Đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2024

Ngày 7/11, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2024 và đề xuất nội dung, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh năm 2025.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, năm 2024, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, khống chế tốt. Toàn tỉnh chỉ xảy ra 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 với tổng số gia cầm phải tiêu hủy gần 3 nghìn con (so với năm 2023, giảm 50% số xã có dịch, giảm 52,2% số gia cầm phải tiêu hủy). Dịch tả lợn châu Phi cũng chỉ xảy ra lẻ tẻ, quy mô nhỏ, số lượng lợn phải tiêu hủy giảm gần 90% so với năm trước.

Bệnh trên đàn trâu bò (viêm da nổi cục và lở mồm, long móng) tiếp tục được kiểm soát, khống chế. Tính đến thời điểm hiện tại, không ghi nhận, phát hiện các trường hợp bị bệnh.Dịch bệnh trên thủy sản nuôi tương đối ổn định, không phát sinh các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Dịch bệnh được kiểm soát đã tạo môi trường, điều kiện ổn định cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh duy trì, tái đàn. Tổng đàn trâu, bò ước đạt trên 48 nghìn con, dê 22 nghìn con, gia cầm gần 6,8 triệu con (tăng nhẹ so với cùng kỳ). Tổng sản lượng thịt hơi ước đạt 67,5 nghìn tấn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những mặt được, chưa được, khó khăn cũng như kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại mỗi địa phương. Bàn bạc, rà soát nhu cầu, đề xuất phương ántriển khai tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi; thống nhất cách thức mua sắm vắc xin phục vụ tiêm phòng đại trà, việc triển khai lấy mẫu giám sát, đánh giá kháng thể sau tiêm phòng...

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về cơ chế, chính sách, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi và người tiêu dùng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố siết chặt công tác kiểm soát, quản lý dịch bệnh; việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm..., hạn chế tối đa lây lan, bùng phát dịch bệnh, đảm bảo nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm.

Đối với việc triển khai tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi, thực hiện chọn một số điểm có tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, dịch bệnh dây dưa, kéo dài để thí điểm tiêm phòng phạm vi hẹp trên cơ sở đó đánh giá, triển khai tiêm phòng đại trà.

Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/danh-gia-ket-qua-cong-tac-phong-chong-dich-benh-nam-2024-568243.htm