Đánh giá việc phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 tại Lai Châu
Chiều 13/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 tại Công ty Điện lực Lai Châu.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, buổi làm việc nhằm đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Lai Châu; trong đó, tập trung vào tình hình đầu tư phát triển, cung cầu và an ninh năng lượng; nội dung phát triển năng lượng trong quy hoạch tỉnh; chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển điện năng; quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng và cơ chế đầu tư, kinh doanh phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, giá cả thị trường năng lượng, cơ chế dự trữ, dự phòng năng lượng.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu Bùi Xuân Thành cho hay, công ty là doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ ngày 1/4/1990. Đến năm 2004, do chia tách địa giới hành chính tỉnh Lai Châu cũ thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, Công ty Điện lực Lai Châu được tái thành lập và trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc với chức năng, nhiệm vụ chính của công ty là sản xuất, truyền tải và phân phối, kinh doanh điện năng, quản lý vận hành các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.
Những năm qua, Công ty Điện lực Lai Châu thực hiện nghiêm túc các văn bản, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển năng lượng. Hiện thành phần sử dụng các nguồn năng lượng lớn của công ty chủ yếu tập trung vào quản lý tiêu dùng. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh Lai Châu tăng lên đáng kể, năm 2021 sản lượng điện tiêu thụ là 213,07 triệu kWh, tăng 75,86 triệu kWh so với 2016. Mức độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016-2021 là 11,05%/năm.
Về trữ lượng năng lượng, trên địa bàn tỉnh Lai Châu ngoài nguồn năng lượng về thủy điện, chưa phát hiện ra các nguồn năng lượng tái tạo khác như: dầu mỏ, khí đốt, than đá, địa nhiệt… Hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 159 dự án thủy điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt đưa vào quy hoạch với tổng công suất hơn 4.211 MW, điện lượng trung bình năm là 15.804 triệu kWh; trong đó, có 108 dự án đã được UBND tỉnh Lai Châu cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất trên 3.638 MW, điện lượng trung bình năm là 13.807 triệu kWh, tổng mức đầu tư trên 113.000 tỷ đồng.
Về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, hết năm 2021, tỷ lệ tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải điện đối với hệ thống lưới điện của tỉnh Lai Châu là 3,22% giảm 4,27% so với năm 2016, đảm bảo theo mục tiêu tiết kiệm điện. Về ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển điện năng, Công ty Điện lực Lai Châu đã đồng bộ chuyển đổi số trên mọi mặt, từ kỹ thuật, đầu tư xây dựng, tài chính kế toán đến kinh doanh dịch vụ khách hàng; đã và đang đưa vào khai thác vận hành hiệu quả trên 40 phần mềm, ứng dụng dùng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc…
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai các dự án Công ty Điện lực Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân do nhiều hộ dân không ủng hộ trong việc giải phóng mặt bằng thi công, yêu cầu đền bù theo thỏa thuận, một số trường hợp phải thay đổi hướng tuyến, vị trí thi công, phá vỡ quy hoạch và thiết kế thi công, ảnh hưởng lớn tới tiến độ và hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn còn diễn ra nhiều.
Thời gian tới, việc phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Lai Châu chủ yếu tập trung vào thủy điện nhỏ và một số dự án điện gió, thủy điện tích năng và điện mặt trời. Không chuyển dịch sang các dạng năng lượng khác như: nhiệt điện, địa nhiệt, điện sóng, sinh khối, điện rác. Công ty Điện lực Lai Châu đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm có cơ chế khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; quan tâm, xem xét bố trí tăng nguồn ngân sách trung ương để tỉnh triển khai các kế hoạch, đề án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu có ý kiến với UBND tỉnh Lai Châu, Sở Công Thương xem xét bổ sung Quy hoạch lưới điện hợp phần trung, hạ thế giai đoạn 2021-2025, có xét đến năm 2035 vào Quy hoạch chung của tỉnh.
Tại buổi làm việc các đại biểu dành thời gian trao đổi, làm rõ các vấn đề về phát triển năng lượng theo quy hoạch của tỉnh Lai Châu; trong đó tập trung vào các nội dung như: Công ty Điện lực Lai Châu cần nắm lại việc lãng phí tiêu hao điện năng, thực hiện tiết kiệm điện, có phương hướng, giải pháp trong thời gian tới; làm rõ các dự án không khả thi, chưa triển khai được và nêu rõ nguyên nhân nhiều bản trên địa bàn Lai Châu chưa có điện; hiện có nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động nhưng thiếu hệ thống truyền tải và không đáp ứng được truyền tải công suất, là cơ quan thực hiện phân phối điện hướng giải quyết của công ty như nào để khắc phục tình trạng này…
Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả đạt được và việc chấp hành các quy định về chính sách, pháp luật của Công ty Điện lực Lai Châu. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đề nghị công ty tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các quy định pháp luật về phát triển ngành điện; đảm bảo điện sản xuất kinh doanh ổn định và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho giai đoạn tiếp theo. Mặt khác, cng ty cần quan tâm về sử dụng điện an toàn, hành lang an toàn lưới điện và có biện pháp cụ thể để hạn chế xảy ra các trường hợp mất an toàn về điện, nhất là hệ thống điện ở khu vực nông thôn; tăng cường tuyên truyền tới người dân thực hiện tiết kiệm điện.