Danh hiệu Công dân Danh dự và vở kịch dành cho bà Trần Tố Nga

Hôm 26/9/2024 là một ngày vô cùng đặc biệt. Từ sáng đến chiều, tôi đã có những cuộc gặp vô cùng tuyệt vời với các tổ chức giáo dục, đào tạo và kết nối của Pháp về phát triển bền vững. Đến 18h chiều, tôi đến Tòa thị chính thành phố Villejuif (Pháp) để dự lễ trao tặng danh hiệu Công dân Danh dự cho bác Trần Tố Nga yêu quý của tôi.

Bước vào Tòa thị chính trên tầng 2, hai bác cháu đã ôm chầm lấy nhau. Bác lần lượt giới thiệu tôi với ngài Thị trưởng thành phố và các bạn bè thân hữu. Cả căn phòng chật kín người vui mừng hoan hỉ nói chuyện và chụp hình cùng bác. Trả lời phỏng vấn hay chụp với ai, bác cũng kéo "con bé cháu mà tôi coi nó như con" chụp cùng.

Nhiều cô, bác người Pháp, sinh sống tại thành phố Villejuif, chia sẻ với tôi rằng họ rất tự hào và hạnh phúc khi thành phố của mình có một công dân tuyệt vời, một tấm gương mẫu mực như bác Trần Tố Nga. Họ cho tôi biết cuộc bỏ phiếu biểu quyết danh hiệu cho bác tôi đã thành công tuyệt đối với 100% phiếu bầu. Khi biết tôi đến dự buổi lễ này, một đại diện của phái đoàn ngoại giao Pháp tại Nato nhắn cho tôi: "Bà ấy là một nhân vật tuyệt vời đến mức không thể tin được!”.

Bà Trần Tố Nga (giữa) cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp và tác giả.

Bà Trần Tố Nga (giữa) cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp và tác giả.

Sau khoảng một tiếng, các vị khách được ngài Thị trưởng mời đến xem một vở kịch do Nhà hát Romain Rolland (TRR) công diễn. Nhà hát nằm ngay cạnh Tòa Thị chính, chỉ cách vài phút đi bộ. Vừa lên tới sảnh thì thấy rất đông người đến xem vở kịch "Cơ thể của chúng ta bị nhiễm độc" (Nos corps empoisonnés). Tôi được ngồi ngay hàng ghế danh dự cùng bác Nga, ngài Thị trưởng thành phố và một nữ quan chức rất lịch thiệp và ấm áp.

Tôi cứ nghĩ bà ấy làm trong Hội đồng thành phố này. Hóa ra bà là Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp. Chúng tôi nói chuyện bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp với nhau. Tôi thì cố gắng tiếng Pháp và bà thì cố gắng nói tiếng Anh. Bà nói "Thật sự tuyệt vời khi nước Pháp có một công dân như bà Nga. Và tôi tin là thành phố này tự hào vì từ nay bà Trần Tố Nga sẽ là công dân danh dự của họ!".

Vở kịch được thể hiện dưới hình thức độc thoại bởi nữ diễn viên tài năng Angelica Kiyomi Tisseyre-Sékiné. Với sự tinh tế và sâu sắc của mình, biên kịch kiêm đạo diễn Marine Bachelot Nguyen đã kể về cuộc đời bác Trần Tố Nga thông qua câu chuyện của 2 cuộc chiến tranh một cách rất chân thực và xúc động bằng lời thoại, biểu diễn hình thể và những tư liệu quý giá. Càng lúc vở kịch càng làm người xem xúc động, khơi dậy sự phẫn nộ trước các cuộc chiến hủy diệt con người và thiên nhiên, nhưng đồng thời chia sẻ sự đoàn kết mạnh mẽ.

Không chỉ là sự đan xen giữa biểu diễn, video và những hình ảnh tư liệu, kết hợp với lời chia sẻ của bác Trần Tố Nga, vở kịch đã kể về sự sống động của những cơ thể bị thương và nhiễm độc bởi những bi kịch của lịch sử, nhưng vẫn không ngừng đấu tranh và kiên cường.

Mặc dù là người thân, đã hiểu, đã biết câu chuyện của bác và gia đình, tôi vẫn không ngưng xúc động. Cả Nhà hát không một chỗ trống, ai cũng chăm chú dõi theo vở kịch kéo dài 1 giờ rưỡi. Lúc nghe cô diễn viên hát bài "Bước chân trên dãy Trường Sơn", tôi thấy trào dâng lên cảm xúc yêu và gắn bó với Tổ quốc mình hơn bao giờ hết:

“... Ta là con của núi cao Trường Sơn
Nối mạch tình quê giữa hương ngàn
Ôi núi rừng che ta núi rừng bao vây quân thù bốn phía
Con đường Nam Bắc thiêng liêng tình nghĩa
Nơi chân trời đang dâng sắc hồng đang lan lòng ta như nắng
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...”.

Vở kịch dần khép lại với hình ảnh bác Nga nhìn lại từng kí ức với những người thân, đồng đội, những nạn nhân chất độc da cam đã không còn nữa hoặc vẫn đang còn chịu đựng dai dẳng sự tàn phá của dioxin trên cơ thể. Không chỉ thế, có thể con cái họ, thế hệ này, thế hệ khác vẫn bị nhiễm độc.

Và hình ảnh bác Trần Tố Nga đi đầu trong cuộc tuần hành đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam tại thủ đô Paris. Dù công lý vẫn chưa được công nhận, những những người tuần hành và hàng triệu người khác trên hành tinh này vẫn tin tưởng và ủng hộ sự dũng cảm của bác để đi tiếp chặng đường đấu tranh, cho đến khi nào giành được công lý trong vụ án lịch sử có một không hai này.

