Danh hiệu cao quý nhất của người thầy ở trong lòng học sinh, sinh viên, nhân dân

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh, danh hiệu cao quý nhất của người thầy là danh hiệu trong lòng học sinh, sinh viên, đồng nghiệp và Nhân dân.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngày 28/5, phiên thứ hai Hội nghị tập huấn công tác thi đua, khen thưởng khối các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham dự phiên thứ hai của Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Các đại biểu tham dự phiên thứ hai của Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Giải đáp thắc mắc về quy định thi đua, khen thưởng

Tại buổi làm việc thứ hai, các lãnh đạo các đơn vị và viên chức phụ trách công tác thi đua, khen thưởng của các các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học nắm được những quy định hiện hành của Nhà nước và của Bộ về công tác thi đua, khen thưởng.

Từ đó, các cơ sở có những giải pháp, biện pháp triển khai thực hiện hiệu quả, sát với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị và tiếp tục đổi mới, cụ thể hóa các quy định về công tác khen thưởng tại đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đại diện Trường Đại học Tây Đô nêu ý kiến. Ảnh: Mạnh Tùng

Đại diện Trường Đại học Tây Đô nêu ý kiến. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại phiên thứ hai, các đại biểu tiếp tục trao đổi, thảo luận về các điểm mới trong quy định về công tác thi đua, khen thưởng tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; Nghị định số 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 29/2023/TT-BGDĐT...

Bà Đặng Thị Thu Liễu (Phòng Tổ chức Cán bộ, Trường Đại học Đồng Tháp) đặt 2 vấn đề. Với bằng khen của Bộ, tiêu chuẩn của Luật Thi đua, khen thưởng là "có 2 lần liên tục được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc có 2 lần liên tục từ 2 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

"Như vậy, nếu cá nhân có 1 lần được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và 1 lần được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như vậy có được xét bằng khen của bộ hay không?", bà Liễu đặt vấn đề.

Ngoài ra, bà Liễu còn đặt vấn đề: "Khi xét chiến sĩ thi đua cấp bộ mà đã có đề tài cấp bộ, tỉnh đã được nghiệm thu, xếp loại thì có cần công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp bộ không khi xét chiến sĩ thi đua cấp bộ?".

Bà Huỳnh Thị Hải Quyên (Ban Tổ chức Cán bộ, Đại học Quốc gia TPHCM) trao đổi tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Bà Huỳnh Thị Hải Quyên (Ban Tổ chức Cán bộ, Đại học Quốc gia TPHCM) trao đổi tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Bà Huỳnh Thị Hải Quyên (Ban Tổ chức Cán bộ, Đại học Quốc gia TPHCM) kiến nghị nên có hướng dẫn hoặc có văn bản quy định về thời gian thành lập của tập thể bao lâu thì được xét thi đua, khen thưởng.

Bà Quyên cũng nêu các băn khoăn về các quy định: Thi đua, khen thưởng với các trường hợp biệt phái trong một thời gian nhất định; Thời hạn nộp hồ sơ khen thưởng cấp Nhà nước; Xét sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu chỉ ra những hạn chế cần tiếp tục khắc phục và có những giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi; bà Đỗ Thúy Phượng, Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính (Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương); bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi, giải đáp những thắc mắc từ các đại biểu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi trao đổi với các đại biểu. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi trao đổi với các đại biểu. Ảnh: Mạnh Tùng

Danh hiệu cao quý nhất của người thầy

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận những kết quả đạt được sau hai phiên làm việc của Hội nghị.

Thứ trưởng đề nghị, trong công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm quan tâm, làm tốt hơn 2 vấn đề.

Thứ nhất, phải đánh giá đúng bản chất của công tác thi đua khen thưởng. Xác định công tác thi đua, khen thưởng là giải pháp tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác hàng năm và từng giai đoạn; góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo đạt hiệu lực, hiệu quả.

Công tác thi đua khen thưởng phải công bằng với những người làm thật. Làm sao cho thi đua là một động lực, một biện pháp quản lý nhà nước để tạo khí thế, sức mạnh để phát triển.

Thứ hai, cần quan tâm tới các phong trào thi đua, bởi thời gian qua, nhiều nơi nặng về khen thưởng các danh hiệu, bình xét. Mỗi cá nhân, tổ chức đều phải cố gắng làm tốt công việc của mình.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Tiếp thu 18 ý kiến từ các đại biểu ở phiên thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, thời gian tới, công tác thi đua khen thưởng cần làm rõ 5 vấn đề.

Làm rõ phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, các ngành trong công tác thi đua, khen thưởng.

Tăng cường phân cấp, phân quyền để tránh chồng chéo trong công tác thi đua khen thưởng. Điều quan trọng là hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, bám sát luật, nghị định, thông tư để các cơ sở làm công tác bình xét.

Ngoài ra, cần rà soát, kiến nghị giảm bớt các loại hình khen thưởng, danh hiệu; hạn chế, “chữa” bệnh thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng; giảm bớt các thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng đề nghị các đơn vị làm tốt một số nhiệm vụ trong công tác thi đua, khen thưởng.

Thường xuyên cập nhật những quy định hiện hành của Nhà nước, của Bộ và địa phương về thi đua, khen thưởng; nghiên cứu kỹ các văn bản về thi đua, khen thưởng để triển khai công tác này hiệu quả, thực chất, trong đó tham mưu với các cấp lãnh đạo ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để triển khai công tác thi đua, khen thưởng tại đơn vị bảo đảm đúng quy định.

Tăng cường nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, tham mưu cho các cấp lãnh đạo có nhiều giải pháp, biện pháp sáng tạo, sát với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; thẩm định hồ sơ và hướng dẫn hồ sơ khen thưởng đúng quy định.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đơn vị chuyên trách và các cá nhân làm công tác thi đua, khen thưởng; hoạt động cụm, khối thi đua bảo đảm hiệu quả.

Thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình hay, các gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua của ngành Giáo dục và các phong trào thi đua của Chính phủ, của địa phương

Qua đó, bồi dưỡng và giới thiệu các gương điển hình tiên tiến trong lao động, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuẩn bị cho Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc vào năm 2025.

Cuối cùng, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng điển hình tiên tiến, nhà giáo xuất sắc để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xét tặng Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân theo Nghị định 35/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” của Chính phủ.

Các đại biểu nghiên cứu các quy định về thi đua, khen thưởng. Ảnh: Mạnh Tùng

Các đại biểu nghiên cứu các quy định về thi đua, khen thưởng. Ảnh: Mạnh Tùng

"Thành tích tốt nhất trong công tác thi đua khen thưởng là tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh, những ngôi trường thân thiện, hạnh phúc, những cơ sở giáo dục văn minh và những đồng nghiệp trân trọng lẫn nhau.

Danh hiệu cao quý của người làm thầy là những danh hiệu được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đơn vị trao tặng, nhưng có lẽ danh hiệu cao quý nhất là danh hiệu trong lòng học sinh, sinh viên, đồng nghiệp và nhân dân", Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nói.

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/danh-hieu-cao-quy-nhat-cua-nguoi-thay-o-trong-long-hoc-sinh-sinh-vien-nhan-dan-post685143.html