Đánh liều trở thành mẹ bỉm sữa ở tuổi 44
'Đó là độ tuổi quá cao để có con', ai cũng nói với chị Huyền như vậy.
Đó là câu chuyện của chị Hoàng Thị Huyền (sinh năm 1966, sống tại Quy Nhơn). Năm 29 tuổi, chị Huyền sinh con gái đầu lòng. Chị tiếp tục mong muốn sẽ sinh tiếp em bé thứ 2. Tuy nhiên, suốt 10 năm trôi qua, hành trình này ngày càng mờ mịt. Đi khám, chị Huyền và ông xã được chẩn đoán là hiếm muộn.
Đánh liều khi có con ở độ tuổi quá lớn
Mọi cánh cửa có em bé gần như đóng lại, cả gia đình không còn nghĩ nhiều đến việc sinh thêm. Tuy nhiên bất ngờ đã xảy ra khi 4 năm sau, vào năm 44 tuổi, chị Huyền phát hiện đã mang thai. Cả chị và gia đình đều không thể tin bởi đây là số tuổi quá lớn, việc giữ con sẽ vô cùng khó khăn.
"Mang thai và sinh con ở tuổi 44, đây là cơ hội cuối cùng của mình để có đứa con thứ 2 nên suốt cả thai kỳ là sự lo lắng, căng thẳng và được gia đình chăm sóc rất kỹ. Trộm vía mình không nghén, ăn ngon và dễ ăn. Để đảm bảo sức khỏe cho con, mình nghỉ làm ở nhà chỉ ăn, ngủ và ôm thai nhi mà thôi. Tuy nhiên do tuổi cao, ngay từ tháng thứ 3 mình đã bị phù chân rồi. Bác sĩ khuyến cáo điều chỉnh chế độ ăn uống nếu không sẽ nguy hiểm đến cả hai mẹ con.
Không chỉ vậy, thời gian đó mặt mình bị nổi rất nhiều mụn, các mụn thịt ở cổ cũng thi nhau xuất hiện. Quả thực thời gian đó nhìn vào gương cũng thấy ngỡ ngàng với chính mình. Nhưng lúc đó mọi người cũng an ủi "Mẹ mà xấu thì kiểu gì con cũng đẹp", và hơn nữa đây là ước ao suốt 15 năm qua, bởi thế mình hài lòng với bản thân, chỉ cần con khỏe mạnh", chị Huyền nhớ lại.
Ngày đi mổ, cả gia đình chị Huyền mừng như hội. Khoảnh khắc em bé 3,4kg cất tiếng khóc chào đời là lúc chị Huyền hạnh phúc nhất vì giấc mơ đã trở thành sự thật. Cậu bé chào đời vào 30/4/2010.
Con hạnh phúc khi có một người mẹ hạnh phúc
Suốt thời gian mang thai, chị Huyền tăng 19kg. Sinh xong, chị còn 61kg, vòng eo 104cm, chiều cao 1m56. Tự nhận bản thân là "hình chữ nhật" nhưng bà mẹ 2 con hoàn toàn hạnh phúc, chẳng lo lắng gì vì chỉ cần có con là mọi thứ đều xứng đáng.
Vì sinh mổ ở độ tuổi cao nên sức khỏe chị Huyền khá yếu, mất nhiều thời gian để hồi phục. Phải hơn 2 tháng sau, chị mới có thể đi lại nhẹ nhàng. Sinh con xong, tóc chị bị bạc trắng cả đầu, người yếu và đối diện với tình trạng stress. "Ngày mẹ vào thăm mình, mẹ ôm mình khóc vì có thêm đứa con mà hy sinh nhiều quá", chị Huyền nhớ lại.
Em bé thứ 2 không dễ nuôi khiến bà mẹ 44 tuổi nhiều lúc rơi vào stress. "Con ngủ ban ngày, ban đêm cứ 2-3h sáng là dậy khóc, đòi mẹ bế chứ nhất quyết không theo ai khác. Ăn uống hơi khó khăn, hay nôn trớ khiến mẹ cũng ngao ngán và xót xa, thương con nhiều. Mình thiếu ngủ, mệt mỏi và suy nhược cơ thể, chỉ thay đổi thời tiết chút là gặp vấn đề sức khỏe.
Thương con nên mình lại quyết định ở nhà làm mẹ toàn thời gian, thực ra xin việc ở độ tuổi này cũng không dễ dàng. Và cuối cùng mình chọn tự thành lập công ty để vừa có thể ở bên con, vừa có sự nghiệp vững chắc. May mắn công ty phát triển rất tốt", chị Huyền trải lòng.
Hiện tại, con trai chị Huyền đã lớn và công việc của bà mẹ U60 cũng rất suôn sẻ. Có con ở độ tuổi 44 là điều mà chị chưa từng nghĩ đến nhưng may mắn đã mỉm cười. "Để trở thành một người phụ nữ hạnh phúc, chúng ta cần cân bằng sự nghiệp - gia đình - bản thân. Mình là mẹ bỉm sữa U50, hiện nay đã U60, mình vẫn làm được những điều mình muốn, đã thành công với mục tiêu.
Mình làm được nên mình tin mọi người cũng thế. Cho dù ở độ tuổi bao nhiêu, hãy làm điều mà bản thân yêu thích, sống với đam mê, bạn sẽ luôn cảm thấy cuộc sống này giá trị và hạnh phúc", chị Huyền gửi gắm đến những người mẹ khác.
Chia sẻ về những dấu mốc trong cuộc sống, chị Huyền khẳng định không bao giờ là quá muộn để ai đó bắt đầu thực hiện ước mơ. Mong rằng câu chuyện của bà mẹ U60 sẽ lan tỏa tích cực, trở thành động lực cho những người mẹ bỉm. Hơn thế, một người mẹ hạnh phúc mới có thể đem lại hạnh phúc cho con và gia đình của mình.
Những lưu ý khi có thai ở độ tuổi cao
- Có chăm sóc kỹ lưỡng trước khi sinh;
- Thăm khám sinh sản định kỳ, thường xuyên;
- Duy trì lối sống lành mạnh;
- Em bé được sinh tại các cơ sở có chất lượng y tế đảm bảo.
Điều này có nghĩa là đối với phụ nữ khỏe mạnh thụ thai sau 40 tuổi có thể không nguy hiểm hơn so với các phụ nữ trẻ tuổi hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh mổ thường cao hơn ở phụ nữ trên 40 tuổi..
Sinh mổ có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện thêm các biến chứng, đặc biệt là đối với phụ nữ lớn tuổi. Một nghiên cứu năm 2019 liên kết việc sinh mổ với nguy cơ biến chứng nặng hơn chẳng hạn như đột quỵ, thuyên tắc mạch và xuất huyết.
Trong khi sinh mổ có thể là phương án cứu cánh, phụ nữ lớn tuổi mang thai nên thảo luận về các nguy cơ tiềm ẩn với bác sĩ. Tránh việc tự ý lựa chọn sinh mổ để giảm các biến chứng khi sinh.