Đánh giá xếp loại đi kèm với tiền thưởng cụ thể sẽ không còn GV hay kêu ca?

Công sức của giáo viên được ghi nhận xứng đáng, sẽ không còn cảnh người làm nhiều cũng như người làm ít hay hòa cả làng như trước đây.

Trong mỗi trường học, bên cạnh những giáo viên luôn tận tụy trong giảng dạy, luôn nhiệt tình năng nổ với việc lớp, việc trường thì vẫn còn không ít giáo viên lười hoạt động, hay đùn đẩy công việc.

Biểu hiện rõ ràng nhất của nhóm giáo viên này là luôn phản ứng trước những kế hoạch, những phong trào mà nhà trường đề ra, đặc biệt là những đổi mới giáo dục của ngành. Ngoài ra, còn luôn kêu ca, bài xích những người làm việc tốt hơn mình.

 Ảnh minh họa bởi ChatGPT

Ảnh minh họa bởi ChatGPT

Nhận diện giáo viên kêu ca

Đến giờ vào lớp, hết giờ bước ra: Với những giáo viên nhiệt tình, có trách nhiệm thì 7 giờ học sinh vào lớp đã phải có mặt từ 6 giờ 30 phút hoặc trễ nhất cũng phải đến trước 15 phút. Nhưng giáo viên kêu ca thì đến giờ mới vào lớp, có sớm hơn cũng chỉ đến trước khoảng 5 phút. Khi trống hết giờ cũng là lúc những giáo viên này bước ra khỏi lớp và ra về. Họ không muốn tham gia hoạt động, phong trào do nhà trường tổ chức.

Giáo viên hay phản ứng trước những đổi mới của ngành: Những giáo viên kêu ca cũng là những người thường hay phản ứng với những đổi mới của ngành. Họ vẫn thường trung thành với một cách dạy. Mỗi khi nhà trường triển khai một mô hình, một phương pháp dạy học mới thì những giáo viên này là những người ý kiến kêu khó, kêu khổ nhiều nhất.

Giáo viên hay bàn ra khi nhà trường có kế hoạch mới: Mỗi khi nhà trường phát động các phong trào, các cuộc thi đua nào đó, những thầy cô giáo này thường lớn tiếng (cũng có thể là âm thầm) phản đối bằng việc bàn lùi bằng nhiều lý do, đưa ra những khó khăn khi thực hiện nhằm gây sức ép để nhà trường không thực hiện được. Nếu bắt buộc phải làm thì họ cũng chỉ là làm qua loa, làm cho có, làm cho xong việc mà không chịu đầu tư công sức để công việc ấy đạt được kết quả tốt.

Giáo viên hay bài xích những thầy cô chăm chỉ, nỗ lực: Không dừng ở việc hay bàn ra, hay than thở hoặc lên án mỗi khi nhà trường đưa ra kế hoạch mới hoặc phát động một phong trào gì đó, những giáo viên kêu ca còn bài xích những ai nhiệt tình năng nổ thực hiện công việc. Những từ giáo viên kêu ca hay dùng cho những thầy cô năng nổ là “ta đây”, muốn “làm nổi”, muốn “làm màu”, muốn “chứng tỏ mình” thậm chí còn gán cho những thầy cô này là “muốn lấy lòng cấp trên”… Ngoài ra, họ cũng hay có những câu nói thiếu thiện chí như: “Mình so sao được với chiến sĩ thi đua cơ mà”, “Công đoàn viên xuất sắc lận đấy” hay “Bì sao được, người ta xếp loại hoàn thành xuất sắc đó”…

Kết bè kết phái gây mất đoàn kết nội bộ: Chưa dừng ở việc bàn ra khi nhà trường triển khai kế hoạch, phong trào mới hoặc bài xích những thầy cô giáo chăm chỉ, những giáo viên hay kêu ca, lười hoạt động trong các phong trào của trường còn kết bè với những giáo viên cũng hay kêu ca như mình tạo thành một nhóm.

