Đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm tinh dầu màng tang
Chiều 8/11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức hội thảo nhằm đánh giá về thực trạng, tiềm năng phát triển sản phẩm tinh dầu màng tang.
Tham dự hội thảo có hơn 30 đại biểu đến từ Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ rừng (Viện Khoa học lâm nghiệp); Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ; Trường Đại học Lâm nghiệp; một số doanh nghiệp kinh doanh, chế biến tinh dầu màng tang, các hộ dân đang tham gia trồng màng tang và một số đơn vị có liên quan.
Với mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng đa giá trị, năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Xây dựng mô hình trồng rừng và chiết xuất tinh dầu cây màng tang, phục hồi rừng sau canh tác nương rẫy có nguy cơ sa mạc hóa để tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc vùng cao”.
Nhóm thực hiện đề tài đã thực hiện các nội dung: Điều tra, đánh giá phân bố, các đặc điểm sinh học, tình hình chế biến và tiêu thụ tinh dầu cây màng tang; xác định hàm lượng tinh dầu và thành phần hóa học chính trong lá, quả cây màng tang; hoàn thiện kỹ thuật nhân giống cây; thực hiện mô hình cải tạo và trồng mới cây màng tang; điều tra quy trình, kỹ thuật chiết xuất tinh dầu…
Màng tang là cây gỗ nhỏ, cao từ 7 - 10 m, thân tròn, đường kính từ 6 - 8 cm. Quả màng tang nhỏ, nhưng rất nhiều, mùi thơm nồng đậm, khi chín có màu đen sậm. Từ quả, lá, rễ của loài cây này, nhiều nơi đã chiết xuất tinh dầu dùng trong y học, mỹ phẩm...
Cây màng tang phân bố chủ yếu tại 5 huyện: Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Văn Bàn, chủ yếu mọc rải rác tại trạng thái rừng tái sinh sau nương rẫy với diện tích khoảng trên 300 ha; sản lượng quả trung bình 8 -10 kg/cây đối với cây mọc rải rác; 4 - 5 kg/cây đối với diện tích mọc tập trung thuần loài. Tổng sản lượng hạt màng tang trên toàn tỉnh ước đạt trên 100 tấn/năm. Hiện quả màng tang tươi có giá từ 7.000 đồng - 10.000 đồng/kg, cao điểm 12.000 đồng/kg. Theo tính toán sơ bộ, cây màng tang cho nguồn thu trên 50 triệu đồng/1 ha/năm.
Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 4 cơ sở chế biến tinh dầu màng tang, quy mô hộ gia đình. Hằng năm, các cơ sở trên thu mua trên 260 tấn hạt màng tang, chiết xuất được khoảng 7.000 kg tinh dầu.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc trồng cây màng tang tại những khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tầng đất dầy, đai cao dưới 1.000 m là có triển vọng; khi trồng xen với cây quế, cây chè sẽ có hiệu quả cao và giảm khả năng phát sinh sâu bệnh; chiết xuất tinh dầu màng tang cho hiệu suất trung bình từ 22 đến 27 kg tinh dầu/1 tấn hạt. Hiện nay, tinh dầu màng tang có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ rộng mở (chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu phục vụ chăm sóc sức khỏe); giá bán tinh dầu màng tang dao động từ 450.000 đồng - 700.000 đồng/kg.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhằm đánh giá những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển vùng nguyên liệu màng tang; chia sẻ kỹ thuật về gieo ươm, trồng, chăm sóc, thu hái quả màng tang; quy trình chiết xuất tinh dầu và thị trường tiêu thụ tinh dầu màng tang...
Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại hội thảo, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ hoàn thiện quy trình hướng dẫn tạm thời về gieo ươm, trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản hạt và chiết xuất tinh dầu màng tang, đồng thời có định hướng phát triển vùng nguyên liệu màng tang trong thời gian tới.