Danh sĩ Phạm Quý Thích không ham chốn quan trường
Phạm Quý Thích là một danh sĩ tài năng, có phí phách và đặc biệt là không ham chốn quan trường.
Phạm Quý Thích (Phạm Thích) tự là Dữ Đạo, hiệu là Lập Trai, biệt hiệu là Thảo Đường cư sĩ, quê ở xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang).
Năm Kỷ Hợi (1779), dưới đời vua Lê Hiển Tông, Phạm Quý Thích thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khi mới 20 tuổi. Sau đó, ông được bổ quan và làm tới chức Thiêm sai Tri Công phiên. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 45, mặt khắc 18 ghi rằng: “Ban cho Lê Huy Trâm và Phạm Nguyễn Du hai người đỗ đồng xuất thân, bọn Phạm Quý Thích 13 người đỗ Đồng xuất thân, cao thấp khác nhau. Rồi tâu xin nhà vua ra sắc lệnh cho đem bảng vàng treo ở ngoài cửa nhà Thái học. Việc này sau thành thể lệ thường hành”.
Tháng 5, năm Mậu Thân (1788), nhà Lê mất, nghĩa quân Tây Sơn lên nắm chính quyền. Nguyễn Huệ ra sức mời các quan văn võ tài năng thời Lê ra làm quan như Ngô Thì Nhậm làm Tả thị lang bộ Lại, Phan Huy Ích làm Tả thị lang bộ Hình; Nguyễn Thế Lịch, Ninh Tốn, Nguyễn Du và Nguyễn Bá Lan làm Hàn lâm trực học sĩ... Phạm Quý Thích cũng được Nguyễn Huệ mời ra giữ chức, tuy nhiên ông đã xin ở ẩn.
Năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long lên ngôi. Biết tài năng của Phạm Quý Thích, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đã tìm mọi cách chiêu mời ông ra giữ việc triều chính. Tuy nhiên, Phạm Quý Thích cũng lại từ chối. Sau “năm lần bảy lượt” chối từ không được, Phạm Quý Thích đã miễn cưỡng giữ chức Thị trung học sĩ, tước Thích An hầu, Đốc học Hoài Đức (Hà Đông). Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, quyển 20, mặt khắc 17 ghi rằng: “Năm Gia Long thứ nhất (1802), Quý Thích được triệu vào yết kiến, lĩnh chức Thị trung học sĩ. Ông từ chối không được nên lưu lại ở Bắc Thành, lĩnh chức Đốc học phủ Phụng Thiên”.
Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, quyển 20, mặt khắc 17 ghi về việc Phạm Quý Thích miễn cưỡng làm quan dưới triều vua Gia Long (nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)
Năm Đinh Mão (1807), Phạm Quý Thích làm Giám thí trường thi Kinh Bắc. Do không mặn mà với chốn quan trường nên được ít lâu ông lại xin từ quan về nhà. Năm Gia Long thứ 10 (1811), vua triệu Phạm Quý Thích về Kinh đô, giao cho việc chép sử. Đến năm Quý Dậu (1813), ông làm Giám thị trường thi Sơn Nam. Được ít lâu ông lại cáo bệnh về nhà.
Năm Canh Thìn (1820), vua Minh Mạng lên ngôi, nối nghiệp vua cha. Thấy Phạm Quý Thích nghỉ việc đã lâu, vốn trọng danh tiếng của ông nên vị vua thứ 2 triều Nguyễn cho triệu ông vào kinh bổ quan, nhưng ông lại từ chối. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 9, mặt khắc 3 có ghi như sau: “Triệu Thị trung học sĩ Phạm Thích. Phạm Thích nghỉ việc đã lâu. Vua vốn trọng tiếng Thích, đến nay nhân việc soạn sử, sai đem bạc lụa đến mời. Khi lên đường, Thích lại vì ốm xin từ về”.
Năm Tân Tỵ (1821), ông mở trường dạy học. Trường học của Phạm Quý Thích hiện còn lưu lại khá nhiều tài liệu là bài giảng của ông và bài làm của học trò. Tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến là: Chu Dịch vấn giải toát yếu, Dịch kinh đại toàn toát yếu diễn nghĩa... Mộc bản triều Nguyễn tuy không ghi chép về thời gian ông mở trường dạy học nhưng cho biết rằng, trong quãng thời gian đó, vua Minh Mạng đã rất nhiều lần mời gọi ông ra làm quan, nhưng ông đều từ chối. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 12, mặt khắc 3 có ghi lại rằng: “Thị trung học sĩ Phạm Thích bệnh nặng không đến yết kiến được, quan Bắc Thành tâu lên. Vua sai Hữu tham tri Hộ bộ Nguyễn Công Tiếp đến tận nhà thăm hỏi. Phạm Thích dâng biểu tạ ơn”.
Sau 4 năm mở trường dạy học, năm Ất Dậu (1825), Phạm Quý Thích mất tại quê nhà. Khi nghe tin, vua Minh Mạng rất thương tiếc, ban cho 100 quan tiền và 5 tấm vải lụa. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 20, mặt khắc 17 ghi về ông rằng: “Phạm Quý Thích là người mạnh mẽ, luôn giữ tính cương quyết, văn chương luôn thể hiện rõ tiết nghĩa. Ông được các học sĩ suy tôn gọi là Lập Trai tiên sinh”.
Phạm Quý Thích là một trí thức tài năng và có đạo đức cao đẹp. Ông xứng đáng là danh sĩ tiêu biểu của xứ Đông.