Đánh giá toàn diện vướng mắc tại dự án BOT giao thông
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo 1834/TB-TTKQH ngày 28/11/2022; tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện vướng mắc, bất cập của các dự án giao thông đầu tư theo phương thức BOT.
Bộ GTVT có trách nhiệm bổ sung làm rõ tác động có thể xảy ra khi thực hiện giải pháp, chính sách xử lý vướng mắc, bất cập; làm rõ trách nhiệm, căn cứ pháp lý để nhà nước bố trí ngân sách Nhà nước thanh toán cho các nhà đầu tư… để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Bộ GTVT trình Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ này quản lý.
Có 8 dự án BOT được Bộ GTVT lựa chọn để đề xuất xử lý sau khi đã có sự thống nhất với nhà đầu tư. Trong đó, 2 dự án được đề xuất mua lại và 6 dự án được đề xuất xử lý bất cập.
Theo Bộ GTVT, các dự án này đều đã hoàn thành đưa vào khai thác, nhưng chưa được thu phí hoặc không thể thu phí do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ hoặc dự án đã thu phí, doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng.
Theo Bộ GTVT, nếu những dự án này tiếp tục thu phí và áp dụng các biện pháp như tăng phí, kéo dài thời gian thu phí... thì phương án tài chính vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng và dự án không thể tiếp tục thực hiện theo hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/danh-gia-toan-dien-vuong-mac-tai-du-an-bot-giao-thong.html