Danh hiệu UNESCO là động lực để phát triển bền vững
Tỉnh Ninh Bình hiện sở hữu 3/57 danh hiệu UNESCO của Việt Nam. Đó là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; đồng sở hữu Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt và Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Kim Sơn. Các danh hiệu UNESCO không những đem lại cho tỉnh sự công nhận của thế giới, mà còn là một tiền đề vững chắc cho việc phát triển bền vững.
PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá: Ninh Bình là địa danh rất đặc biệt với sự phân bố đậm đặc các di sản văn hóa truyền thống lâu đời. Ngay cả danh xưng Ninh Bình đã có lịch sử hơn 200 năm nay, nghĩa là bình yên và vững chãi. Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, mang những giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, nhân dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ bằng các sáng tạo và biểu đạt văn hóa của mình đã bồi tụ, tích lũy cho Ninh Bình nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc, được phát triển, lan tỏa đến ngày nay, với một khối lượng lớn các di sản văn hóa gồm gần 2000 di sản văn hóa vật thể, gần 500 di sản văn hóa phi vật thể phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ xưa đến nay, là tiềm năng và động lực để Ninh Bình xây dựng và phát triển một cách nhanh và bền vững.
Các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Ninh Bình có giá trị đặc sắc đã được xếp hạng, ghi danh cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế, trong đó có các danh hiệu UNESCO phải kể đến như: Năm 2016, Di sản Văn hóa "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương được xác định là nơi có không gian diễn xướng "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" khá rộng, có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, tác động đến sự phát triển văn hóa, xã hội của tỉnh. Khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng là một khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận năm 2004 cho các vùng đất phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm ở cửa sông Đáy, Sông Hồng và sông Thái Bình. Đây là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh vùng châu thổ Sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.
Tại Ninh Bình, rừng ngập mặn Kim Sơn Cồn Nổi thuộc 7 xã, thị trấn ven biển huyện Kim Sơn, có diện tích 4.854 ha, là một trong 5 khu vực của Khu dự trữ sinh quyển. Những cánh rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn trải dài, cùng các bãi bồi, cửa sông là nơi hội tụ của hơn 500 loài động, thực vật thủy sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn, 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới. Đặc biệt, tỉnh sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, là di sản kép đầu tiên và duy nhất của Việt Nam và của Đông Nam Á đến thời điểm này.
Thời gian qua, Ninh Bình đã thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, đặc biệt, từ năm 2014, sau khi Tràng An được UNESCO vinh danh, tỉnh đã định hướng chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, hướng tới một đô thị di sản; quyết tâm lấy giá trị di sản, giá trị truyền thống, giá trị con người vùng đất Hoa Lư là cốt lõi, là động lực cho sự phát triển.
Sau 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Tràng An đã khẳng định được là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam và trên thế giới. Là nơi kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp tự nhiên và những giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện những câu chuyện của lịch sử cổ xưa và là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn ghi lại sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi, lưu giữ một truyền thống cư trú của con người, truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.
Với lợi thế tài nguyên tự nhiên và nhân văn sâu sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư cùng các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan tự nhiên và văn hóa, việc phát triển các sản phẩm du lịch Di sản tại Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ thuần túy là phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch và phát triển kinh tế du lịch, mà quan trọng hơn là thể hiện trách nhiệm trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử và diễn giải các giá trị di sản một cách chân xác, khoa học để đảm bảo rằng những giá trị quý báu này sẽ được lưu truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đặc biệt là góp phần thiết thực lan tỏa các giá trị của di sản, đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế dựa trên nền tảng di sản, trong đó công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản là trọng tâm để xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phục vụ sự phát triển của cộng đồng cư dân địa phương và của đất nước.
Ông Hoàng Hữu Anh, Phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam bày tỏ: Khi đại diện UNESCO thăm Tràng An, họ ngỡ ngàng và đánh giá rất cao hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ở đây, đặc biệt là sự gắn kết, tham gia giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp vào hoạt động bảo tồn với phương châm "sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản". Điều này không chỉ tạo dựng hình ảnh riêng cho Ninh Bình mà còn đóng góp vào uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong UNESCO. Tôi đánh giá rất cao việc Ninh Bình lựa chọn hướng đi rất riêng cho mình đó là gắn phát triển đô thị di sản với đô thị thông minh, điều này chắc chắn sẽ tạo nên sự phát triển xanh và bền vững trong tương lai.
Có thể nói, những thuận lợi do các di sản được UNESCO ghi danh đã tạo ra thế mạnh được công nhận trên bình diện thế giới của tỉnh Ninh Bình. 10 năm trước, danh hiệu mà UNESCO trao tặng cho Quần thể di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An cũng là điểm khởi đầu để mở ra một thời kỳ mới cho ngành Du lịch Ninh Bình. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản một cách bền vững.
Ngày nay, Ninh Bình được UNESCO đánh giá là một trong những địa phương thành công trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để phát triển du lịch bền vững. Nhờ đó, Ninh Bình giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước. Đặc biệt Di sản thế giới Quần thế danh thắng Tràng An đã thực sự là mạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người, là trung tâm, nền tảng để xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai không xa.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm