Dành nguồn lực cho hạ tầng giao thông
Thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Cà Mau được quan tâm đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án đã được đầu tư xây dựng mới. Ngoài 2 tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 63 đã đầu tư, hình thành thêm 3 tuyến mới: Đường Quản lộ Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi và đường Hành lang ven biển phía Nam. 100% xã đã có đường ô-tô đến trung tâm; 50/82 xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới; các tuyến đường đô thị, đường đến các cụm kinh tế, khu du lịch, khu di tích được ưu tiên đầu tư.
Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư lĩnh vực giao thông trên địa bàn tỉnh đạt 12.602 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 5.940 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 3.287 tỷ đồng, còn lại được huy động từ hình thức BOT, BT và các nguồn huy động khác.
Chậm phát triển, chưa đồng bộ
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều hạn chế, chậm phát triển, chưa đồng bộ, hiện đại, tính kết nối thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hạ tầng công trình ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu còn yếu kém; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp chậm hoàn thiện, hạ tầng kỹ thuật đấu nối trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình giao thông còn nhiều hạn chế.
Việc thu hút vốn để đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp còn khó khăn, chủ yếu bố trí từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ đầu tư của Trung ương thực hiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nên khó khăn trong công tác thu hút đầu tư.
Bên cạnh yếu tố khách quan, công tác phối hợp trong điều hành, tham mưu, đề xuất đôi lúc còn bị động, thiếu quyết liệt, trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên. Công tác quy hoạch, năng lực quản lý, điều hành trong lĩnh vực giao thông chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; chất lượng quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp chưa đáp ứng được trong dài hạn, chưa lường hết được khó khăn, thách thức nên phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp.
Việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận tạo nguồn kinh phí tái đầu tư chưa được thực hiện. Chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp.
“Đầu tư công dẫn dắt đầu tư”
Với quan điểm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là sự nghiệp của toàn dân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa ban hành Nghị quyết 03 về huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành, nêu cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị của các cấp ủy, chính quyền các cấp… Nghị quyết 03 khẳng định nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt, kết hợp huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, thực hiện đa dạng hóa phương thức đầu tư, vốn đầu tư công là “vốn mồi” theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư”. Phân bổ nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối cao, có tác động lan tỏa, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững.
Theo đó, sử dụng khoảng từ 30-40% tổng vốn đầu tư công của tỉnh bố trí cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2021-2025, thu hút khoảng 4 dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng; trong giai đoạn 2026-2030, thu hút khoảng 6 dự án đầu tư hạ tầng với tổng vốn đăng ký khoảng 15.000 tỷ đồng.
Đến năm 2025, thu hút đầu tư lấp đầy Khu Công nghiệp Khánh An hiện hữu và đạt tỷ lệ lấp đầy 30% đối với diện tích mở rộng, lấp đầy 20% đối với Khu Công nghiệp Hòa Trung; đến năm 2030 tỷ lệ lấp đầy Khu Công nghiệp Khánh An (mở rộng) đạt khoảng 60-70%; Khu Công nghiệp Sông Đốc phía Nam đạt khoảng 40-50%; Khu Công nghiệp Hòa Trung đạt khoảng 30-40%; bổ sung quy hoạch và triển khai thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Tân Thuận.
Xây mới và mở rộng các tuyến đường trọng điểm
Vốn ngân sách Trung ương sẽ được bố trí cho các dự án giao thông trọng điểm, kết nối, lan tỏa đầu tư trên địa bàn tỉnh, gồm tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau (đoạn qua địa bàn tỉnh Cà Mau khoảng 21,9 km); tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam (giai đoạn 2) kết nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; đầu tư xây dựng mới tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cà Mau; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ TP. Cà Mau đến Mũi Cà Mau; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 63 (đoạn từ TP. Cà Mau đến tỉnh Kiên Giang); nâng cấp các tuyến đường vận tải thủy, các cảng thủy nội địa đảm bảo kết nối với TP. Hồ Chí Minh để vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực hạ tầng giao thông đường bộ. Đề xuất với Trung ương sớm đầu tư tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi.
Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, sẽ bố trí cho các dự án động lực của tỉnh, gồm dự án đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông - Tây và cầu sông Gành Hào; đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường: Cà Mau - Đầm Dơi, Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm, U Minh - Khánh Hội; nâng cấp kết cấu mặt đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam đến đường Vành đai 2 TP. Cà Mau); nâng cấp đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến Quốc lộ 63); tuyến đường Vành đai 3 TP. Cà Mau,...; Dự án đầu tư tuyến đường ven biển từ Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) đến Tiểu Dừa (huyện U Minh).
Nguồn từ ngân sách địa phương sẽ bố trí đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường kết nối, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư (tuyến đường kết nối vào khu vực đầm Thị Tường và các khu du lịch có tiềm năng, cầu Nguyễn Đình Chiểu qua Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, các cầu qua kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau đoạn nội ô TP. Cà Mau; đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đấu nối đến các cụm kinh tế ven biển, các tuyến đường tại các đô thị đồng bộ các hạng mục giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, điện, cáp quang... đầu tư các công trình cầu, đường giao thông nông thôn gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Định hướng, giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện… cũng được nêu khá rõ trong nghị quyết, làm cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh trong thời gian tới./.