Đảng ta từ mùa Xuân ấy!

Từ mùa Xuân Ất Tỵ 2025 này lại nhớ Xuân Canh Ngọ 95 năm về trước khi Đảng ta ra đời, mở ra trang sử mới chói lọi của dân tộc Việt Nam. Từ mùa xuân năm ấy, với sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình, Đảng đã mang về cho dân tộc, người dân Việt Nam những mùa xuân của độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc, ấm no.

1. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Giữa tháng 7/1920, báo Nhân đạo (L’Humanité) - Cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp - đăng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lenin. Người đã đọc, nghiên cứu bản Luận cương và thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Bản Luận cương đã tạo ra bước chuyển căn bản, quyết định trong nhận thức tư tưởng của nhà cách mạng Việt Nam trẻ tuổi. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Thời khắc ấy, Nguyễn Ái Quốc cũng nhận thức được rõ ràng rằng: Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công.

Từ quan điểm đó, Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực không ngừng xúc tiến công việc chuẩn bị về mọi mặt để thành lập một đảng cộng sản ở một xứ thuộc địa để có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong bài viết “Bác Hồ với ngày thành lập Đảng”, nhà báo lão thành Hà Đăng đã thuật lại lời kể của Bác Hồ: “Năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng anh em cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc) tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Hội này đưa thanh niên trong nước ra Quảng Châu, huấn luyện họ, rồi phái họ trở về tuyên truyền và tổ chức khắp cả nước.

Năm 1929, trong khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi vắng, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội khai mạc toàn quốc Ðại hội ở Hương Cảng. Ðại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức Ðảng Cộng sản, bị gạt đi, liền bỏ hội nghị ra về.

Sau đó, trong nước dần dần thành lập ba nhóm cộng sản: Ðông Dương Cộng sản Ðảng, An Nam Cộng sản Ðảng và Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Một nước mà ba đảng cộng sản. Cả ba nhóm đều ngầm hiểu như thế là sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là không đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp hòi và cách làm không khéo, cho nên càng muốn gần nhau, lại càng xa nhau.

Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng.

Ðể giữ bí mật, các đại biểu khai hội bên sân đá banh của người Tàu. Vừa giả xem đá banh, vừa bàn bạc về Ðảng.

Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng.

Thế là Ðảng ta chân chính thành lập”.

Còn trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18/12/1930 về việc thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng tôi họp vào ngày mùng 6/1. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng... Các đại biểu trở về An Nam ngày 8/2”.

Đúng vào những ngày Tết Nguyên đán Canh Ngọ (1930), từ ngày 6/1 - 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản họp tại bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (với tên gọi là Vương - thay mặt cho Quốc tế cộng sản). Hội nghị nhất trí, thống nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam thành lập một đảng cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác giả T. Lan vừa đi đường vừa kể chuyện kể lại: “Năm 1930 - tháng 2, khoảng từ ngày 5 đến ngày 8, Nguyễn Ái Quốc “đãi” các đại biểu một bữa cơm nhân dịp Tết Nguyên đán, vừa tiết kiệm vừa linh đình, nhân sự kiện thành lập Đảng. Vừa hoàn thành một việc trọng đại, trong không khí hân hoan, đầm ấm ngày Tết xa quê, những người đồng chí đã gạt bỏ những bất đồng để cùng hướng tới mục tiêu chung cao cả là “giải phóng dân tộc và giúp vào cuộc giải phóng thế giới”.

2. 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng. Năm 1945, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đưa dân tộc Việt Nam tới thắng lợi vĩ đại - đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nhà nước kiểu mới, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mang đến mùa Xuân Bính Tuất 1946 - mùa xuân độc lập đầu tiên của đất nước Việt Nam sau hơn 80 năm bị đô hộ.

Những năm 1946 - 1954, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; vừa kiến quốc vừa kháng chiến dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những năm 1954 - 1975, Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mang đến mùa Xuân toàn thắng Ất Mão 1975 - mùa xuân của hòa bình, thống nhất.

Sau khi đất nước được thống nhất, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1976 - 1980 và 1981 - 1985, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục - đào tạo, giao thông, thủy lợi từng bước được khôi phục…

Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, trở thành một điểm sáng về sự ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế. Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu…

3. Có lẽ trên thế giới này chưa ở đâu và chưa có dân tộc nào lại có một sự trân trọng, tự hào, yêu quý Đảng như dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta luôn dành cho Đảng một lòng tin son sắt, thường gọi Đảng với cái tên vừa trìu mến vừa thiêng liêng “Đảng ta”. Sự trân trọng, tự hào, yêu quý ấy chính là sự khẳng định những gì đáng trân trọng nhất, quý mến nhất, gần gũi, tin cậy nhất mà dân tộc, đất nước dành riêng cho Đảng, ghi nhận, đánh giá cao những gì Đảng đã mang lại cho đất nước, cho dân tộc, cho người dân suốt hơn 9 thập kỷ qua.

95 năm qua, từ mùa xuân Canh Ngọ 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Và tới mùa xuân Ất Tỵ 2025 này, Đảng lại mang trên mình sứ mệnh mới, như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Sau gần 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích trong lịch sử, trải qua kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975 - 2025). Và giờ đây, chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khởi đầu bằng sự kiện trọng đại - Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau, kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng. Ý Đảng hòa quyện lòng dân, khát vọng đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới”.

Đảng ta, từ mùa xuân ấy, như nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi….”, “Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi”…

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dang-ta-tu-mua-xuan-ay-post330782.html