Nền kinh tế châu Âu nào sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ chính sách thuế quan Mỹ?

Kim ngạch xuất khẩu của EU đang hướng đến Mỹ. Chính bởi vậy mà tuyên bố hôm qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng thuế nhập khẩu lên mức 30% từ EU kể từ ngày 1/8 tới được coi là 'cú sốc lớn' với khối 27 nước thành viên.

Vậy đâu là nền kinh tế trong khối chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách thuế quan Mỹ, và EU cần làm gì để không đưa kinh tế khu vực vào vòng khủng hoảng từ chính sách đó?

Theo các chuyên gia phân tích, thuế quan Mỹ đối với ngành sản xuất ô tô ảnh hưởng nặng nề nhất đến nền kinh tế Đức, trong khi đó thuế quan trong tương lai đối với ngành dược phẩm lại có thể gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Ireland.

Chính bởi vậy mà Đức và Ireland hiện nổi lên là hai nền kinh tế EU dễ bị tổn thương nhất do nguy cơ đe dọa tăng thuế quan từ Mỹ, trong bối cảnh Brussels đang nỗ lực hướng tới một thỏa thuận thương mại với Washington, khi có thông tin cho rằng thuế quan dược phẩm có thể lên tới 200%.

Hàng hóa từ EU và Mexico vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 30% từ ngày 1/8/2025 - Ảnh minh họa: Tân Hoa xã

Hàng hóa từ EU và Mexico vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 30% từ ngày 1/8/2025 - Ảnh minh họa: Tân Hoa xã

Hồi tháng 4 năm nay, khi Mỹ áp đặt mức thuế mới 25% đối với ô tô nhập khẩu và phụ tùng ô tô, Đức được xác định là quốc gia EU chịu thiệt hại nhiều nhất. Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels ước tính vào thời điểm đó rằng thuế quan có thể khiến GDP của Đức giảm 0,4% trong dài hạn. Trong khi chờ đợi một thỏa thuận thương mại mới giữa EU và Mỹ, các chi tiết khác xuất hiện có thể khiến Ireland, Đan Mạch và Bỉ, cũng như các quốc gia khác, trở thành mục tiêu nếu Washington nhắm mục tiêu vào lĩnh vực dược phẩm.

Trong một báo cáo hồi tháng 4, Viện nghiên cứu Bruegel ước tính rằng, xét về các kịch bản có thể xảy ra, thiệt hại có thể lên tới khoảng 0,3% GDP của EU, tùy thuộc vào kết quả đàm phán. Con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng GDP thực tế 1,1% dự kiến của khối vào năm 2025, theo Dự báo Mùa xuân của Ủy ban châu Âu.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn tài chính ING có trụ sở tại Hà Lan, ông Carsten Brzeski, nhấn mạnh: "Khi thực sự xem xét tác động kinh tế của mức thuế quan 30%, điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm 0,4 điểm phần trăm. Và nếu xét đến tình hình hiện tại, thì kỳ vọng chung là tăng trưởng GDP của châu Âu năm nay sẽ đạt 0,7–0,8%. Điều này có nghĩa là nếu áp dụng mức thuế quan 30%, châu Âu sẽ lại một lần nữa bị đẩy lùi gần đến suy thoái. Và đó rõ ràng là một kịch bản mà châu Âu nên cố gắng tránh".

Năm 2024, Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của EU, chiếm 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của EU ra bên ngoài khối. Dược phẩm chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của EU sang Mỹ. Tiếp theo là ngành ô tô. Rory Fennessy, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết trong một báo cáo gần đây rằng: "Chỉ riêng thuế quan có thể làm giảm khoảng 8% tổng khối lượng thương mại của EU trong 5 năm tới".

Các quốc gia EU có giá trị xuất khẩu hàng hóa cao nhất sang Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế bao gồm Đức, Ireland, Italy, Pháp và Hà Lan. Andrew Hunter, Phó Giám đốc kiêm chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody's Ratings, cho biết, Đức nổi lên là nền kinh tế lớn của châu Âu có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan của Mỹ và Moody’s dự kiến tăng trưởng GDP sẽ giảm trong quý 2 và quý 3 năm nay. Ngoài ra, các nền kinh tế nhỏ hơn, bao gồm Áo và các nền kinh tế khác ở Trung và Đông Âu, có sự hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng công nghiệp của Đức, cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đối với Pháp, tác động trung bình sẽ vào khoảng 0,25% GDP.

Về tác động dài hạn, Ireland nổi lên là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì hơn một nửa lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này (53,7%) được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Phần lớn phụ thuộc vào việc liệu ngành dược phẩm có bị ảnh hưởng bởi thuế quan hay không. Nếu vậy, Ireland sẽ là nền kinh tế EU chịu rủi ro cao nhất từ những mức thuế quan này; tổng mức tổn thất GDP thực tế của Ireland có thể là 3% vào năm 2028.

Dù vậy, cũng theo chuyên gia kinh tế ING, ông Carsten Brzeski, EU cần hết sức cân nhắc các biện pháp trả đũa mà nên tiến hành đàm phán tích cực với Mỹ trong thời gian từ nay tới ngày 1/8 tới: "Lựa chọn cuối cùng của EU sẽ là áp thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số đến từ Mỹ. Tuy nhiên, châu Âu biết rằng nếu họ bắt đầu công cụ chính sách cuối cùng này thì họ thực sự đang ở giữa một cuộc chiến thương mại toàn diện, điều mà tôi không nghĩ rằng Liên minh châu Âu sẵn sàng tham gia".

Mỹ Hà/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nen-kinh-te-chau-au-nao-se-chiu-anh-huong-nang-nhat-tu-chinh-sach-thue-quan-my-post1214473.vov