Đánh giá kết quả 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 16-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ . Ðồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác đồng chủ trì hội nghị. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Ngày 16-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ . Ðồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại đầu cầu Chính phủ có các đồng chí thành viên Tổ công tác; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, một số Hiệp hội trong và ngoài nước, Tập đoàn kinh tế, các Tổng Công ty Nhà nước. Tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Ðoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan và các thành viên Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo báo cáo của tổ công tác, từ khi được thành lập (19-8-2016) đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước. Qua các cuộc kiểm tra, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quán triệt, đôn đốc thực hiện, góp phần đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; nhiều khoảng trống pháp lý; nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, dư luận quan tâm, bức xúc liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan địa phương; nhiều bất cập, yếu kém trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý kịp thời. Các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt, sâu sát hơn trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ giao cũng như triển khai thực hiện các kiến nghị của Tổ công tác; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kết quả thực hiện nhiệm vụ giao chuyển biến rõ nét, ngày càng thực chất. Ðầu năm 2016, số nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,2%; đến cuối năm 2020, chỉ có 180/9.721 số nhiệm vụ quá hạn, giảm 23,4% so với trước thời điểm thành lập Tổ công tác. Chất lượng Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày càng được nâng cao, việc điều chỉnh tiến độ trình, việc xin chuyển, xin rút cơ bản được khắc phục. Cả nhiệm kỳ 2016-2021 (tính đến hết tháng 2-2021) đã hoàn thành 2.492/2.504 đề án giao, đạt 99,5%, chỉ còn 12 đề án (chiếm 0,5%) chưa trình, giảm 47 đề án và chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến rõ rệt, số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay, chỉ còn nợ đọng 3 văn bản quy định chi tiết của năm 2020. Hoạt động của Tổ công tác cũng thúc đẩy mối quan hệ phối hợp công tác giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; mối quan hệ giữa Văn phòng Chính phủ và các Hiệp hội doanh nghiệp ngày càng cởi mở; việc trao đổi, chia sẻ, phản ánh thông tin của doanh nghiệp trung thực, chính xác hơn. Hoạt động của Tổ công tác đã góp phần hiện thực hóa quyết tâm và mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ hướng tới người dân, doanh nghiệp.

Các hạn chế, bất cập tồn tại gồm: Việc kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương mới chỉ dừng ở kiểm tra theo đầu việc, tiến độ giao phải báo cáo, phải trình; chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu được giao; các thành viên Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên không có điều kiện tham gia đầy đủ các cuộc kiểm tra, phải huy động bộ máy giúp việc nên không phát hiện một số bất cập, vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý hoặc các kiến nghị của các cơ quan được kiểm tra đôi lúc chưa được giải quyết thỏa đáng; tại một số thời điểm nhất định, một số thành viên Tổ công tác chưa kịp thời cung cấp thông tin, số liệu thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực của bộ, cơ quan mình cho Tổ Công tác để đôn đốc, nhắc nhở cơ quan được kiểm tra, việc nợ đọng nhiệm vụ giao chưa được xử lý triệt để ở một số bộ, ngành, địa phương nhất định.

Phát biểu kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, 5 năm qua Tổ công tác đã hoạt động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, thực chất, không ngại va chạm, hoàn thành khá toàn diện 6 nhiệm vụ được giao. Hoạt động của Tổ công tác là một dấu ấn tích cực trong nhiệm kỳ Chính phủ, đã tạo lan tỏa mạnh mẽ trong toàn bộ hệ thống hành chính Nhà nước. Ðể Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có định hướng hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tổ công tác cần duy trì hiệu quả, khắc phục các bất cập; thay đổi phương thức làm việc phù hợp với thực tiễn chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra, đôn đốc, không nhất thiết phải tổ chức nhiều đợt, nhiều đoàn kiểm tra, đôn đốc thực địa. Các thành viên Tổ công tác đề cao trách nhiệm cá nhân, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, củng cố niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Chú trọng rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải xử lý, giải quyết các nhiệm vụ được giao còn nợ đọng, chưa xử lý triệt để; qua kiểm tra giao thêm nhiệm vụ nếu phát hiện còn tồn tại bất cập. Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ tích cực có biện pháp quyết liệt để xử lý các nhiệm vụ của ngành mình, địa phương mình trên tinh thần tăng cường kỷ luật hành chính, thực thi công vụ; không để nợ đọng nhiệm vụ. Các ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo đảm bảo hiệu quả hoạt động của Tổ công tác cấp ngành, địa phương mình; nâng cao trách nhiệm, tăng tính thực chất, không đối phó trong giải trình, báo cáo chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao./.

Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5083/202103/danh-gia-ket-qua-5-nam-hoat-dong-to-cong-tac-cua-thu-tuong-chinh-phu-2542981/