Đang uống thuốc tránh thai có nên tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca?
Một số loại thuốc tránh thai có tác dụng phụ gây huyết khối khiến nhiều người đang sử dụng lo ngại gặp biến chứng đông máu khi tiêm vaccine Covid-19.
Hồi tháng 4/2021, do lo ngại về nguy cơ rủi ro hiếm gặp ở người trẻ bị đông máu sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca, Ủy ban Hỗn hợp về Vaccine và Tiêm chủng (JCVI) của Anh đã ra khuyến cáo nên ưu tiên cho người từ 30-39 tuổi không có tiền sử bệnh nền được lựa chọn một vaccine phòng Covid-19 khác thay thế vaccine của Oxford.
Ở một số nơi, các bác sỹ đã khuyên phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai nên dừng sử dụng biện pháp tránh thai này và chuyển sang một biện pháp tránh thai khác thay thế ít nhất 14 ngày trước khi tiêm phòng vaccine Covid-19.
Chuyên gia sản phụ khoa nói gì?
Ngay sau khi khuyến cáo của JCVI được ban hành, Khoa Chăm sóc Sức khỏe sinh sản và Tình dục (FSRH) thuộc Đại học Sản phụ khoa Hoàng gia Anh đã cập nhật Hướng dẫn cách tránh thai an toàn và hiệu quả cho người sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp (viên kết hợp, miếng dán qua da và vòng âm đạo) liên quan đến vaccine Covid-19 AstraZeneca và nguy cơ đông máu.
Theo FSRH, hiện nay, không có bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc tránh thai kết hợp liên quan đến nguy cơ hình thành cục máu đông (huyết khối) sau khi tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca.
Căn cứ vào các bằng chứng hiện có và lời khuyên của JCVI, FSRH khuyến nghị những người sử dụng thuốc tránh thai kết hợp tiếp tục dùng thuốc tránh thai khi họ tiêm vaccine Covid-19 liều đầu tiên và cả liều thứ hai.
Tiến sĩ Sarah Hardman, Giám đốc Bộ môn Hiệu quả Lâm sàng của Khoa Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản và Tình dục giải thích rằng, các báo cáo cho thấy có một vài trường hợp sau khi tiêm vaccine Covid-19 Astra Zeneca xuất hiện cục máu đông cùng với tiểu cầu thấp và tỷ lệ này rất hiếm gặp.
Vì thế, trong bối cảnh nước Anh đã khống chế được dịch bệnh và có sẵn nhiều loại vaccine Covid-19, khuyến nghị của JCVI đưa ra chỉ mang tính chất phòng ngừa. Người dân có thể lựa chọn loại vaccine phù hợp với mình nhất.
Có nên tiêm vaccine Covid-19 khi đang uống thuốc tránh thai?
Như đã biết, bất kỳ loại thuốc gì khi sử dụng cũng có lợi ích và nguy cơ đi kèm, nhưng lợi ích lớn gấp nhiều nhiều lần so với nguy cơ. Viên thuốc tránh thai kết hợp cũng vậy, phụ nữ khi sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp có thể có nguy cơ hình thành huyết khối với tỷ lệ rất thấp, nguy cơ này thấp hơn rất nhiều lần so với nguy cơ hình thành cục máu đông ở phụ nữ mang thai.
Thực tế hiện nay, để giảm nguy cơ này, trước khi sử dụng thuốc tránh thai, các bác sỹ thường khám sàng lọc các đối tượng sử dụng để loại trừ các trường hợp có bệnh lý liên quan đến việc hình thành huyết khối.
Bệnh cạnh đó, điều đáng chú ý là nguy cơ hình thành cục máu đông trong sử dụng thuốc tránh thai khác nguy cơ hình thành cục máu đông sau khi tiêm Covid-19 Astra Zeneca.
Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng thuốc tránh thai kết hợp gây nên nguy cơ hình thành cục máu đông cùng với lượng tiểu cầu thấp hiếm gặp sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.
Việc tiêm vaccine Covid-19 sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm cũng như hạn chế tình trạng bệnh nặng. Nguy cơ bị bệnh nặng do nhiễm Covid-19 lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ rủi ro nào của vaccine AstraZeneca vì thế mọi người nên đi tiêm chủng khi được thông báo.
Đối với những người đang sử dụng viên tránh thai kết hợp, miếng dán hoặc vòng âm đạo vẫn tiếp tục sử dụng biện pháp tránh thai này khi họ đã tiêm vaccine Covid-19. Việc dừng sử dụng các biện pháp tránh thai sẽ không đem lại kết quả gì và sẽ khiến họ có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn. Có thai là một nguy cơ cao đối với phụ nữ và nguy cơ càng cao hơn khi có thai lại mắc Covid-19.
Tuy nhiên, nếu phụ nữ vẫn còn lo ngại về nguy cơ đông máu nói chung thì có thể cân nhắc chuyển sang biện pháp tránh thai hiệu quả khác mà không ảnh hưởng đến nguy cơ đông máu.
Để phòng ngừa rủi ro sau khi tiêm vaccine, nên để ý bất kỳ triệu chứng nào của huyết khối như nhức đầu dai dẳng, khó thở, ho ra máu, sưng chân hoặc đau bụng dữ dội.