Dành 5.064 tỷ đồng tiết kiệm chi để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước

Bộ Tài chính đã báo cáo cấp có thẩm quyền về việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi 5% trong chi thường xuyên năm 2024 để triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Số kinh phí này đã được chuyển nguồn sang năm 2025.

Chiều 12/1, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tiến hành Phiên họp trực tuyến toàn quốc thứ 2 ở cả 4 cấp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

Cả nước đã hỗ trợ xóa 88.488 căn nhà tạm, nhà dột nát

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) kể từ khi Thủ tướng phát động ngày 5/10/2024 đến nay, các cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành 19/26 nhiệm vụ được Thủ tướng giao. 58 tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, 5 tỉnh không thành lập ban chỉ đạo do địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng các địa phương này vẫn tổ chức rà soát tổng thể.

Đến nay, đã có 12 địa phương đã nhận được hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, ngân hàng, doanh nghiệp, với kinh phí 1.370 tỷ đồng: Hà Giang, Bắc Giang và một số địa phương đã huy động gần 90.000 ngày công hỗ trợ bà con xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến hết ngày 11/1, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn (trong đó 48.989 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 35.899 căn nhà).

“Tết Nguyên đán 2025, dự kiến có nhiều hộ được đón tết trong ngôi nhà mới và có nhiều gia đình sẽ tiếp tục được nhận ngôi nhà khang trang”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025. Quốc hội đã phê duyệt tổng mức kinh phí để triển khai thực hiện. Theo Luật NSNN, việc quyết định các khoản cụ thể đã được giao cho Chính phủ và Thủ tướng, sau đó Chính phủ sẽ báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Quốc hội.

Theo Quyết định số 1500 của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/11, dự toán NSNN năm 2025 đã được giao cụ thể. Trong đó, Bộ LĐTB&XH có nhiệm vụ báo cáo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để gửi Bộ Tài chính trước ngày 28/2/2025. Khi Bộ LĐTB&XH có báo cáo, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình Chính phủ và báo cáo UBTVQH trước ngày 15/3/2025, đúng theo nội dung Quyết định số 1500.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã báo cáo cấp có thẩm quyền về việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi 5% trong chi thường xuyên năm 2024 để triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Số kinh phí này đã được chuyển nguồn sang năm 2025. Nội dung này đã được Bộ Tài chính hoàn thành, trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 159, giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn triển khai việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để phục vụ chương trình xóa nhà tạm và nhà dột nát. Theo số liệu hiện nay, nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 đạt tổng cộng 5.064 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 1.026,6 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 4.038 tỷ đồng.

Thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 399, đề nghị Bộ LĐTB&XH rà soát và báo cáo trên cơ sở các số liệu từ địa phương để xây dựng phương án phân bổ nguồn kinh phí này; gửi báo cáo tổng hợp và phương án phân bổ về Bộ Tài chính trước ngày 16/12/2024 để tổng hợp.

Hiện nay, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ LĐTB&XH đã đề xuất nguyên tắc và phương án phân bổ nguồn kinh phí 5%. Bộ Tài chính cơ bản nhất trí với các nguyên tắc và phương án phân bổ này, đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành và mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện nay phương án phân bổ kinh phí vẫn chưa có chi tiết cụ thể. Bộ LĐTB&XH cần sớm chuyển phương án cụ thể cho Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét và chỉ đạo thực hiện.

Trừ chi phí, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp hỗ trợ chương trình

Về lâu dài, trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nội dung miễn giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ đã được trình và Quốc hội cho ý kiến.

Dự kiến, nội dung này sẽ được Quốc hội xem xét và phê duyệt trong kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội trong tương lai.

Liên quan đến việc hướng dẫn doanh nghiệp tính chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các Cục Thuế tại 63 tỉnh thực hiện chính sách này khi doanh nghiệp tham gia hỗ trợ và triển khai các chương trình. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có doanh nghiệp hoặc địa phương nào cần thêm sự hỗ trợ, Bộ Tài chính đã giao cho Cục Thuế tại từng địa phương trực tiếp phối hợp và triển khai công việc.

Đối với chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, ngày 15/10/2024, Thường trực Chính phủ đã họp và ra thông báo về chính sách hỗ trợ xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Trong đó, đã thống nhất tỉ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Theo quyết định này, nguồn vốn sẽ được sử dụng từ ngân sách chi thường xuyên và nghiên cứu cân đối từ nguồn tăng thu năm 2024.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21, trong đó chỉ đạo ngân sách Trung ương hỗ trợ từ nguồn chi thường xuyên, kết hợp với ngân sách địa phương để tối ưu hóa nguồn lực. Trên cơ sở chỉ đạo này, Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới Bộ Xây dựng, đề nghị tổng hợp danh sách đối tượng hỗ trợ, xác định nhu cầu kinh phí cụ thể của từng địa phương để thực hiện chính sách. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa có phản hồi chính thức về số liệu cụ thể.

Theo báo cáo trước đây từ Bộ Xây dựng, ước tính nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công là khoảng 4.050 tỷ đồng, được đề xuất sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách. Việc sử dụng nguồn tăng thu này sẽ cần báo cáo và xin ý kiến từ UBTVQH, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Tài chính mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc chi thường xuyên đã tiết kiệm 10% ngay từ đầu năm. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thủ tướng gần đây, đã tiết kiệm thêm 5% chi thường xuyên để từ đó dành thêm nguồn lực cho xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025.

Thanh Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/danh-5064-ty-dong-tiet-kiem-chi-de-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-tren-ca-nuoc-168520.html