Đánh giá kỹ tác động việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Ngày 8-8, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống.

Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới nhất, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia. Dự kiến sẽ tăng liên tục bắt đầu từ năm 2026 đến năm 2030, từ mức 65% lên đến 100%.

Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này. Từ đó, hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia đến sức khỏe nhân dân.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VCTA), việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể.

Việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, tự pha chế, không bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo đó, mục tiêu hạn chế tiêu dùng rượu bia, bảo đảm sức khỏe cộng đồng sẽ khó thực hiện.

Do đó, bà Nguyễn Thị Cúc đề nghị cần cân nhắc nghiên cứu kỹ thêm tác động của đề xuất tăng thuế này. Xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình, ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm.

Các ý kiến trao đổi tại hội thảo.

Các ý kiến trao đổi tại hội thảo.

Đồng quan điểm, PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần bảo đảm cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hằng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Do đó, cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Một mặt hàng khác thuộc ngành đồ uống đang được Bộ Tài chính đề xuất là: Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo lập luận của Bộ Tài chính, việc đánh thuế nước giải khát có đường sẽ giúp kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì.

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì mà đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính. Việt Nam hiện đang đứng thứ 6 trong danh sách 10 quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới. Tỷ lệ dân số béo phì ở Việt Nam hiện chỉ là 2,1%.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Vì vậy, thay vì áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, để giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là ở trẻ em, chúng ta cần tăng cường truyền thông giáo dục tại nhà trường về dinh dưỡng cân đối, hợp lý; tăng cường các hoạt động thể chất…

Tin, ảnh: MINH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/danh-gia-ky-tac-dong-viec-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-788696