Đánh mạnh vào tội phạm liên quan đến hoạt động 'tín dụng đen'
Hoạt động 'tín dụng đen' trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua diễn biến khá phức tạp. Không chỉ hoành hành ở khu vực thành thị mà 'tín dụng đen' còn len lỏi cả về vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.
Để thu hút được nhiều người tham gia vay tiền, các đối tượng dùng thủ đoạn đánh vào tâm lý của người vay như: thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn là cầm cố tài sản hoặc các loại giấy tờ tùy thân, thậm chí không cần tài sản thế chấp, chỉ cần chụp lại Căn cước công dân và cung cấp thông tin cá nhân, người có nhu cầu vay sẽ nhanh chóng nhận được khoản tiền vay trong vòng từ 24 đến 48 giờ.
Tinh vi hơn, để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng này thường lập ra những hợp đồng với lãi suất phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng thực tế có thêm thỏa thuận ngầm với người có nhu cầu vay ở mức lãi suất cao hơn, từ 3.000 đồng - 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương mức lãi suất hàng trăm phần trăm mỗi năm.
Đối tượng vay mà tội phạm "tín dụng đen" hướng đến thường là các tiểu thương, công nhân, sinh viên, người có khó khăn về tài chính và các đối tượng cờ bạc, nghiện hút, chơi bời lêu lổng cần tiền tiêu xài. Sau khi con nợ chậm trả hoặc không có khả năng thanh toán sẽ bị các đối tượng dùng mọi thủ đoạn uy hiếp, đe dọa, bôi nhọ danh dự bản thân và gia đình hoặc bắt giữ trái pháp luật để uy hiếp gia đình nạn nhân…
Với quyết tâm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và lực lượng Công an các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đấu tranh, mở các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, trong 9 tháng năm 2023, Công an toàn tỉnh tiếp nhận, thụ lý 11 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Điều tra, khởi tố 11/11 vụ, 13 đối tượng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tổng số tiền thu lợi bất chính của các đối tượng là hơn 1,6 tỷ đồng. Trong số các vụ án này, phần lớn các đối tượng chủ yếu từ địa phương khác đến tạm trú tại địa bàn để hoạt động phạm tội.
Là địa phương đấu tranh quyết liệt và hiệu quả với hoạt động của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, từ đầu năm đến nay Công an TX An Khê (Gia Lai) đã khám phá 5 vụ, với 7 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Điển hình như vụ việc triệt xóa nhóm 5 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” vào đầu năm 2023, gồm: Trần Văn Phước (1990, trú H. Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình); Lê Công Trường (2003), Bùi Quốc Tuấn (1991, cùng trú H. Đak Pơ, Gia Lai) và Đỗ Văn Mỹ (1991), Nguyễn Văn Dũng (1995, cùng trú TX An Khê).
Theo đó, qua công tác nắm tình hình, Công an thị xã xác định nhóm đối tượng này cho người dân vay tiền trả góp theo ngày, lãi suất vay từ 240%/năm trở lên. Khi người vay trả tiền không đúng thời gian thỏa thuận, các đối tượng gọi điện khủng bố tinh thần, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người vay hoặc dùng hung khí đe dọa buộc người vay trả tiền. Sau khi thu thập đủ chứng cứ, Công an TX An Khê đã bắt giữ nhóm đối tượng trên. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận từ năm 2020 đến khi bị bắt, các đối tượng cho 184 người vay với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng, thu lợi bất chính 987 triệu đồng.
Trung tá Nguyễn Thành Huy- Trưởng Công an TX An Khê cho biết, qua những vụ án “tín dụng đen” trên địa bàn cho thấy, hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được các đối tượng thực hiện rất tinh vi. Hoạt động của loại tội phạm này tiềm ẩn phát sinh rất nhiều nguy cơ của các loại tội phạm khác, gây mất ANTT trên địa bàn.
“Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, lực lượng Công an thị xã An Khê đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” và đã đạt được kết quả cao”.
Tuy nhiên, để đấu tranh có hiệu quả, giải quyết tình hình hoạt động “tín dụng đen”, theo Trung tá Nguyễn Thành Huy, ngoài các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an thì người dân cần nâng cao nhận thức trong các giao dịch liên quan đến tài chính và tích cực phối hợp với lực lượng Công an, nhất là những người đã tham gia vay tiền của các nhóm đối tượng “tín dụng đen” trong việc tố giác tội phạm để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.