Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 27: Giảm áp lực cho giáo viên và học sinh

Năm học 2020-2021, cùng với việc chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với học sinh lớp 1, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 (Thông tư 27) của Bộ GD&ĐT về Quy định đánh giá học sinh tiểu học.

 Một tiết học tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thị xã Quảng Trị -Ảnh: TÚ LINH

Một tiết học tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thị xã Quảng Trị -Ảnh: TÚ LINH

Theo đó, mục đích của việc đánh giá nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, xác định được thành tích học tập, rèn luyện theo mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học và sự tiến bộ của học sinh, từ đó tổ chức hoạt động học tập, điều chỉnh các nội dung, phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Thông tư 27 chú trọng việc đánh giá sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Hiện tại, các trường học trên địa bàn tỉnh đã áp dụng thực hiện Thông tư 27 về đánh giá học sinh lớp 1 ngay trong học kỳ 1 của năm học 2020-2021 ngay sau khi thông tư có hiệu lực (từ 20/10/2020), sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc, bất cập cần có văn bản tổng hợp, báo cáo về phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT để kịp thời có giải pháp xử lý.

Cô Phan Thị Mỹ Duyên, giáo viên Trường TH&THCS Gio An, huyện Gio Linh có hơn 25 năm kinh nghiệm đứng lớp, trong đó phần lớn số thời gian cô được phân công dạy lớp 1. Năm học 2020-2021, cô tiếp tục dạy lớp 1 theo Chương trình GDPT 2018 và cũng là năm đầu tiên thực hiện Thông tư 27 về đánh giá học sinh tiểu học. Cùng với kinh nghiệm đánh giá học sinh trong quá trình công tác, cô Duyên nhận thấy Thông tư 27 có nhiều ưu điểm hơn so với các thông tư trước đây. Giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn các phương pháp đánh giá phù hợp với từng học sinh của mình như quan sát, vấn đáp, đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh; kiểm tra viết dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Việc chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo yêu cầu của chương trình học trong quá trình đánh giá nên rất thuận lợi trong việc đánh giá thường xuyên và định kỳ. Đánh giá thường xuyên bằng phương pháp nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Kết quả cuối cùng của học sinh là kết hợp giữa đánh giá của giáo viên, học sinh tự đánh giá, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên quan trọng nhất.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thị xã Quảng Trị, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bảy cho biết, khi Thông tư 27 ra đời, nhà trường đã chú trọng công tác tập huấn; tổ chức cho giáo viên tìm hiểu kỹ nội dung thông tư, trao đổi, so sánh với các Thông tư 30 và Thông tư 22 trước đó về đánh giá học sinh để từ đó rút ra những nguyên tắc đánh giá nhằm có tính kế thừa, vận dụng linh hoạt đúng và sát nhất với từng học sinh cụ thể. Vì vậy, quá trình thực hiện Thông tư 27 diễn ra ở trường cơ bản thuận lợi.

Theo Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non Sở GD&ĐT Quảng Trị Phan Hữu Huyện: Chương trình GDPT 2018 với sự thay đổi về mục tiêu giáo dục là chuyển từ nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh nên tác động trực tiếp đến nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh . Vì vậy, Thông tư 27 đặt ra yêu cầu đánh giá thông qua mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình cấp tiểu học.

Năm học 2020- 2021, học sinh lớp 1 được đánh giá theo Thông tư 27, học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 vẫn thực hiện đánh giá theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT. Trong các năm học tiếp theo, việc đánh giá học sinh tiểu học sẽ được thực hiện theo phương thức cuốn chiếu của lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 và đổi mới sách giáo khoa. Cụ thể từ năm học 2021-2022, đánh giá đối với lớp 2, từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4 và từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5 trở về các lớp trước.

Phân tích những ưu điểm của Thông tư 27 so với các Thông tư 30 và 22 về đánh giá học sinh trước đây, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Mai Huy Phương cho biết: Thông tư 27 có tính kế thừa các thông tư trước và có nhiều đổi mới căn bản. Đánh giá học sinh theo thông tư mới không nhằm kiểm tra kết quả cuối cùng của học sinh mà để phát hiện ra những điểm được, chưa được, những kết quả hoàn thành, chưa hoàn thành của học sinh, trên cơ sở đó các cấp quản lý, giáo viên, phụ huynh có biện pháp phù hợp để giúp đỡ, hỗ trợ cho học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập. Bên cạnh đó, việc đánh giá còn giúp học sinh có khả năng tự nhận xét, tham gia nhận xét; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ. Căn cứ vào mục tiêu của các môn học và các hoạt động giáo dục; vào phẩm chất và năng lực cốt lõi, trong quá trình giáo dục, các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thường xuyên theo dõi học sinh đưa ra các nhận xét để sau đó ghi nhận xét cốt lõi vào học bạ làm cở sở theo dõi học sinh các năm sau và quá trình học tập trong cấp học tiểu học.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153788