Đánh giá nguy cơ động đất ở từng tỉnh thành để xây dựng tiêu chuẩn công trình xây dựng
Nền địa chất yếu, kết hợp với việc gia cố nền móng chưa đảm bảo tiêu chuẩn có thể khiến các công trình xây dựng bị ảnh hưởng sau khi rung chấn xảy ra, đặc biệt ở những khu vực mới phát triển mở rộng ở các thành phố lớn.
Việt Nam có nhiều công trình rủi ro cao ảnh hưởng bởi động đất
Trận động đất ở Myanmar ngày 28/2 gây rung lắc cho nhiều khu vực ở Việt Nam. Hàng trăm căn hộ ở TPHCM bị nứt tường do ảnh hưởng bởi dư chấn của trận động đất này. Vấn đề đặt ra về khả năng xảy ra động đất lớn ở Việt Nam và tiêu chuẩn kháng chấn cho các công trình xây dựng ở các thành phố lớn như thế nào?
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần (Viện Các khoa học trái đất, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), các dữ liệu về động đất cho thấy tại Việt Nam đã nhiều lần xuất hiện động đất, có nguồn xa nguồn gần nhưng về cơ bản đều là những trận nhỏ.

Cần nghiên cứu rủi ro động đất ở các tỉnh, thành Việt Nam để có biện pháp phòng chống.
"So với các nước trong khu vực nói riêng và châu Á nói chung, nguy cơ động đất ở Việt Nam cũng nhỏ và ít hơn. Bởi thông thường, động đất sẽ nằm ở những khu vực ranh giới các mảng lục địa lớn. Khi các mảng xô húc với nhau sẽ gây ra động đất khủng khiếp. Myanmar hay Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia rơi vào trường hợp này. Ngoài ra, còn có động đất xảy ra ở các vành đai núi lửa như tại Nhật Bản, Philippines, Indonesia...", TS Nguyễn Xuân Anh cho biết.
Động đất thường xảy ra ở các vùng có địa hình phức tạp, nơi giáp ranh giữa đồng bằng xen lẫn đồi núi, đa dạng về độ cao. Nên ở Việt Nam, tâm một số trận động đất thường ở khu vực Tây Bắc và Tây nguyên. Việt Nam cũng nằm sâu trong khu vực nội mảng của các ranh giới lục địa và không có vành đai lửa nên rủi ro động đất của chúng ta là nhỏ và ít so với các nước khác.
Dù vậy, TS Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo Việt Nam vẫn cần có giải pháp cụ thể, thích hợp cho từng khu vực, công trình cụ thể. Thực tế, một trận động đất 7,7 độ Richter có khả năng gây thiệt hại đến an toàn của 250.000 người, gây hư hại nhiều hoặc tất cả các công trình xây dựng trên nhiều vùng. Trong đó, một số công trình sẽ sụp đổ một phần hoặc bị hư hại nghiêm trọng. Ngay cả các công trình được thiết kế tốt vẫn có khả năng bị ảnh hưởng.
Trong trận động đất ở Myanmar vừa rồi, TP.HCM dù cách tâm chấn khoảng 1.700 km cũng ghi nhận thiệt hại thì ngoài yếu tố khoảng cách và cường độ của trận động đất còn phụ thuộc vào nền đất của từng khu vực và đặc biệt là phụ thuộc vào từng công trình cụ thể. Những công trình được thi công tốt, có độ kháng chấn cao sẽ ít bị ảnh hưởng hơn và ngược lại.
"Ví dụ như Myanmar, nơi có nguy cơ cao thì cần phải xây dựng những công trình kiên cố để chống được các trận động đất mạnh. Việt Nam tuy có nguy cơ động đất không quá cao nhưng khi xây dựng các công trình, đặc biệt là công trình lớn thì cần đánh giá môi trường đặc biệt là nguy cơ động đất, sóng thần vì đây là bài toán kinh tế quan trọng và dài hạn", TS Xuân Anh nói và cho rằng sau trận động đất vừa qua, chúng ta có thể nhận ra TP.HCM có nhiều công trình nguy cơ rủi ro cao.
Chính vì vậy cần phải có một chương trình đánh giá rủi ro liên quan đến động đất để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đối với những chung cư, công trình cao tầng sau này nên có thiết bị quan trắc để đánh giá mức độ kháng chấn. Người dân cũng nên trang bị kiến thức về phòng chống động đất để khi xảy ra sự cố sẽ biết cách ứng phó phù hợp.
Cảnh báo cho các công trình cao tầng
TS Xuân Anh chia sẻ thêm, các công trình xây dựng sau 5-10 năm đã cũ đi, hay các công trình xây mới đều cần được cập nhật lại số liệu, tính toán để đánh giá những công trình nào có nguy cơ bị ảnh hưởng, ảnh hưởng mức độ như nào nếu động đất xảy ra. Ở những khu vực động đất nguy hiểm thì cần đánh giá sự ảnh hưởng của động đất đến công trình xây dựng, nguy cơ đá lăn từ các sườn núi. "Việc kiểm tra, đánh giá rất quan trọng giúp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do động đất gây ra", TS Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (nay là Viện Các Khoa học Trái đất), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, năm 2009, các nhà khoa học thực hiện bản đồ phân vùng rủi ro động đất của TPHCM.
Kết quả cho thấy, nền địa chất khu vực này yếu và rất phức tạp. Tại khu vực của thành phố Sài Gòn cũ, nền địa chất chắc hơn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của thành phố, các khu vực mở rộng sau này có nền địa chất yếu hơn, nhiều nơi từng là các bãi đầm lầy với nền địa chất rất yếu, nhất là khu vực phía nam và đông nam của thành phố.
PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, nền địa chất yếu, kết hợp với việc gia cố nền móng chưa đảm bảo tiêu chuẩn có thể khiến các công trình xây dựng bị ảnh hưởng sau khi rung chấn xảy ra. Tại TPHCM, bản đồ phân vùng rủi ro động đất được thực hiện từ năm 2009, cách đây 16 năm nhưng đến nay chưa cập nhật lại, trong khi thành phố có sự thay đổi nhiều trong 16 năm qua, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng với nhiều cao ốc mọc lên.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết, theo các tài liệu khoa học và lịch sử ghi nhận ở Việt Nam, khả năng động đất xuất hiện ở khu vực Tây Bắc và một số nơi ở Tây nguyên. Động đất ở Tây nguyên những năm gần đây thường do ảnh hưởng từ các hồ chứa thủy điện gây ra hiện tượng động đất kích thích. Động đất kích thích theo thời gian sẽ giảm dần khi lớp vỏ trái đất ở khu vực đó ổn định trở lại.
"Hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn này trong xây dựng. Trận động đất vừa rồi có thể là một lời cảnh báo cho chúng ta, đặc biệt là trong việc triển khai xây dựng các công trình có quy mô lớn ở những nơi có nền đất yếu", PGS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất.
Các cơ quan địa chất nên cung cấp những nghiên cứu khoa học về nguy cơ động đất nằm trong ngưỡng nào. Đặc biệt là tần suất xảy ra trong 100 năm ra sao, vùng nào, mức độ bao nhiêu… Phải có đánh giá nguy cơ động đất ở từng tỉnh thành trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, vùng nào có nguy cơ động đất trong 100 năm tới? Trên cơ sở đó bổ sung những quy chuẩn phù hợp cho từng khu vực cụ thể và với từng loại công trình.