Đánh giá thiệt hại tại các địa điểm tên lửa của Iran sau cuộc chiến với Israel
Hơn 20 căn cứ và hàng chục cơ sở sản xuất tên lửa của Iran bị không kích chính xác, đẩy chương trình tên lửa Tehran vào thế khó. Iran sẽ phản ứng thế nào trước tổn thất chưa từng có này?

Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận Eqtedar ở Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ ngày 3/7, sau cuộc xung đột vũ trang gần đây với Israel, Iran đã phải hứng chịu những thiệt hại đáng kể đối với các cơ sở và kho dự trữ tên lửa của mình. Các cuộc không kích liên tiếp của Israel đã nhắm vào hàng loạt mục tiêu chiến lược, từ các căn cứ phóng tên lửa đến các nhà máy sản xuất, nhằm làm suy yếu năng lực tên lửa của Tehran.
Mức độ thiệt hại tổng thể
ISW dẫn báo cáo từ một nhà phân tích Israel cho biết, ít nhất 20 căn cứ tên lửa của Iran đã bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Israel. Ngoài ra, một số nhà máy liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng bị tấn công, khiến chúng không thể hoạt động. Mục tiêu của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) là hạn chế khả năng trả đũa của Iran và phá vỡ năng lực sản xuất tên lửa dài hạn.
Trước đó IDF đã tuyên bố vào ngày 17/6 rằng họ đã phá hủy "khoảng một nửa" số bệ phóng tên lửa đạn đạo của Iran và từ 35 đến 45% kho dự trữ tên lửa đạn đạo của nước này. Dựa trên ước tính tình báo trước xung đột rằng Iran có khoảng 2.000 tên lửa đạn đạo, con số này cho thấy Iran có thể còn lại khoảng 1.100 đến 1.300 tên lửa đạn đạo trong kho dự trữ sau cuộc đụng độ quân sự.
Thiệt hại tại các căn cứ tên lửa trọng điểm
Các cuộc không kích của Israel đã gây ra những tổn thất nặng nề tại nhiều căn cứ tên lửa quan trọng trên khắp Iran:
Tại tỉnh Đông Azerbaijan: Căn cứ Tên lửa Amand và Căn cứ Tên lửa Tây Nam Tabriz đều bị tấn công nhiều lần. Hình ảnh vệ tinh ngày 24/6 cho thấy Căn cứ Amand bị phá hủy nhiều địa điểm phóng tên lửa, tòa nhà hành chính, khu vực lưu trữ và đường hầm. Căn cứ này được cho là nơi chứa tên lửa đạn đạo tầm trung Ghadr và từng được Iran sử dụng để phóng tên lửa vào Erbil (Iraq) năm 2022.
Tại Căn cứ Tây Nam Tabriz, hình ảnh vệ tinh ngày 21/6 cho thấy cấu trúc phóng tên lửa, hầm lưu trữ, khẩu đội phòng không và hai bệ phóng cố định đã bị phá hủy. Căn cứ này được cho là lưu trữ các biến thể tên lửa Shahab.
Ở tỉnh Kermanshah: nhiều căn cứ tên lửa có vị trí chiến lược cho phép Iran phóng tên lửa vào Israel, cũng bị Không quân Israel (IAF) tấn công. Ví dụ, căn cứ tên lửa Kamijeh với một hầm lưu trữ, đã bị tấn công. VỚi cơ sở tên lửa ngầm Kermanshah, nhiều lối vào đường hầm đã bị phá hủy. Căn cứ này được cho là hỗ trợ triển khai tên lửa ở phía Tây Iran và lưu trữ các tên lửa đạn đạo, bao gồm cả Qiam-1.
Với căn cứ tên lửa ngầm Bakhtaran (Panj Pelleh): Hầu hết cơ sở hạ tầng, bao gồm hai đường hầm, các địa điểm phóng tên lửa và các tòa nhà hành chính, đã bị phá hủy theo hình ảnh vệ tinh ngày 19/6. Căn cứ này được cho là lưu trữ tên lửa đạn đạo Qiam-1 và Fateh-110.
Ở tỉnh Lorestan: Căn cứ tên lửa Imam Ali có nhiều tòa nhà, bệ phóng tên lửa, lối vào đường hầm và địa điểm hành chính đã bị hư hại theo hình ảnh vệ tinh ngày 23/6. Căn cứ này được cho là một trong hai cơ sở của Iran sản xuất tên lửa đạn đạo Shahab-3.
Tại các tỉnh khác: Tỉnh Khuzestan, căn cứ Tên lửa Dezful bị phá hủy hai tòa nhà hành chính và ít nhất hai lối vào gần khu phức hợp ngầm phía Bắc. Tỉnh Zanjan, căn cứ Tên lửa Zanjan và căn cứ tên lửa Abhar đều bị tấn công, phá hủy các cơ sở phóng tên lửa, khu phức hợp ngầm, tòa nhà hành chính và cơ sở lưu trữ tên lửa. Tỉnh Alborz, căn cứ Shahid Soltani, địa điểm lưu trữ và sản xuất tên lửa quan trọng, bị phá hủy nhiều tòa nhà. Căn cứ này được cho là nơi chứa các tên lửa đạn đạo Shahab-3, Qiam, Fateh và Fath, và từng được Iran sử dụng để cung cấp tên lửa cho các nhóm như Hezbollah và Houthi.
Các chuyên gia phân tích cho rằng các cuộc không kích của Israel đã tập trung vào việc gây ra thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng tên lửa của Iran, không chỉ nhắm vào các bệ phóng mà còn cả chuỗi cung ứng và sản xuất. Điều này cho thấy một nỗ lực có hệ thống nhằm suy giảm khả năng tên lửa của Tehran trong dài hạn. Mặc dù số lượng tên lửa còn lại trong kho dự trữ của Iran vẫn đáng kể, việc phá hủy các căn cứ và nhà máy sản xuất sẽ ảnh hưởng đến khả năng tái thiết và phát triển chương trình tên lửa của nước này trong tương lai.
Trong khi đó, trang tin châu Âu Euronews.com lưu ý rằng, bất chấp căng thẳng leo thang với Israel, Tehran vẫn duy trì kho vũ khí tên lửa tinh vi - bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo - một số tên lửa có tầm bắn hơn 2.000 km, ví dụ tên lửa Soumar có tầm bắn lên tới 2.500 km và có đặc điểm là có thể bay ở độ cao khó bị phát hiện, giúp tăng khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không và tấn công chính xác các mục tiêu ở xa.
Nguồn tin này dẫn lời các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng việc Iran kiềm chế sử dụng những tên lửa trên có thể không phải là điểm yếu mà là một phần của các tính toán răn đe. Tehran nhận ra rằng việc đưa những vũ khí này vào cuộc đối đầu có thể có nghĩa là mở ra cánh cửa cho một cuộc chiến tranh toàn diện hoặc gây ra phản ứng quốc tế rộng lớn hơn do Mỹ dẫn đầu. Mặt khác, kho vũ khí này có thể đại diện cho một quân bài gây sức ép chính trị và quân sự mà Tehran có thể sử dụng vào thời điểm quan trọng, có thể là tấn công các mục tiêu nhạy cảm hoặc đưa ra các điều kiện của mình tại bàn đàm phán.