Danh hiệu NSND, NSƯT bớt cao quý đi nhiều
Việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT và những bất cập khi xét tặng các danh hiệu này được nhiều nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật tiếp tục được bàn thảo trong 'Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT và lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT' sáng 23/6.
Mở rộng đối tượng
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT và lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức sáng 23/6 tại Hà Nội.
Lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL, đại diện các đơn vị nghệ thuật, hãng phim, nhà hát thuộc Bộ, các hội văn học nghệ thuật T.Ư, cơ quan quản lý văn hóa các tỉnh, chuyên gia nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật tề tựu tại hội nghị.
Các đại biểu thảo luận, góp ý về dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND.
Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Nghiêm Thị Thanh Nguyệt cho biết Bộ VHTTDL có công văn số 1033/BVHTTDL-TCCB gửi 09 Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương, đề nghị các hội báo cáo và cung cấp một số nội dung liên quan đến đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” thuộc lĩnh vực chuyên ngành, trong đó đề xuất cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của từng đối tượng.
"Đến ngày 10/4, Bộ VHTTDL nhận được công văn của 09/09 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành T.Ư báo cáo, đề xuất về các nội dung liên quan đến đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Kết quả chỉ có 3/9 hiệp hội chuyên ngành đồng ý bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND", bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt nêu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhận định những vướng mắc cần có ý kiến từ thực tế, cần đặt trong tổng thể hệ thống văn bản pháp luật, từ đó đảm bảo tính thống nhất, khách quan, đồng thời không bỏ sót và không trùng lặp theo quy định của luật.
Gỡ mãi vẫn rối
Nhiều đại biểu nêu nhiều "nút thắt" khiến chưa thể vinh danh nhiều nghệ sĩ xứng đáng. NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - nhận định ngành xiếc có đặc thù riêng, cần thảo luận kỹ hơn để đưa ra tiêu chí xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Ông lý giải để có một tiết mục cần có sự tham gia của một tập thể mà không phải chỉ 1-2 thành viên trong vở diễn. Trong khi đó, dự thảo quy định về xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND chỉ dành cho nghệ sĩ độc diễn hoặc đồng diễn.
“Sự phối hợp tập thể rất quan trọng trong xiếc. Có những tiết mục gồm 3-4 người thậm chí có tiết mục có 8-10 người. Nhưng số người được xét chỉ có 1-2 người sẽ khiến tâm lý diễn viên trùng xuống. Tiết mục 8 người mà chỉ có 2 người được xét rất thiệt thòi cho những người còn lại”, NSND Tống Toàn Thắng nêu.
NSND Tống Toàn Thắng mong muốn với đặc thù của ngành xiếc, số lượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND cho các diễn viên xiếc trong tác phẩm tập thể cần được nới rộng. Đây cũng là cách để tạo động lực cho nhiều nghệ sĩ cống hiến với nghề.
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội - cho rằng mỗi ngành nghệ thuật biểu diễn đều có đặc thù riêng, rất khó để xét chung theo một tiêu chí nhất định. Nếu tất cả ngành biểu diễn nghệ thuật cùng xét chung tiêu chí dễ dẫn đến ngành được tình trạng vừa thừa vừa thiếu, “ngành được ưu tiên ngành không”.
“Mỗi loại hình nghệ thuật đưa lên từ cơ sở nên có quy chế riêng. Sau đó tổng hợp và đưa ra những quy định chung và quy định đặc thù cho từng ngành biểu diễn. Như vậy sẽ hợp lý hơn, bởi câu chuyện xét tặng danh hiệu tồn tại rất lâu”, NSND Trung Hiếu đề xuất.
Danh hiệu thời nay bớt thiêng liêng, cao quý đi nhiều. NSND Trung Hiếu nhấn mạnh diễn viên được cộng dồn điểm từ các giải thưởng từ vở diễn cũng được xét tặng danh hiệu là không hợp lý.
“Đóng vai chính trong một tác phẩm mà nghệ sĩ không đạt giải nhưng lại được cộng dồn từ giải tập thể. Điều này không hợp lý, nên bỏ đi. Đã là nghệ sĩ biểu diễn là phải có giải thưởng cá nhân. Nếu ở vai trò chỉ đạo nghệ thuật như đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ không có giải cá nhân thì có thể cộng dồn còn nghệ sĩ cần tính những giải cá nhân”, NSND Trung Hiếu nói.
Thời gian xét tặng và trao tặng danh hiệu đang quá dài khiến nghệ sĩ phải chờ đợi rất lâu. Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội lấy ví dụ đợt xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10 diễn ra từ năm 2022 đến nay vẫn chưa được trao tặng. Việc quy đổi giải thưởng nước ngoài trong quy định cũng được NSND Trung Hiếu nhận định là chưa hợp lý bởi giải thưởng nước ngoài “có dăm bảy loại”, không thể đánh đồng tất cả giải thưởng nước ngoài như nhau.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết dự thảo Nghị định cố gắng cụ thể hóa Luật thi đua khen thưởng, cập nhật bổ sung nhiều nội dung mới, sao cho đảm bảo thực hiện đúng pháp luật và không gây thiệt thòi cho các nghệ sĩ.
“Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi thêm bởi việc bổ sung đối tượng xét tặng vừa là điểm mới, cũng là điểm khó trong dự thảo lần này. Cần tiến hành rà soát để không bỏ sót đối tượng xét tặng, đồng thời đảm bảo công bằng khi quy đổi giải thưởng”, bà Trịnh Thị Thủy nói.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh mỗi lĩnh vực chuyên ngành có đặc thù riêng, song phải tiến tới sự thống nhất về các quy chuẩn xét tặng. Bà Trịnh Thị Thủy đề nghị các hội chuyên ngành tiếp tục có văn bản đề xuất chi tiết, rõ ràng hơn, bám sát quy định luật thi đua khen thưởng.
Đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 (dự kiến tổ chức lễ trao ngày 2/9) là lần đầu áp dụng Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Theo nhiều chuyên gia, việc mở rộng đối tượng xét NSND, NSƯT rất đáng hoan nghênh, là ghi nhận xứng đáng với cống hiến của từng cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra băn khoăn về những quy định mới, với lo ngại “lạm phát” danh hiệu nghệ sĩ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/danh-hieu-nsnd-nsut-bot-cao-quy-di-nhieu-post1545330.tpo