'Đánh' gánh hàng, thấp thỏm nỗi âu lo

Cứ mỗi dịp Tết đến, nhiều tiểu thương liều mình xuống tiền từ trăm đến cả tỷ đồng để buôn cây cảnh Tết nhưng trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19 khiến nghề 'thời vụ' này thấp thỏm trong hy vọng.

Thời điểm này, tại các tuyến phố trên địa bàn TP Thanh Hóa đang nhuộm sắc hồng tươi rực rỡ, tràn ngập sắc xuân và bất cứ ai tới đây đều có thể cảm nhận rõ hơn không khí mùa Xuân đang về. Tuy nhiên, lượng người xem và đặt mua hoa đào chơi Tết có phần thưa vắng, khác hẳn khung cảnh tấp nập so với nhiều năm trước đó.

Nhiều tiểu thương thấp thỏm khi nhập cả vườn cây vài trăm triệu đồng

Theo ghi nhận của phóng viên, dạo qua các tuyến phố đang tập kết, trưng bày cây cảnh và hoa xuân cho thấy, không khí mua sắm khá trầm lắng, lượng người đi xem trực tiếp chỉ lác đác, sức mua hạn chế, phần lớn để thăm quan, khảo sát thị trường là chính. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, không còn cảnh "hét giá" như mọi năm, nhiều tiểu thương đều chủ động giảm giá bán, miễn phí cả công vận chuyển, trồng cây.

Dự đoán nhu cầu chơi đào, quất năm nay sẽ giảm đi nên nhiều tiểu thương cũng chủ động giảm số lượng nhập cây về bán nhưng vẫn lo lắng khi vắng người mua.

Qua khảo sát, giá đào Tết năm nay không có nhiều thay đổi so với năm trước. Với những cành nhỏ, giá sẽ giao động từ 100.000 - 300.000 đồng/cành. Đối với cây nhỏ, vừa thì từ 1 - 3 triệu đồng/cây, đặc biệt với loại đào thế nhiều năm tuổi thì có mức giá cao hơn từ 8 - 12 triệu đồng/cây. Tuy nhiên, đào thế lâu năm có giá lên đến vài chục triệu đồng.

Trong đó, có những gốc bưởi cả trăm quả thuộc dòng cổ thụ thường sẽ có giá từ 20 - 40 triệu đồng, năm nay giảm xuống còn 15 - 30 triệu, song cũng rất kén người mua. Các cây có giá từ 4 - 5 triệu đồng có tín hiệu dễ bán hơn.

Năm nay, thời tiết tại xứ Thanh thuận lợi nên hoa rất đẹp, nhưng lượng khách cũng như người dân đến thăm nhà vườn đào để đặt mua hàng thời điểm này giảm hẳn so với các năm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Anh Đỗ Văn Sơn (TP Thanh Hóa) cho biết, năm nay, thu nhập của người dân chắc chắn bị giảm sút do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài cùng với tâm lý ngại tiếp xúc, hạn chế ra đường, nên thị trường cây cảnh ngày tết kém sôi động.

Cây có giá trị cao nên đòi hỏi người bán hàng phải chăm sóc cây tỉ mỉ, cẩn thận

Trước Tết gần 1 tháng, nhiều tiểu thương nhập và bán các loại quất có kích thước vừa và nhỏ như quất thế, quất mini để trưng bày bàn làm việc, ban thần tài… có mức giá vừa phải dao động từ 100.000 - 200.000 đồng, dễ vận chuyển, chăm sóc. Không những vậy, nguồn vốn để nhập hàng không quá lớn, ít nhiều giảm được rủi ro trong trường hợp sức mua của thị trường yếu, nhu cầu người dân không cao.

Nhiều nhà buôn chia sẻ, đi bán hoa, cây cảnh tết, người bán vui vì mang không khí xuân sớm đến mọi nơi, vui vì là mùa làm ăn lớn nhất trong năm với những “mẻ trúng đậm” nhờ đào, quất. Bỏ vốn hàng trăm triệu đồng đầu tư và vất vả thay nhau chăm sóc, trông coi, các tiểu thương chỉ mong muốn bán cây cảnh được giá, hết hàng. Nhưng việc kinh doanh lại như một canh bạc khi phụ thuộc vào yếu tố may rủi. Thậm chí, có năm nhiều tiểu thương phải khóc ròng khi kinh doanh bị thua lỗ.

Mỗi khu vực bày cây cảnh Tết khá rộng (từ 3-5 kiot) nên sau mỗi buổi tối bán hàng, việc quây, phủ bạt quanh cửa hàng mất rất nhiều công sức, thời gian nên phải đến khuya các tiểu thương mới được ngả lưng. Chỗ nằm ngủ của họ cũng không cố định, phần lớn đều tận dụng lối đi lại để kê giường, đệm. Tuy nhiên, sau một ngày bán hàng vất vả, có được chỗ ngả lưng đối với các tiểu thương đã là điều đáng mừng, nói gì đến chỗ ngủ tốt.

Nghề bán đào, cây cảnh Tết đòi hỏi người bán phải có sức khỏe tốt

Những ngày gần đây, tại Thanh Hóa không khí lạnh tràn về, nhiệt độ ban đêm giảm còn 13-16 độ nên ngủ ngoài trời rất rét. Chưa kể, có những khi mưa phùn lất phất khiến ai cũng phải co ro trong những tấm chăn, bạt mỏng manh.

Anh Nam, người bán hàng tại đào Tết tại phố Nguyễn Duy Hiệu (TP Thanh Hóa) chia sẻ, vườn đào nhà anh nhập về từ 13 Âm lịch, ban đêm phải thức trông coi, không đêm nào được ngủ tròn giấc bởi thỉnh thoảng phải dậy soi đèn pin canh chừng hàng hóa.

Để có những chậu cây cảnh tươi đẹp trưng Tết không chỉ nhờ công chăm bón của người trồng mà còn cả sự giữ gìn của người bán. Hàng ngày, các tiểu thương phải thồ từng can nước đến tưới cho cây; tỉa tót, uốn nắn từng cành, nhánh. Nhất là những cây đào, cây quất thế cao quá đầu người, nặng cả tạ đòi hỏi việc vận chuyển phải rất cẩn thận.

Vất vả cũng nhiều nhưng điều mà hầu hết người bán đào, bán quất nào cũng phải đối diện là tình trạng ế hàng. Nhập cây về sớm phục vụ khách xem khảo sát đồng nghĩa với việc phải trông coi từ sớm. Có những năm bán thua lỗ, người bán cũng đành bán đổ bán tháo cho hết.

Việc vận chuyển cây cảnh Tết dáng to cần nhiều sức người và hỗ trợ của xe cẩu nên nâng giá thành mỗi chậu cây

Điều mà các chủ vườn lo lắng là năm nay, do tác động dịch bệnh COVID-19, các hoạt động, sự kiện tập thể cuối năm sẽ ít hơn hoặc giới hạn quy mô. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ hoa, cây cảnh giảm hơn so với mọi năm. Hơn nữa, dịch bệnh khiến kinh tế người dân khó khăn nên thị trường hoa, cây cảnh tết cũng sẽ kém sôi động.

Nhiều chủ vườn chia sẻ, việc bán được hàng thì ăn Tết ngon, không bán được thì mất Tết. Mặc dù sức mua giảm, thị trường kém sôi động nhưng các tiểu thương vẫn hy vọng vào một mùa vụ Tết khởi sắc trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/danh-ganh-hang-thap-thom-noi-au-lo-post177286.html