Dành cơ chế mới vượt trội cho TP HCM

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cơ chế vượt trội cho TP HCM cần thiết thực hơn, có sức sống mãnh liệt hơn, tạo thế và lực cũng như giải quyết được những bức xúc của thành phố

Chiều 13-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã làm việc với UBND thành phố về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Buổi làm việc còn có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng đại diện các bộ, ngành.

5 kiến nghị của TP HCM

Báo cáo với đoàn làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2022 ước tăng 9,97% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó GRDP quý III ước tăng hơn 30%; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 350.000 tỉ đồng, bằng 90,5% dự toán năm và tăng 27,7% so với cùng kỳ. Những chỉ số đạt được tạo tâm lý tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh.

Ủy ban Thường vụ QH đã đồng ý trình QH cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54/2017 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đến hết ngày 31-12-2023. Tuy nhiên, TP HCM sẽ cố gắng trình sớm dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 với những cơ chế mới, có thể vào giữa năm 2023.

Để tạo điều kiện cho TP HCM sớm có những cơ chế mới vượt trội, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Đoàn ĐBQH TP HCM, đặc biệt là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, quan tâm, ủng hộ để Bộ Chính trị xem xét, ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sau khi đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 16/2012.

Bên cạnh đó, trước mắt cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54/2017 đến hết năm 2023. Đồng thời, đề xuất QH cho thực hiện thí điểm đồng bộ thêm một số nhóm nội dung liên quan đến quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cơ chế xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế; chính sách và cơ chế phát triển TP Thủ Đức...

Về lâu dài, TP HCM đề xuất QH giao Chính phủ xây dựng nghị quyết của QH thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố theo nguyên tắc những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa phù hợp thì cho làm thí điểm. Để tạo hành lang pháp lý thuận lợi khi thực thi, đề xuất Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể; đồng thời quan tâm, ủng hộ để Bộ Chính trị sớm có chủ trương, định hướng Ban Cán sự Đảng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ vướng mắc liên quan các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh - thành, trong đó có TP HCM.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM với UBND TP HCM về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hôịẢnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM với UBND TP HCM về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hôịẢnh: TTXVN

Thống nhất cho TP HCM cơ chế thuận lợi hơn

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng vượt bậc của lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM khi đạt được những thành quả bước đầu sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, vị trí, vai trò đầu tàu của TP HCM đối với phía Nam và cả nước đang suy giảm dần.

Xung quanh việc thực hiện Nghị quyết 16/2012 và Nghị quyết 54/2017, TP HCM đã đạt nhiều kết quả cụ thể và cũng còn nhiều hạn chế. Do đó, chủ trương của Bộ Chính trị là cần tổng kết, đánh giá lại 2 nghị quyết này. Lãnh đạo Trung ương đều ủng hộ nên có một cơ chế mới cho TP HCM với nội dung thiết thực hơn, có sức sống mãnh liệt hơn... để khắc phục những rào cản, hạn chế cũng như tạo tính đồng bộ, thống nhất về mặt pháp lý trong thực hiện; bãi bỏ những nội dung không phù hợp, bổ sung những cơ chế đột phá mới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã hội ý với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thống nhất tinh thần cho TP HCM cơ chế thuận lợi hơn để phát triển năng động, nâng tầm hơn. Trong đó, TP HCM được thí điểm, đi trước một số chính sách ở một số lĩnh vực thông qua việc thay đổi Nghị quyết 16/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội.

"Không thể chờ đến ngày 31-12-2023. Nếu chuẩn bị tốt, TP HCM báo cáo sớm với Bộ Chính trị, QH để có thể ngay trong năm 2023 có cơ chế mới cho thành phố. Tinh thần là phải tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho TP HCM thực hiện thành công nghị quyết mới. Cơ chế mới phải tạo thế và lực cho TP HCM, giải quyết được những bức xúc của thành phố, cái gì TP HCM làm được thì phân cấp, giao quyền cho thành phố làm" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch nước, muốn thật sự là hòn ngọc Viễn Đông tỏa sáng, TP HCM cần đặt ra giải pháp để sạch hơn, đẹp hơn, an toàn hơn. Đồng thời, mạnh dạn đề xuất giải pháp tháo gỡ, các chính sách phát triển dài hơi...