Hình ảnh bà Trần Tố Nga và hai con được trình chiếu trên sân khấu.

Hình ảnh bà Trần Tố Nga và hai con được trình chiếu trên sân khấu.

Vở diễn kết thúc với những tràng pháo tay và tiếng hô vang không ngớt "Justice pour Trần Tố Nga!" (Công lý cho Trần Tố Nga). Rất nhiều khán giả bật khóc vì xúc động. Bà Phó Chủ tịch Quốc hội quay sang ôm lấy tôi và bảo "Tôi biết bạn đang xúc động và tự hào vì bác của bạn lắm. Hãy khóc nữa đi!". Rồi bà đi lên phía trái sân khấu. Sau đó, ngài Thị trưởng thành phố bước lên phát biểu, chia sẻ suy nghĩ của mình khi thành phố có người công dân danh dự tuyệt vời như bác Nga.

Tiếp theo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp cũng có bài phát biểu đầy tự hào về sự kiện này và chúc mừng bác. Các thiếu nhi thành phố cũng lên tặng hoa và chia sẻ cảm nghĩ về việc các em được truyền cảm hứng và hạnh phúc như thế nào khi được biết câu chuyện cuộc đời của bác. Sau khi bác nói lời cảm ơn thì cả Nhà hát lại ào lên những tiếng vỗ tay và hô vang "Justice pour Tran To Nga!" của các khán giả.

Cuối cùng, các báo đài, các khán giả, bạn bè cùng nhau chia vui, chuyện trò với một bữa tiệc cocktail ấm áp ngay tại sảnh Nhà hát. Rất nhiều người mua sách và huy hiệu mang hình ảnh bác. Tôi bước ra khỏi nhà hát, trên ngực đeo huy hiệu, nhìn thấy ở ngoài cửa nhà hát, trời mưa lất phất, có rất nhiều người vẫn đứng nói chuyện, trong đó có một cặp rất trẻ, ôm lấy cuốn sách vào ngực nhìn nhau. Tôi lại không kìm được nước mắt...

Một buổi tối mùa thu Paris, trời mưa lạnh. Nhưng lòng tôi vô cùng ấm áp...

23h30, bác gọi điện nói: "Con có mệt không? Con đã về tới khách sạn chưa? Bác đang trên xe về nhà. Hôm nay, con gái của bác không phải xấu hổ gì với bác của nó, bác của nó cũng được nhỉ?". Tôi nói: "Con xúc động lắm và chỉ muốn tối nay bác ngủ thật ngon ạ. Hôm nay chương trình từ 6:30 đến giờ là bác mệt quá rồi!". "Không, bác không mệt đâu. Bác chỉ lo con thôi!".

Đúng rồi, bác đâu có mệt đâu. Bác là chiến sĩ Trường Sơn mà. Lao tù Côn Đảo không khuất phục được bác. Bác mãi là người chiến sĩ không mệt mỏi trên con đường đấu tranh cho hòa bình và công lý.

Yêu và tự hào về bác của tôi, Trần Tố Nga!

Villejuif ngày 27/9/2024

Bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng. Năm 1954 bà theo gia đình tập kết ở miền Bắc. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp đại học, bà trở lại miền Nam làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Trong thời gian làm phóng viên ở mặt trận, bà bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ phun rải, từ đó sức khỏe của bà bị giảm sút nghiêm trọng; lượng độc tố dioxin trong người bà cao hơn nhiều so với người bình thường. Người con thứ nhất của bà đã chết khi được 17 tháng tuổi, người con thứ hai bị bệnh huyết tán. Năm 1993, bà Trần Tố Nga sang Pháp sinh sống, trở thành công dân Pháp, nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam.

Tháng 5/2009, bà đứng ra làm chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Việt Nam ở Paris. Cùng luật sư William Bourdon và nhà văn André Bouny - Chủ tịch Ủy ban quốc tế ủng hộ NNCĐDC Việt Nam, bà quyết định đứng nguyên đơn để kiện các công ty đã sản xuất, cung cấp chất độc hóa học (CĐHH) cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Bà Trần Tố Nga là người duy nhất có đủ 3 điều kiện để đại diện cho NNCĐDC Việt Nam khởi kiện: 1) Là công dân Pháp; 2) Đang sống tại Pháp, nước có luật pháp cho phép mở các vụ kiện quốc tế để bảo vệ công dân của mình; 3) Bà là NNCĐDC. Đây là một vụ kiện lịch sử và đặc biệt, lần đầu tiên, một NNCĐDC đứng ra kiện các công ty hóa chất “khổng lồ” của Mỹ, như: Dow Chemical, Monsanto Ltd, Pharmacia Corporation, Hercules Incorporated... đã sản xuất, cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 7/5/2024, Tòa phúc thẩm Paris mở Phiên điều trần vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Nhiều tổ chức có thư kêu gọi ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Cùng với Thư kêu gọi của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam còn có thư của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL), Ủy ban Hòa bình Việt Nam (VPC), Ủy ban Đoàn kết và Hợp tác Á-Phi- Mỹ La-tinh (VAALA), Ủy ban Đoàn kết Indo-Việt Nam… Nỗi đau của NNCĐDC Việt Nam cũng là nỗi đau chung của nhân loại”.

Dù bị phán quyết bất lợi, cuộc đấu tranh của bà vì những NNCĐDC vẫn không ngừng lại.

(Theo Website của Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam).

Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/danh-hieu-cong-dan-danh-du-va-vo-kich-danh-cho-ba-tran-to-nga-i746068/