Đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnhTin khácThể lệ tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm 'Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2022Tổng đài viên đặc biệt: Chỗ dựa vững chắc cho F0 điều trị tại nhà
Sáng nay (16/3), UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Dự hội thảo có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Đinh Hữu Học, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Tổng cục Lâm nghiệp; lãnh đạo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng đại diện một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ thể trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại hội thảo, cây mắc ca được Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc đưa vào trồng khảo nghiệm ở Lạng Sơn từ những năm 2003 – 2006. Trên cơ sở kết quả trồng khảo nghiệm, một số hộ gia đình, cá nhân tự phát mua cây mắc ca để trồng từ năm 2004 đến năm 2011 với số lượng nhỏ lẻ.
Từ năm 2019 đến năm 2021, diện tích trồng mắc ca tăng nhanh ở 10/11 huyện, thành phố. Một số công ty, doanh nghiệp đã quan tâm trồng, phát triển mắc ca, hiện có 8 doanh nghiệp lập 10 dự án đầu tư mắc ca, trong đó, 5 dự án đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt với diện tích 249,70 ha.
Đến hết tháng 2/2022, trên địa bàn tỉnh có trên 486 ha mắc ca, năng suất bình quân đạt khoảng 3,4 tấn quả tươi/ha/năm (tương đương 2,75 tấn hạt tươi), hiệu quả kinh tế đạt từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/cây/năm đối với cây mắc ca trồng từ năm thứ 10 trở lên.
Đối với tình hình sản xuất giống cây mắc ca, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 vườn ươm sản xuất và kinh doanh giống cây mắc ca với quy mô trên 186.000 cây/năm với các loại giống như: 246, A38, QN1… xuất xứ từ Australia và Trung Quốc. Trong đó, tháng 10/2021, trên địa bàn đã công nhận 1 vườn cây đầu dòng cung cấp hom ghép của Công ty Cổ phần Giống Lâm nghiệp vùng Đông Bắc với 128 cây. Về chế biến mắc ca, trên địa bàn có 3 cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca với công suất thiết kế 180 – 190 tấn hạt/năm.
Để phát triển, quy hoạch cây mắc ca, tháng 6/2021, Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Mắc ca đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh tiến hành khảo sát và đánh giá thực trạng phát triển cây mắc ca trên địa bàn; đang hoàn thiện đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Chính phủ phê duyệt, trong đó, tỉnh Lạng Sơn được đưa vào vùng quy hoạch mở rộng trồng cây mắc ca.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển cây mắc ca, trong đó, tập trung vào các nội dung như: kỹ thuật chọn giống, trồng, chăm sóc; công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ mắc ca; chính sách thu hút các dự án đầu tư trồng, chế biến, kinh doanh mắc ca trên địa bàn tỉnh; liên kết chuỗi phát triển mắc ca.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu: Sở NN&PTNT tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội thảo, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu mọi mặt về sự phù hợp, hiệu quả kinh tế, môi trường khi phát triển mắc ca. Từ đó, tham mưu xây dựng đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh ngay sau khi đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt.
UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây mắc ca trên địa bàn, tuyên truyền, khuyến cáo doanh nghiệp, người dân lựa chọn vùng trồng phù hợp, tránh tình trạng trồng tự phát, trồng tại những nơi không đảm bảo yêu cầu sinh thái, yêu cầu kỹ thuật tổ chức sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để các doanh nghiệp khảo sát, xây dựng mô hình, đầu tư dự án phát triển trồng và chế biến mắc ca.
Đồng chí đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp quan tâm, hỗ trợ tỉnh nghiên cứu, đánh giá chất lượng các giống mắc ca hiện có tại Lạng Sơn và các giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh; tham mưu Bộ NN&PTNT có chính sách hỗ trợ người trồng và chế biến các sản phẩm mắc ca. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia đầu tư trồng mắc ca có sự phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT và các huyện nơi đầu tư dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án phát triển mắc ca; tạo điều kiện hỗ trợ vốn đầu tư cho hộ dân tham gia, bao gồm các chi phí giống, phân bón, nguồn sinh kế của người dân trong những năm đầu tư chưa có sản phẩm để các hộ dân yên tâm sản xuất.