Đánh giá về nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện Hàn Quốc – Triều Tiên

Quan hệ liên Triều đang 'chạm đáy' khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm qua (17/10) đưa ra tuyên bố cứng rắn, trong đó phủ nhận việc coi Hàn Quốc là đối tác hòa giải và thống nhất. Ngay lập tức, phía Hàn Quốc lên tiếng khẳng định, việc thống nhất Bán đảo Triều Tiên là nghĩa vụ mang tính chất 'đạo đức'.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm nay (18/10) khẳng định, việc nước này cắt đứt các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối với Hàn Quốc không chỉ có nghĩa là đóng cửa về mặt vật lý mà còn có nghĩa là cắt đứt mối quan hệ với Seoul, đồng thời loại bỏ hoàn toàn ý thức về sự thống nhất. Theo ông Kim Jong Un, chỉ có dùng sức mạnh kiềm chế kẻ thù mới có thể đạt được nền hòa bình một cách đáng tin cậy, an ninh và vững chắc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên còn cảnh báo sẽ không do dự sử dụng vũ lực nếu chủ quyền của nước này bị xâm phạm.

Chỉ trước đó một ngày, KCNA xác nhận Quốc hội Triều Tiên đã sửa đổi hiến pháp để đưa Hàn Quốc vào danh sách quốc gia thù địch và phá hủy tuyến đường bộ nối hai miền Triều Tiên; nhấn mạnh Triều Tiên sẽ tiếp tục áp dụng thêm các biện pháp để củng cố phong tỏa vĩnh viễn đường biên giới với Hàn Quốc.

Một đoạn đường bộ và đường sắt nối với Hàn Quốc đã bị cho nổ để chặn hoàn toàn các tuyến đường liên kết tại một địa điểm không được tiết lộ dọc theo khu vực biên giới phía Nam của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Một đoạn đường bộ và đường sắt nối với Hàn Quốc đã bị cho nổ để chặn hoàn toàn các tuyến đường liên kết tại một địa điểm không được tiết lộ dọc theo khu vực biên giới phía Nam của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Phản ứng trước việc Triều Tiên từ chối ý tưởng thống nhất và xác định Hàn Quốc là một quốc gia thù địch trong Hiến pháp của nước này, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yung Ho nhấn mạnh, việc thống nhất Bán đảo Triều Tiên phải được nhìn nhận từ góc độ đạo đức và giá trị gắn kết, thay vì chỉ tập trung vào những lợi ích và chi phí kinh tế. Hàn Quốc sẽ theo đuổi một sự thống nhất "tự do và hòa bình" theo học thuyết mà Tổng thống Yoon Suk Yeol đã công bố vào tháng 8 vừa qua dựa trên các nguyên tắc tự do, hòa bình và thịnh vượng. Cũng theo ông Kim Yung Ho, bên cạnh tiếp tục tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ triển khai mọi biện pháp khả thi để tạo nền tảng cho việc thống nhất hai miền Triều Tiên.

Mặc dù cục diện hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên khá căng thẳng, song giới chuyên gia nhận định, không nhiều khả năng xảy ra chiến tranh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên thời gian tới. Các chuyên gia tin rằng mục tiêu của ông Kim Jong Un chỉ là giảm ảnh hưởng của Hàn Quốc trong tình hình bế tắc hạt nhân trong khu vực và tìm kiếm các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Yang Moo-jin, Hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho rằng: "Đây là biện pháp quân sự thiết thực liên quan đến hệ thống 2 nhà nước thù địch mà Triều Tiên thường xuyên nhắc tới. Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, ông ấy có lẽ cho rằng việc tách biệt và duy trì mối quan hệ xa lạ với Hàn Quốc sẽ giúp Triều Tiên tồn tại và cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Ông Kang Dong-wan, Giáo sư chính trị và ngoại giao tại Đại học Dong-A ở Busan cũng cho rằng tình hình giữa hai miền Triều Tiên sẽ không leo thang đến mức nổ ra chiến tranh trong thời gian tới, mà Triều Tiên chỉ đang lợi dụng đối đầu quân sự để tăng cường sự đoàn kết nội bộ.

Về khả năng Triều Tiên phát động một cuộc chiến tranh toàn diện, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm cho rằng, xung đột giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ chỉ dừng ở cuộc chiến ngôn từ, bởi vì cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều biết rằng họ không thể gánh chịu cái giá phải trả cho một cuộc chiến tranh toàn diện. Khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trên thực tế hiện là rất thấp. Dù có một loạt động thái gây lo ngại gần đây, nhưng về bản chất Triều Tiên vẫn hoàn toàn nhận thức rất rõ hậu quả nghiêm trọng của một cuộc xung đột quy mô lớn.

Phương Anh/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/danh-gia-ve-nguy-co-xay-ra-chien-tranh-toan-dien-han-quoc-trieu-tien-post1129347.vov