Bày tỏ cảm ơn sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo Đảng, nhà nước với TP HCM thời gian qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định thành phố đã tiếp thu thêm rất nhiều nhận thức, tư duy, những vấn đề mới. Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng 2 năm qua với nhiều thử thách chưa từng có chính là cơ hội để tỏ rõ sự phi thường của một thành phố có truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình.

"Nếu như trong đại dịch, lãnh đạo và người dân kiên cường vượt qua thì trong giai đoạn phục hồi, cũng chính người dân, doanh nghiệp và hệ thống chính trị đã chứng minh sự mạnh mẽ của một đầu tàu... Chỉ cần đủ nhiên liệu và một đường ray thật an toàn thì sự tăng tốc của con tàu là trong tầm tay" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.

Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, điều đáng mừng nhất là các cấp trung ương và thành phố đều thống nhất đối với việc TP HCM cần có một cơ chế vượt trội, đột phá với tinh thần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đang tồn tại và thí điểm những vấn đề mới để Trung ương rút kinh nghiệm.

"TP HCM phải chủ động, sáng tạo hơn nữa, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các vấn đề chỉ đạo cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc ngày 23-9 vừa qua, cũng như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc này với tinh thần trách nhiệm cao nhất" - lãnh đạo TP HCM cam kết.

Nhiều gợi mở sát sườn

Góp ý cho TP HCM, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng để thành phố tiếp tục duy trì vị trí đầu tàu và là động lực lôi kéo các địa phương khác cần 6 yếu tố gồm: nguồn lực tài chính - ngân sách; nguồn lực đất đai; mở cửa hội nhập, thu hút đầu tư; ứng dụng khoa học - công nghệ; tổ chức bộ máy và nhân sự.

"6 yếu tố này không tách rời nhau mà đan xen, tương hỗ. Nguồn nhân lực là vấn đề khó khăn hiện nay bởi với yêu cầu phát triển của thời đại cùng những nhiệm vụ trung ương giao, nhân lực hiện nay không đáp ứng được. Để giải quyết, thành phố phải có sự tự chủ nhất định" - ông Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Theo ĐBQH Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, TP HCM cần ưu tiên ngân sách cho lĩnh vực khoa học - công nghệ. Nhìn lại những năm qua, thành phố chưa có sản phẩm, công trình khoa học - công nghệ, trung tâm khoa học - công nghệ tầm khu vực. ĐB Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, cho rằng TP HCM muốn chuyển đổi, tăng trưởng, phải xem công nghệ là tiêu chí hàng đầu.

Cơ bản giải quyết nguồn cung xăng dầu

Cùng ngày, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Cử tri đặt nhiều câu hỏi liên quan các vấn đề nóng như: cải cách tiền lương cơ sở; tình trạng thiếu thuốc tại các bệnh viện; cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc; tình hình xăng dầu...

Liên quan tình hình xăng dầu, Thủ tướng cho hay Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã vào cuộc xử lý, làm việc với các doanh nghiệp về nguồn cung. Theo báo cáo, tại các địa phương như TP HCM, tỉnh An Giang, Bình Phước..., tình hình cơ bản đã được giải quyết. Thủ tướng cho rằng nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng một số cây xăng đóng cửa là do đứt gãy cung ứng, giá xăng dầu thế giới lên xuống nhanh, khó dự báo, doanh nghiệp thua lỗ... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; cần kiểm điểm, xác định trách nhiệm, rút kinh nghiệm.

Thủ tướng cho biết đã giao các bộ, ngành rà soát, bảo đảm cung ứng xăng dầu không bị đứt gãy. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động...

C.Linh

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/danh-co-che-moi-vuot-troi-cho-tp-hcm-202210132204386.htm