Đảng vì dân, dân là gốc
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, nói rằng, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) nhấn mạnh quan điểm 'dân là gốc' vừa có tính truyền thống dân tộc, vừa thực tiễn, khoa học và mang tính thời đại trong bối cảnh hiện nay.
Trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”. Điều đó cần được hiểu sâu hơn như thế nào, thưa ông?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Đó là thể hiện quan điểm “dân là gốc”. Đây cũng là truyền thống của dân tộc Việt Nam bao đời nay. Nguyễn Trãi từng nói: Đẩy thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân. Nếu hợp với lòng dân, mọi việc đều tốt đẹp. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt từ khi Đảng thành lập đến bây giờ. Bác Hồ cũng nói, Đảng ta không có lợi ích nào ngoài lợi ích của Nhân dân. Những việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng làm; những việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Với tinh thần như thế, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc về quan điểm “dân là gốc” là hoàn toàn chính xác.
Theo tôi, quan điểm “dân là gốc” cần thiết được nhắc lại, tô đậm, bởi hiện nay tình hình thế giới, tình hình Việt Nam có nhiều biến đổi. Trong khó khăn, Việt Nam vẫn vươn lên được, mà nguyên nhân, theo tôi cũng xuất phát từ quan điểm “dân là gốc”. Từ việc tăng trưởng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, khắc phục các khó khăn… rồi cả chuyện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đều xuất phát từ “dân là gốc”. Người dân không muốn cán bộ tiêu cực, tham nhũng; người dân muốn tất cả trên dưới đồng lòng, đồng tâm hiệp lực đưa đất nước phát triển. Mọi việc đều phải làm theo hướng đó, xuất phát từ “dân là gốc”.
Chúng ta nói “dân là gốc”, tưởng là xa xôi lắm, nhưng thực ra lại rất gần. Cán bộ, đảng viên ở ngay trong dân, làm việc với dân, sống với dân thì phải gương mẫu, trách nhiệm, phục vụ Nhân dân. Mọi nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng cũng đều xuất phát từ quan điểm “dân là gốc”, đều hướng tới phục vụ Nhân dân. Bác Hồ cũng nói, người dân Việt Nam khi đại đoàn kết, triệu người như một sẽ tạo ra sức mạnh to lớn, nhấn chìm mọi trở ngại, nhấn chìm mọi kẻ thù cướp nước và bán nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc quan điểm “dân làm gốc” là khơi gợi về truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, lại vừa có tính thực tiễn khoa học, mang tính thời đại, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Đảng ta xuất phát từ Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân; Nhân dân là gốc của Đảng, Đảng huy động sức mạnh từ Nhân dân. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch, không thể khác được. Đảng thành lập vì Nhân dân, ở trong lòng Nhân dân. Tất cả điều đó là nền tảng đảm bảo sự vững mạnh lâu dài của Đảng.
Tổng Bí thư cho rằng, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Vậy làm thế nào để thực hiện được điều trên? Việc một số cán bộ liên quan đến tham nhũng, tiêu cực cho thấy họ chưa vì lợi ích chung mà đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích của nhân dân, của đất nước?
Những cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật rõ ràng họ không vì dân nữa mà là vì lợi ích cá nhân của họ. Vấn đề là ở chỗ đó. Họ đã đi xa bản chất của người đảng viên, của Đảng Cộng sản Việt Nam, quên đi bản chất “Đảng vì Nhân dân, dân là gốc”. Họ muốn làm giàu cho cá nhân, muốn ăn trên ngồi trốc, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đáng lẽ, họ phải đồng hành với Nhân dân. Đất nước phát triển, Nhân dân được ấm no, hạnh phúc, sung sướng thì họ cũng được hưởng sự sung sướng cùng với Nhân dân. Nước lên thuyền cũng lên. Nhưng họ muốn hưởng giàu sang phú quý một mình. Người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải phấn đấu theo quan điểm “dân là gốc”. Người dân còn đang gian khó, vất vả, tại sao lại có những người tham ô, tham nhũng, vơ vét của cải cho riêng mình. Rõ ràng, bản chất là họ đã xa rời bản chất “đảng vì dân, dân là gốc” của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, theo tôi, trước tiên phải phát huy dân chủ, dân phải là chủ. Mọi quyết sách, chủ trương, đường lối của Đảng, hệ thống chính quyền phải được công khai, minh bạch, vì dân. Tôi nghĩ rằng, cần quán triệt sâu sắc những đường lối, nghị quyết của Đảng đề ra. Đảng luôn nhấn mạnh quan điểm “vì dân” thì phải hành động thực sự vì dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc nhiều lần về việc cán bộ các cấp phải làm tốt công tác nêu gương. Một vấn đề nữa, cán bộ, đảng viên cần đoàn kết, yêu thương nhau; trên dưới một lòng, như thế mới tốt được. Nếu không làm như thế sẽ không thể phát huy các quan điểm tiến bộ, vì dân của Đảng…
Cảm ơn ông!
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dang-vi-dan-dan-la-goc-post1609605.tpo