi cung của CIA. Thoạt đầu, CIA từ chối với lý do cần giữ bí mật để phục vụ cho việc săn lùng Bin-Laden. Đến khi ông trùm khủng bố bị tiêu diệt ngày 2-5-2011 ở Abbotabad, Pakistan, CIA lại viện cớ hồ sơ của Khalid Shaikh Mohammed, Ramzi Binalshibh, Mustafa Ahmed al-Hawsawi, Walid bin Attash và Ammar al-Baluchi là cần thiết để tìm ra những phần tử al-Qaeda hiện vẫn nằm trong lòng nước Mỹ.
Bức màn bí ẩn kéo dài hàng chục năm mà theo luật sư James Connell: “Họ không muốn việc tra tấn tù nhân bị phơi bày ra trước công chúng Mỹ” cho đến khi thông tin về một thỏa thuận nhận tội lộ ra ngoài. Điều đó dẫn đến hệ quả là 21 năm sau vụ 11-9 và 14 năm kể từ khi bị buộc tội, cả 5 kẻ khủng bố vẫn chưa phải ra tòa!
Việc tiếp cận 5 bị can của các luật sư cũng thế. Họ phải bay đi bay lại giữa nội địa Mỹ và vịnh Guantanamo, nơi đặt nhà tù. Luật sư Alka Pradhan nói: “Gần 1 năm rưỡi khi biên giới đóng của vì đại dịch Covid-19, chúng tôi chẳng có cách gì để liên lạc với 5 bị cáo. Vì thế thỏa thuận nhận tội có thể sẽ tốt cho họ bởi việc thảo luận thỏa thuận là một phần của tất cả các vụ án hình sự ở Mỹ. Nó diễn ra trong suốt vụ án. Quá trình này không có gì lạ vì phần lớn các vụ án hình sự ở Mỹ đều được giải quyết bằng thỏa thuận”.
Vẫn theo luật sư Alka Pradhan, nếu phải ra tòa, cả 5 bị cáo chắc chắn sẽ khai về những gì họ phải chịu đựng dưới tay các điều tra viên. Nó sẽ như một tia sét nổ giữa trời quang. Vì thế việc nhận tội và đồng ý không kháng án sẽ mang lại một số kết quả “đủ làm hài lòng cho cả phía công tố lẫn bị cáo”. Nó là giải pháp thay thế cho những nỗ lực không thành công kéo dài suốt 14 năm nhằm xét xử những kẻ bị buộc tội tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc.
Theo tạp chí Times, cuộc thảo luận nhận tội đang được tiến hành tại tòa án quân sự Mỹ ở nhà tù Guantanamo, giữa các công tố viên và luật sư bào chữa. Ngay từ đầu, vụ việc đã sa lầy vì các luật sư vẫn tranh cãi về những bằng chứng nào có thể được thừa nhận là có tội hoặc không, cộng với việc công tố viên và thẩm phán thường xuyên bị luân chuyển. Chỉ đến gần đây, các điều kiện xem ra mới chín muồi bằng việc vụ án có một thẩm phán mới, một công tố viên trưởng mới.
Cheryl Bormann, luật sư của Walid bin Attash cho biết liên tục trong 3 ngày, 5 bị cáo và luật sư của họ đã gặp nhau để lập danh sách về các yêu cầu nhận tội, bắt đầu bằng việc loại bỏ án tử hình khỏi vụ án, chưa kể 4 bị cáo là Ramzi Binalshibh, Mustafa Ahmed al-Hawsawi, Walid bin Attash và Ammar al-Baluchi đã lập luận rằng, so với Khalid Shaikh Mohammed, họ đóng vai trò thấp hơn nhiều trong vụ 11-9 nên họ muốn hình phạt dành cho họ sẽ ít nghiêm khắc hơn, đặc biệt là họ đã phải ngồi tù gần 20 năm, chưa kể còn bị tra tấn. Có lẽ vì thế nên một trong những công tố viên chính của vụ án là ông Clayton G. Trivett Jr. Đặt câu hỏi: “Liệu các thỏa thuận trước xét xử có khả thi đối với cả 5 bị cáo này hay không?”.
Trước đó, năm 2017, ông Harvey Rishikof, người đứng đầu tòa án quân sự Mỹ và cố vấn pháp lý của ông là Gary Brown đã nói về thỏa thuận nhận tội trong một số cuộc họp về vụ khủng bố 11-9 nhưng thời điểm đó, Tổng chưởng lý Jeff Sessions đã thẳng thừng bác bỏ đồng thời sa thải cả Harvey Rishikof lẫn Gary Brown.
Khi thông tin về các cuộc thảo luận thỏa thuận nhận tội lọt ra ngoài, ông Brown nói: “Tôi rất thất vọng vì đến bây giờ, tòa án mới chấp nhận đề nghị mà tôi cùng ông Harvey Rishikof đã đưa ra từ 5 năm trước”. Tuy nhiên một phát ngôn viên của tòa án quân sự từ chối bình luận về chuyện này với lý do “sẽ không thích hợp để đề cập đến những gì đang diễn ra”.
Nếu đồng ý nhận tội, 5 bị cáo sẽ bị đưa ra tòa án chiến tranh để thẩm vấn bởi thẩm phán Matthew N. McCall, Đại tá thuộc lực lượng Không quân Mỹ. Theo luật của tòa này, bồi thẩm đoàn do Lầu Năm Góc thành lập gồm các sĩ quan, sẽ là phía tuyên án chứ không phải thẩm phán. Các sĩ quan trong bồi thẩm đoàn sẽ nghe mọi ý kiến của bên công tố, bên bào chữa và 5 bị cáo, ngay cả với những tình tiết được giới hạn trong các thỏa thuận bí mật trước xét xử, chẳng hạn như tra tấn, nhục hình.
Theo tạp chí Times, 21 năm sau ngày 11-9, chính phủ Mỹ phải miễn cưỡng thừa nhận rằng Khalid Shaikh Mohammed, Ramzi Binalshibh, Mustafa Ahmed al-Hawsawi, Walid bin Attash và Ammar al-Baluchi có thể sẽ không bao giờ phải đối mặt với án tử hình mà thay vào đó là một thỏa thuận nhận tội.
Tuy nhiên việc thỏa thuận nhận tội có thể gây thêm phức tạp cho lời hứa đóng cửa nhà tù Guantanamo của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nếu không kể đến 5 kẻ trong vụ 11-9, hiện vẫn còn 33 tù nhân đang bị giam giữ ở nơi này, tất cả đều bị kết tội khủng bố. Nó tiêu tốn mỗi năm từ 9,5 triệu đến 13 triệu USD cho mỗi tù nhân bằng tiền của người đóng thuế.
Hơn nữa, Quốc hội Mỹ đã cấm đưa các tù nhân trong vụ 11-9 đến các nhà tù ở Mỹ nên dù thỏa thuận nhận tội có thành công, nhà tù Guantanamo sẽ vẫn tiếp tục hoạt động bởi lẽ nếu đưa họ đến một nhà tù ở nước ngoài, Chính phủ Mỹ phải tìm được một quốc gia nào đó đồng ý tiếp nhận họ nhưng điều này xem ra không hề đơn giản.
Vì thế, việc kết án thông qua các thỏa thuận nhận tội cũng có thể thuyết phục Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh này nhằm giúp tù nhân thụ hình trong những môi trường an toàn hơn là nhà tù bí mật, nơi họ có thể bị nhục hình, tra tấn bất cứ lúc nào mà chẳng ai biết….