Câu chuyện của những người này cũng luôn xoay quanh chủ đề về trường, lớp. Tuy nhiên, những chuyện đem ra bàn thường không mang tính xây dựng, tích cực mà chủ yếu chê bai, lên án nhà trường là hay “vẽ chuyện” (được hiểu là hay đưa ra các phong trào để giáo viên phải tham gia ngoài giờ dạy), là hay tạo áp lực cho giáo viên. Ngoài ra, còn lên án cả những giáo viên nhiệt tình kiểu như vì họ mà phải làm theo.

Du di trong xếp loại là đang dung dưỡng cho những giáo viên kêu ca

Theo quan sát của người viết, nhiều năm qua, giáo viên kêu ca hay giáo viên nỗ lực, ở nhiều trường học cuối năm vẫn được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lý do để nhiều hiệu trưởng làm thế vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường. Một trường học đăng ký xuất sắc hoặc chí ít là trường tiên tiến không thể có nhiều giáo viên xếp loại hoàn thành chứ nói gì đến việc xếp loại không hoàn thành.

Vì thế, dù không vừa lòng với cách làm việc của một số giáo viên thì khi xếp loại cuối năm, nhà trường vẫn phải xếp ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cũng chính vì điều này, mà không ít thầy cô đã không chịu phấn đấu lại còn chây lười.

Có năm, trường học của một đồng nghiệp ở địa phương tôi có 45 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng có tới 10 người xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có 35 người xếp loại hoàn thành tốt, không có ai xếp loại hoàn thành. Trường học của tôi cũng thế, tổng cộng cả trường có 30 người. Trong đó, có 5 người xếp loại hoàn thành xuất sắc còn 25 người xếp loại hoàn thành tốt.

Hết thời giáo viên kêu ca?

Sau khi hoàn thành việc bổ nhiệm hạng chức danh theo các Thông tư 01-04 và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, nhiều địa phương bắt đầu tiến hành việc xét thăng hạng cho giáo viên từ hạng III lên hạng II, từ hạng II lên hạng I. Cùng với việc thực hiện chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, việc xếp loại cuối năm của giáo viên đã được quan tâm và làm chặt chẽ hơn, sẽ không còn chỗ cho những thầy cô giáo kêu ca.

Năm học vừa qua, trường tôi còn một chỉ tiêu xét thăng hạng giáo viên hạng II. Rà soát toàn trường còn 5 giáo viên hạng III nhưng chỉ còn một chỉ tiêu. Nhà trường đã phải tổ chức một cuộc họp bình xét. Ai có những thành tích gì sẽ thống kê ra, dựa trên những thành tích đạt được của giáo viên, của lớp cũng như kết quả xếp loại viên chức của giáo viên, nhà trường đã chọn được người xứng đáng.

Trong năm học này, nhà trường cũng đã xét nâng lương trước thời hạn cho 1 giáo viên đạt 2 năm chiến sĩ thi đua cơ sở và được giấy khen của lãnh đạo địa phương do có thành tích nổi trội trong năm học.

Vừa qua, nhà trường xây dựng mức tiền thưởng cho giáo viên theo “Quy chế tiền thưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 73/2024/NĐ-CP”. Theo đó, có các mức thưởng khác nhau cho kết quả xếp loại khác nhau như hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với mỗi mức đánh giá thì tiền thưởng khác nhau, chính vì vậy, thầy cô muốn thưởng cuối năm cao thì phải nỗ lực cả năm. Điều này sẽ khiến cho giáo viên hay kêu ca phải nỗ lực hết mình nếu không muốn mất đi khoản thưởng cuối năm. Từ đó, giáo viên hay kêu ca cũng sẽ dần biến mất và giúp cho chất lượng giáo dục, chất lượng phong trào trong ngành đi vào thực chất, hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/danh-gia-xep-loai-di-kem-voi-tien-thuong-cu-the-se-khong-con-gv-hay-keu-ca-post248164.gd