Danh mục Phân loại Xanh góp phần hoàn thiện hệ sinh thái tài chính xanh tại Việt Nam
Khung Danh mục Phân loại Xanh vừa được ban hành là bước tiến quan trọng trong chuẩn hóa tiêu chí môi trường quốc gia. Danh mục không chỉ siết kỹ thuật, minh bạch xác nhận mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho các dự án xanh.
Mong mỏi danh mục phân loại xanh để thông dòng vốn xanh
Chuẩn hóa thị trường vốn xanh
Theo đánh giá mới nhất của FiinRatings, Khung Danh mục Phân loại Xanh chính thức ra đời đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nỗ lực chuẩn hóa tiêu chí môi trường quốc gia. Khung này cung cấp bộ chuẩn thống nhất để xác định, sàng lọc và xác nhận dự án đủ điều kiện tiếp cận tín dụng xanh hoặc phát hành trái phiếu xanh, qua đó mở rộng dòng vốn xanh và củng cố sự minh bạch của thị trường tài chính bền vững.

So với dự thảo năm 2022, phiên bản ban hành đã giản lược đáng kể: danh mục rút từ 80 xuống 45 loại hình dự án, thu hẹp nhóm ngành từ 9 còn 7. Một số điều chỉnh đáng chú ý là đổi tên nhóm “Chất thải” thành “Dịch vụ môi trường” để phản ánh phạm vi đầu tư rộng hơn; loại bỏ hẳn nhóm “Thông tin, truyền thông và dịch vụ”; và gộp các dự án “Chuyển đổi xanh” vào nhóm ngành chuyên môn tương ứng thay vì duy trì khái niệm độc lập khó xác định khi còn thiếu bộ tiêu chuẩn giám sát phát thải toàn diện.
Theo các chuyên gia từ FiinRatings, việc cắt bỏ khái niệm “chuyển đổi xanh” thể hiện cách tiếp cận trực diện, tập trung vào tiêu chí kỹ thuật cụ thể, dễ kiểm chứng nhằm hạn chế rủi ro “tẩy xanh”.
Song song tinh giản danh mục, Danh mục Phân loại Xanh siết chặt bộ tiêu chí kỹ thuật: dự án phải ứng dụng công nghệ giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng hệ thống quản lý môi trường theo chuẩn quốc gia hoặc quốc tế tương đương. Cách làm này vừa giảm thiểu rủi ro greenwashing, vừa đảm bảo chỉ các dự án thực sự xanh mới tiếp cận được ưu đãi vốn.
Khung cũng sửa lại cơ chế xác nhận. Thay vì “bắt buộc”, việc chứng nhận giờ chuyển sang “xác nhận độc lập theo đề nghị của chủ đầu tư hoặc tổ chức phát hành”. Nhờ vậy, cả dự án không xin ưu đãi tín dụng vẫn có thể chủ động gắn mác “xanh” để thu hút nhà đầu tư.
Cùng với đó, 2 phương án xác nhận được phép áp dụng là cơ quan cấp ưu đãi tự xác nhận hoặc thuê tổ chức đánh giá độc lập đáp ứng tiêu chuẩn ISO/IEC 17029 và ISAE 3000. Danh mục Phân loại Xanh đồng thời ràng buộc các đơn vị xác nhận chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả, tạo bộ lọc chất lượng nhưng cũng đặt ra rào cản năng lực cho các tổ chức mới tham gia.
Đối với ngành ngân hàng, sự xuất hiện của Danh mục Phân loại Xanh mang ý nghĩa kép. Cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 679.000 tỉ đồng, tăng 4,4 % so với 2023. Tuy nhiên mỗi ngân hàng tự xây hệ tiêu chí riêng, rủi ro phân loại không đồng nhất. Khung quốc gia mới giúp chuẩn hóa quy trình thẩm định, buộc các nhà băng hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường–xã hội (ESMS) và đào tạo đội ngũ tín dụng để kiểm soát chất lượng tài sản. Ngược lại, chuẩn chung tạo cơ hội mở rộng sản phẩm xanh, nâng sức cạnh tranh và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế dành cho các dự án giảm phát thải.
