Đang theo dõi vụ ông Thêm chỉ mang về hơn 2 tỷ tiền bồi thường oan sai
Bộ Tư pháp cho biết đang theo dõi vụ việc ông Trần Văn Thêm được bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng nhưng chỉ mang về hơn 2 tỷ đồng.
Công an huyện Yên Phong, Bắc Ninh đã tiếp nhận đơn tố cáo của ông Trần Văn Sáu (trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong), liên quan đến việc cha ông là cụ Trần Văn Thêm (83 tuổi, từng mang án oan giết người suốt hơn 40 năm) không được nhận đủ số tiền bồi thường oan. Cụ thể, ông Sáu cho rằng cha mình được bồi thường tổng cộng 6,7 tỉ đồng, nhưng trên thực tế cụ chỉ cầm về nhà hơn 2 tỉ đồng.
Trong đơn, ông Sáu cho biết vào tháng 8/2016, cơ quan tố tụng Trung ương đã công khai xin lỗi cụ Thêm và gia đình, kết thúc 41 năm oan sai. Sau đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận bồi thường cho ông Thêm 6,7 tỉ đồng.
Ông Thêm sau đó ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hòa - Phó giám đốc Công ty luật Hòa Lợi (có trụ sở tại Hà Nội) để nhận bồi thường. Tuy nhiên, ông Thêm chỉ nhận được 6 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 500 triệu đồng do ông Hòa đưa.
Trong đó, ông Hòa giữ hộ 1 sổ; ông Trần Văn Được (cháu họ cụ Thêm) xin một sổ. Khi về đến nhà, cụ Thêm chỉ còn 4 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 2 tỉ đồng và 100 triệu tiền mặt. Được biết, ông Nguyễn Văn Hòa và Trần Văn Được là hai trong số những người đã từng giúp đỡ cụ Thêm trong quá trình “gõ cửa” các cơ quan tố tụng kêu oan.
Khi được minh oan, ông Thêm đã ủy quyền cho ông Hòa thay mặt mình nhận tiền bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của ông Hòa.
Liên quan vụ việc này, tại cuộc họp báo công tác tư pháp quý II năm 2019, bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng, cần phải tách biệt 2 mối quan hệ, một là giữa Công ty luật Hòa Lợi thực hiện việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho ông Thêm và theo khẳng định của công ty luật họ cũng không thu một khoản tiền nào; hai là cần tách biệt mối quan hệ giữa ông Thêm và ông Nguyễn Văn Hòa.
Trong trường hợp ông Thêm ủy quyền cho ông Hòa với tư cách cá nhân thì hoạt động ủy quyền để tham gia thu hồi khoản tiền hay đi cùng với ông Thêm trong các thủ tục nhận tiền với tư cách cá nhân là mối quan hệ người đại diện, phù hợp với quy định của luật dân sự.
Nếu quan hệ giữa ông Thêm và Công ty luật Hòa Lợi với tư cách luật sư đại diện cho thân chủ thì đây là mối quan hệ khác.
“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi vụ việc. Trong trường hợp có hành vi vi phạm của luật sư, hay gia đình phản ánh nếu có việc nhận tiền của công ty luật không đúng quy định pháp luật hoặc không đúng với thỏa thuận của hợp đồng dịch vụ pháp lý, thì căn cứ mức độ vi phạm sẽ có bước xử lý" - bà Nguyễn Thị Mai nói và cho biết, hiện nay Bộ cũng chưa rõ mối quan hệ này là ông Thêm nhờ ông Hòa với tư cách pháp nhân hay ông Thêm nhờ ông Hòa thông qua văn phòng luật sư Hòa Lợi.
Giải thích thêm về trường hợp của ông Thêm, đại diện Cục bồi thường Nhà nước cho biết, việc chi trả tiền bồi thường được thực hiện giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người yêu cầu bồi thường là người đại diện (luật sư - người bảo vệ lợi ích hợp pháp cho ông Thêm). Mối quan hệ pháp lý thứ 2 là người đại diện cho người bị thiệt hại với người bị thiệt hại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà thuộc phạm vi điều chỉnh của quan hệ dân sự thông thường giữa cá nhân với cá nhân.
Trả lời câu hỏi “Liệu có kẽ hở hay không khi hiện nay chưa có quy định trong việc chi trả tiền bồi thường, trong khi đó không có sự chứng kiến của nhiều người liên quan?”, đại diện Cục bồi thường Nhà nước cho rằng, tinh thần khi xây dựng dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 là phải làm giảm thiểu tối đa không làm phát sinh những thủ tục hành chính có liên quan, gây phiền hà cho người dân.
Vì vậy, nếu quy định thêm thủ tục chi trả tiền bồi thường đòi hỏi có cuộc gặp, có sự chứng kiến của những người liên quan thì vô hình chung làm phát sinh thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân./.