Mở đường cho tín dụng xanh phát triển bền vững
Thị trường tài chính xanh đang phát triển mạnh trên toàn cầu. Trong đó tín dụng xanh là một trong những kênh tài chính chủ lực, đóng vai trò quyết định cho đầu tư bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến 31/3/2025, có 58 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với quy mô trên 704.244 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Mặc dù đã có sự cải thiện tốc độ, nhưng dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu các tiêu chí xanh cụ thể để ngân hàng làm căn cứ cho vay.
Trong bối cảnh đó, Quyết định 21/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 04/7/2025 quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh được đánh giá là bước ngoặt quan trọng, tạo hành lang pháp lý và nền tảng phát triển cho hệ sinh thái tài chính xanh.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính thuộc khoa ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các cam kết khí hậu, xác nhận và phân loại dự án đầu tư xanh là công cụ quan trọng để định hướng dòng vốn. Tín dụng xanh nói riêng và thị trường tài chính xanh nói chung đang phát triển với những tín hiệu tích cực và nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Do đó, việc xác định rõ các dự án đầu tư xanh tại Quyết định 21/2025/QĐ-TTg sẽ góp phần tạo niềm tin cho thị trường và tăng tính minh bạch trong huy động vốn. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để góp phần giúp nền kinh tế chuyển từ “nâu” sang “xanh”, và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi kép hiện tại.

Quyết định 21 được coi là văn bản pháp lý mang tính bước ngoặt đối với tín dụng xanh
Từ góc độ ngân hàng, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank chia sẻ, các ngân hàng đã mong chờ từ rất lâu đối với tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh. Quyết định 21 đã tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng triển khai các gói ưu đãi. Như tại Agribank, ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng xanh quy mô lớn, bao gồm gói 30.000 tỷ đồng tài trợ dự án đầu tư thuộc các ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh; tiên phong dành nguốn vốn 50.000 tỷ đồng để triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đáng chú ý ngân hàng đã dành riêng 10.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay “Tín dụng xanh”, ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân…
Để kịp thời triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Agribank cũng đã nhanh chóng ban hành Quyết định số 2525/QĐ-NHNo-TD về "Danh sách các ngành, nghề kinh doanh loại trừ hạn chế cấp tín dụng của Agribank về môi trường và xã hội". Đây là động thái chiến lược thể hiện sự chủ động và quyết tâm của Agribank trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Quyết định của Agribank phân loại rõ ràng các ngành, nghề loại trừ và hạn chế cấp tín dụng dựa trên mức độ tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
Theo nhận định Fiin Ratings, danh mục xanh tại Quyết định 21 gồm 45 loại hình dự án thuộc 7 nhóm ngành: năng lượng; nông – lâm – thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; giao thông; công nghiệp chế biến; xây dựng; dịch vụ môi trường; tài nguyên nước tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho thị trường tài chính xanh trong nước bao gồm tín dụng xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh. Cũng theo Fiin Ratings, so với dự thảo năm 2022, phiên bản ban hành chính thức đã tinh giản danh mục phân loại xanh, giảm số dự án từ 80 xuống còn 45 lĩnh vực, loại hình dự án và thu hẹp từ 9 còn 7 nhóm ngành tương ứng.
Về xác nhận dự án xanh, Quyết định 21 quy định 2 phương án xác nhận chính thức: cơ quan cấp ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước và tín dụng xanh, trái phiếu xanh tự tổ chức xác nhận; thông qua Tổ chức đánh giá độc lập. Các chuyên gia nhận định, sự điều chỉnh này giúp phía cung của nguồn vốn có sự chủ động hơn trong việc xác nhận và lựa chọn các dự án phù hợp với tiêu chí riêng, khẩu vị rủi ro và cấu trúc danh mục của mỗi doanh nghiệp.
Một điểm đáng chú ý khác, danh mục phân loại xanh mới cũng tăng cường mức độ ràng buộc pháp lý của tổ chức xác nhận độc lập khi yêu cầu các tổ chức này chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về kết quả xác nhận. Cơ quan quản lý đưa cách tiếp cận này với mục đích kiểm soát chặt chẽ chất lượng của đơn vị xác nhận sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện đa dạng hóa nguồn lực thẩm định các dự án xanh và nâng cao độ tin cậy của các dự án được xác nhận “xanh”, hạn chế trục lợi chính sách.

Các ngân hàng vẫn còn những thách thức trong việc cấp tín dụng xanh
Mặc dù danh mục dự án xanh quốc gia đã được ban hành, tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, việc triển khai cấp tín dụng xanh vẫn còn nhiều thách thức đối với các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, hoạt động này đòi hỏi đội ngũ cán bộ thẩm định tín dụng phải có kiến thức chuyên sâu, không chỉ về lĩnh vực tài chính mà còn về các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG), cũng như khả năng đánh giá việc áp dụng công nghệ xanh trong từng dự án cụ thể. Việc thẩm định các yếu tố phi tài chính như vậy là không đơn giản và đặt ra yêu cầu cao hơn nhiều so với hoạt động tín dụng truyền thống. Các ngân hàng muốn theo đuổi lĩnh vực này cần phải thay đổi rất lớn về chiến lược hoạt động cũng như tuyển dụng nhân lực.
Đồng quan điểm, nhóm chuyên gia của Fiin Ratings cũng cho rằng, các tổ chức tín dụng cũng cần đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức của các cán bộ, cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng. Các ngân hàng cũng phải có quy trình đồng bộ làm cơ sở thu hút vốn xanh và đảm bảo giám sát việc giải ngân số tiền thu được đúng mục đích, đáp ứng các tiêu chí lựa chọn.
Giới chuyên gia khuyến nghị, các ngân hàng nên xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn tín dụng rõ ràng, đầy đủ, dựa trên danh mục phân loại xanh và các chuẩn mực quốc tế làm cơ sở để thẩm định, đánh giá rủi ro và tác động của các dự án đủ điều kiện. Bên cạnh đó, các ngân hàng là nơi cấp vốn cũng cần minh bạch và báo cáo định kỳ về tình hình cấp tín dụng xanh cũng như giám sát và đánh giá hiệu quả các khoản vay theo quy định.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/mo-duong-cho-tin-dung-xanh-phat-trien-ben-vung-167218.html