Khơi dòng trái phiếu xanh mới
Với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Danh mục Phân loại Xanh làm rõ ranh giới “xanh”, giúp họ thuận lợi chọn dự án phù hợp và tận dụng “greenium” – chênh lệch lợi suất nhà đầu tư chấp nhận trả cao hơn cho trái phiếu xanh. Greenium bình quân tại khu vực ASEAN+3 hiện quanh 15 điểm cơ bản, đặc biệt cao với trái phiếu được chứng nhận uy tín hoặc định giá bằng nội tệ.
Lợi ích đó bù đắp phần nào chi phí minh bạch và tuân thủ cao hơn so với trái phiếu thông thường, nhất là với kỳ hạn tài trợ dài phù hợp đặc thù dự án môi trường. Doanh nghiệp vì vậy cần chuẩn bị kỹ từ khâu chọn dự án, thiết lập hệ thống quản lý dòng vốn, đến thuê tổ chức đánh giá uy tín để bảo đảm cam kết suốt vòng đời trái phiếu. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2 % theo Nghị quyết 198/2025/QH15 dự kiến triển khai từ năm 2026 – cũng sẽ tiếp thêm động lực phát hành.

Về phía nhà đầu tư, Danh mục Phân loại Xanh cung cấp bộ khung kỹ thuật rõ ràng, cho phép đánh giá chính xác hơn rủi ro môi trường và hiệu quả bền vững của dự án. Khung này đồng thời tạo cơ hội đa dạng danh mục theo tiêu chí ESG và hưởng ưu đãi từ chính sách khuyến khích. Nhu cầu minh bạch cao giúp thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện quản trị, còn nhà đầu tư đóng vai trò giám sát ngoài, góp phần giảm thiểu greenwashing.
Tuy vậy, quá trình triển khai đối mặt nhiều thách thức. Thứ nhất, năng lực chuyên môn chưa đồng đều: Việt Nam hiện mới có FiinRatings được Climate Bonds Initiative (CBI) chấp thuận cung cấp dịch vụ xác nhận độc lập nội địa, trong khi nhu cầu dự báo tăng mạnh.
Thứ hai, chi phí và thời gian phát hành trái phiếu xanh vẫn cao, World Bank ước tính toàn bộ quy trình mất 8-12 tuần, riêng giai đoạn xây khung và cấp ý kiến bên thứ hai (SPO) có thể tới 6–8 tuần. Các yêu cầu báo cáo định kỳ, kiểm toán tác động, hay thiết lập hệ thống theo dõi dòng tiền đều phát sinh thêm chi phí, nhất là với doanh nghiệp phát hành lần đầu.
Thứ ba, chuẩn kỹ thuật đo lường phát thải cho nhóm “chuyển đổi xanh” chưa hoàn thiện, khiến dòng vốn khó chảy vào các ngành phát thải cao đang cần lộ trình giảm dần carbon như thép, xi măng, vận tải.
Để hiện thực hóa tiềm năng, ngân hàng và tổ chức tín dụng – tác nhân song song cấp vốn đầu vào (trái phiếu) và đầu ra (tín dụng) cần khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn tín dụng xanh nội bộ trên cơ sở Danh mục Phân loại Xanh, đầu tư ESMS, đào tạo nhân lực và đồng bộ quy trình giải ngân giám sát.
Doanh nghiệp với vai trò chủ thể phát hành – phải nắm chắc quy định, sớm chọn dự án đáp ứng tiêu chí, thiết lập ban chuyên trách và chuẩn hóa hệ thống quản trị. Họ cũng cần chủ động hợp tác với tổ chức tư vấn, đánh giá để giảm rủi ro và chi phí. Nhà đầu tư nên khai thác Danh mục Phân loại Xanh như công cụ sàng lọc, đồng thời gia tăng yêu cầu minh bạch đối với tổ chức phát hành nhằm củng cố uy tín thị trường.
Bên cạnh đó, việc bổ sung vai trò rõ ràng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa – hiện chưa được nêu cụ thể trong Quyết định 21 sẽ tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị đủ năng lực cung cấp dịch vụ xác nhận độc lập, tăng cung nhân lực thẩm định và giảm phí cho doanh nghiệp. Những tổ chức này cũng là cầu nối phản hồi chính sách, hỗ trợ cơ quan quản lý cập nhật quy định phù hợp thông lệ quốc tế.