Đánh giá kỹ điều kiện an toàn phòng cháy với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới
Tiếp tục Phiên họp thứ 33, sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho y kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các đại biểu đề nghị cần tổng kết thực hiện pháp luật về xử lý đối với các cơ sở, nhà ở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và phương án xử lý vi phạm đang tồn tại.
Dự thảo luật gồm 9 chương, 65 điều định về: Nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy; các hành vi bị nghiêm cấm.
Đặc biệt, về phòng cháy, dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình; phòng cháy đối với nhà ở; phòng cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới...
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là thực sự cần thiết, qua đó khắc phục được những hạn chế trong việc xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy; chưa có cơ chế, chính sách cũng như sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể; chưa khuyến khích được doanh nghiệp, người dân cùng tham gia.
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội...
Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Thực tế này đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy hiện hành là để kịp thời tạo cơ sở pháp lý nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy trong thực tiễn.
Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 7), Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật và đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định đưa nội dung kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ vào chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo và trách nhiệm của cơ sở giáo dục và đào tạo trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu quy định chi tiết hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phù hợp với từng loại hình cơ sở; đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về cứu nạn cứu hộ; nghiên cứu làm rõ yêu cầu phòng cháy chữa cháy đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về phòng cháy chữa cháy phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh…
Ông Lê Tấn Tới đề nghị Cơ quan soạn thảo có báo cáo tổng kết thực hiện pháp luật về xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy (năm 2001) có hiệu lực; đồng thời đề nghị quy định rõ tại dự thảo Luật này phương án xử lý đối với những công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực.
Góp ý vào dự thảo luật, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, những năm qua cháy, nổ, tai nạn vẫn xảy ra liên tục, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của xã hội. Thực tế cho thấy, đường bên ngoài rộng nhưng vào sâu ngõ, hẻm lại chật nên khi có cháy, nổ thì xe chữa cháy không vào được. Gần như chỗ nào cũng có họng nước chữa cháy nhưng lâu không sử dụng, khi có cháy lại không vận hành được. Thang xe chữa cháy lên được 5 - 7 tầng, nhưng nhà được cấp phép xây dựng tới 12-13 tầng.
Tại các thành phố lớn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, nhà xây cao tầng, vượt rất xa độ cao mà thang chữa cháy có thể đạt tới. Vì vậy, rất cần rút kinh nghiệm cho công tác phòng cháy chữa cháy sắp tới để hạn chế tối đa vụ cháy cũng như thiệt hại về người, tài sản của nhân dân. Đồng thời đề nghị quan tâm đến trang thiết bị, lực lượng và đặc biệt là ý thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy của từng người dân, mỗi gia đình.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nhà ở, công trình dân sinh được quy định trong dự thảo chưa có nét mới, do đó cần nghiên cứu thêm; bởi các vụ cháy nhà dân, chung cư mini gây hậu quả thảm khốc trên thực tế cần phải có quy định cụ thể, có tính hiệu quả cao hơn nữa.
Dự thảo Luật quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở (Điều 16): Hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy; chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; có giải pháp thoát nạn; chuẩn bị thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn;
Điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh bảo đảm yêu cầu theo quy định nêu trên và phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh và giải pháp thoát nạn khi có cháy xảy ra.