Đang thẩm định 5 bộ SGK lớp 1 viết theo chương trình phổ thông mới
Tính đến hiện tại, Bộ GD-ĐT đã nhận được và đang thẩm định 5 bộ sách gióa khoa lớp 1 viết theo chương trình phổ thông mới. Nếu vượt qua vòng thẩm định, các bộ sách này sẽ được đưa vào sử dụng từ năm học 2020-2021.
Sáng 26/8, chia sẻ với về việc chuẩn bị sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới sẽ triển khai từ năm học 2020-2021 từ lớp 1, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, đến hiện tại, Bộ GD-ĐT đã nhận được 5 bộ sách lớp 1 viết theo chương trình phổ thông mới và đang trong quá trình thẩm định.
“Thông tin rất tích cực là tinh thần xã hội hóa theo Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 của Quốc hội đã bước đầu trở thành hiện thực: một chương trình mà ở mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa. Sau khi Bộ ban hành chương trình, các nhà khoa học tâm huyết và các nhà xuất bản đủ chức năng đã tham gia tích cực vào việc biên soạn SGK và đến nay đã có 5 bộ SGK được gửi về thẩm định”, ông Tài nói.
Theo ông Tài, trong 5 bộ sách này có 3 nhà xuất bản là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản ĐH TP HCM.
“Theo quy định thì cũng không yêu cầu mỗi bộ sách phải đầy đủ tất cả các môn. Tức không quy định bộ sách mà chỉ là mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong 5 bộ sách giáo khoa này đa số đầy đủ các môn. Môn học ít nhất thì có 4 sách giáo khoa chờ thẩm định”.
Về chất lượng sách, ông Tài cho biết, theo đánh giá sơ bộ của Hội đồng thẩm định, các sách giáo khoa được thể hiện rất đa dạng, bám sát quy định theo đúng tinh thần và độ mở của chương trình.
Do đó, theo ông Tài, sau khi được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố những sách/bộ sách nào đạt chuẩn, các địa phương sẽ có nhiều phương án để lựa chọn sao cho phù hợp với địa phương. “Tùy theo các hướng tiếp cận có sự đa dạng và phong phú nhưng các sách/bộ sách giáo khoa này đều phải đảm bảo đúng theo chương trình và vẫn phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh”, ông Tài nói.
Theo ông Tài, điều đáng mừng là đội ngũ tác giả viết các bộ sách giáo khoa này đều là những nhà khoa học uy tín, năng lực chuyên môn được khẳng định qua thực tiễn nhiều năm nay.
Hội đồng thẩm định cũng là những nhà khoa học có uy tín, những thầy cô đến từ các trường đại học sư phạm và ít nhất 1/3 là giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường tiểu học trên cả nước. Hội đồng mỗi môn tối thiểu là 7 người. Hiện nay, các hội đồng từng môn được cơ cấu từ 7-15 người.
“Trước đây chỉ có một bộ sách do đó quyết định của hội đồng mang yếu tố sống còn cho bộ sách. Nhưng giờ đây, khi có nhiều bộ sách, trách nhiệm của hội đồng là làm sao để có những bộ sách tốt nhất của tác giả. Nếu tất cả các bộ sách đều đáp ứng các tiêu chuẩn thì đều được đồng ý thông qua". Song trước câu hỏi "những sách mà hội đồng thông qua có phải là sách hay nhất?", ông Tài cho hay: "Đó là những sách đúng nhất. Còn hay nhất hay tốt nhất thì phải do người học và người dạy đánh giá".
Theo kế hoạch, khoảng đầu tháng 10/2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thẩm định những SGK nào đạt yêu cầu.
“Khi hội đồng đưa ra kết luận thì sẽ có những bộ sách đạt, chưa đạt hoặc không đạt. Với những bộ sách chưa đạt hoặc được hội đồng kết luận là không đạt thì theo Thông tư 33, các tác giả của những bộ sách này có quyền chỉnh sửa và đề nghị Bo GD-ĐT thành lập hội đồng thẩm định lại. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và bố trí hội đồng, dựa trên sự theo dõi, giám sát, đánh giá thì Bộ sẽ thông báo tiếp tục việc thẩm định”.
Nói về mức giá của sách giáo khoa mới, ông Tài cho hay giá của loại sách này được quy định theo luật và Bộ tài chính thẩm định giá theo qui định của pháp luật.
“Tuy nhiên, chính việc chúng ta hướng tới nhiều bộ sách giáo khoa đang là yếu tố giúp cạnh tranh về chất lượng và về giá để giúp người học được quyền lợi cao nhất”, ông Tài nói.