Đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2021
Ngày 17/12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng tổ chức hội nghị liên ngành tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2021, phương hướng hoạt động năm 2022.
Theo báo cáo tình hình phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm trong tỉnh, năm 2021, ghi nhận có 9 ca mắc sốt rét, tập trung ở các địa phương: Di Linh, Đức Trọng, Đà Lạt; không có ca sốt rét ác tính, tử vong do sốt rét và không xảy ra dịch sốt rét trên địa bàn.
Về bệnh sốt xuất huyết ghi nhận có 526 ca, giảm so với cùng kỳ năm 2020 là 759 ca; không có ca tử vong do dịch sốt xuất huyết. Ghi nhận trong năm có 177 chùm ca bệnh, đã được xử lý 176 chùm ca bệnh tại Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Bảo Lộc, Đức Trọng, Cát Tiên, Lâm Hà. Các biện pháp đã triển khai giám sát huyết thanh, giám sát hỗ trợ hoạt động chuyên môn, phun hóa chất, xử lý các chùm ca bệnh phòng chống sốt xuất huyết tại Đạ Tẻh, Di Linh, Lâm Hà; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động phòng chống sốt xuất huyết.
Tình hình bệnh tay chân miệng năm 2021 số mắc có 426 ca, giảm so với cùng kỳ năm 2020 là 1.075 ca; không có ca tử vong do dịch tay chân miệng.
Các bệnh cúm A(H5N1), bệnh dại, bệnh liên cầu khuẩn lợn, bệnh than (nhiệt thán), bệnh xoắn khuẩn vàng da (Leptospirosis) đều không có ca mắc.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 thống kê từ 27/4/2020 đến ngày 17/12, toàn tỉnh ghi nhận 6.402 ca Covid-19. Dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao.
Từ ngày 15/10/2021, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 2563/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương đã bắt đầu giai đoạn chống dịch mới “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệt quả dịch Covid-19”. Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, các địa phương đã kịp thời đáp ứng, triển khai các biện pháp phòng chống dịch đồng bộ, ngăn chặn dịch lây lan rộng trong cộng đồng. Từ ngày 15/10 đến ngày 15/12 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 5.580 trường hợp nhiễm Covid-19, có 16 ca tử vong, truy vết 987 chùm ca bệnh mới với 21.625 trường hợp F1 và 39.569 trường hợp F2. So với thời điểm 62 ngày trước đó, số ca bệnh tăng 2.480%, truy vết các trường hợp F1 tăng 1.086 %, F2 tăng 664%, chùm ca bệnh mới tăng 1.352%. Đánh giá nguồn lây nhiễm tại địa phương đã xuất hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng không rõ nguồn lây nhiễm.
Những nhiệm vụ chính trong thời gian tới tập trung giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các chùm ca bệnh, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để xâm nhập và địa phương. Tiếp tục tăng cường hoạt động phòng chống dịch Covid-19, thực hiện giám sát phát hiện sớm để khoanh vùng, cách ly, xử lý chùm ca bệnh kịp thời, hạn chế tối đa lây lan rộng.
Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh. Bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương. Đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến.
Đảm bảo công tác tiếp nhận, phân bổ vật tư y tế, tổ chức tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh an toàn, hiệu quả. Tiếp tục tiêm vắc xin mũi 2 cho 100% đối tượng từ 12 tuổi trở lên; tiêm bổ sung vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho nhóm người suy giảm miễn dịch, ung thư; tiêm nhắc vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho nhóm tuổi từ 18 trở lên; đảm bảo an toàn tiêm tiêm chủng. Bổ sung và hoàn thiện hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin trong toàn tỉnh. Rà soát và cập nhật bổ sung thông tin trên hệ thống PC-Covid cho tất cả những người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19.