'Đánh thức' bảo vật quốc gia

Hiện nay nhiều bảo vật vẫn ngủ yên trong bảo tàng, di tích, trong các bộ sưu tập tư nhân. Thậm chí, nhiều bảo vật đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại… Bảo vật quốc gia sẽ không thể phát huy đầy đủ giá trị nếu chỉ nằm mãi trong kho, không được ai biết tới.

Khu trưng bày bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: BTCC.

Khu trưng bày bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: BTCC.

Câu chuyện của bảo vật

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 294 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó nhiều bảo vật có niên đại hàng nghìn năm. Theo đó, các bảo vật quốc gia đã được công nhận có niên đại sớm nhất hiện nay là nhóm công cụ đá An Khê hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai (niên đại 800.000 năm cách ngày nay).

Không chỉ có giá trị trường tồn theo thời gian, nhiều bảo vật quốc gia còn gắn liền dấu mốc sự kiện lịch sử của dân tộc. Tiêu biểu như tập thơ “Nhật ký trong tù”, gồm 133 bài thơ do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác năm 1942 - 1943, bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Hay 2 chiếc xe tăng đã tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Ngoài ra còn có nhiều bảo vật quốc gia là những tác phẩm nghệ thuật, có thẩm mỹ. Đơn cử như bức tranh “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn, “Hai thiếu nữ và em bé” của họa sĩ Tô Ngọc Vân, “Cánh cửa chạm Rồng” ở chùa Keo (Thái Bình), ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo”…

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ… theo Luật Di sản, hiện các bảo vật quốc gia đang được Nhà nước bảo vệ đặc biệt. Tuy nhiên, ngoài các bảo vật hiện đang được bảo quản tốt tại một số bảo tàng, di tích, trung tâm lưu trữ vẫn còn đó những câu chuyện buồn trong ứng xử với các di sản đặc biệt này. Vẫn còn những bảo vật chịu cảnh “dãi nắng, dầm mưa” dẫn đến xuống cấp. Điển hình trong số này là cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh). Thậm chí, năm 2022, có người tự ý gắn “dị vật” lên bảo vật quốc gia này. Cách đây 4 năm, dư luận cũng hết sức bức xúc khi bức tranh “Vườn xuân Trung - Nam - Bắc” bị hư hỏng đến 30% do bất cẩn…

Không những vậy, câu chuyện ứng xử với bảo vật quốc gia tại nhiều địa phương cũng đang trong tình trạng “mỗi nơi một kiểu”. Theo nhiều chuyên gia bảo tàng, cho đến nay những tiêu chí quy chuẩn để làm cơ sở triển khai tại các bảo tàng vẫn còn thiếu. Thực tế đó dẫn đến việc bảo vệ các bảo vật này diễn ra muôn hình vạn trạng. Trong đó, không ít bảo tàng đang lưu giữ bảo vật áp dụng biện pháp là cất giữ kỹ trong kho. Việc mang các bảo vật ra trưng bày giới thiệu tới công chúng hiện vẫn là một quy trình. Minh chứng rõ nhất là Bắc Ninh hiện có 18 bảo vật quốc gia (mới đây nhất là “Mộc bản chùa Dâu”), nhưng hơn 10 năm nay Bảo tàng của tỉnh vẫn chưa tổ chức được một buổi trưng bày cố định để giới thiệu với công chúng.

Cần phát huy giá trị

Có thể nói, để các bảo vật quốc gia trường tồn với thời gian, lan tỏa giá trị đến công chúng, các đơn vị, cá nhân phụ trách quản lý, hoặc sở hữu hiện vật cần xây dựng kế hoạch bảo quản, khai thác, phát huy giá trị ngay từ khi xây dựng hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia.

Hiện nay có nghịch lý các bảo vật quốc gia trong tay các nhà sưu tập tư nhân lại được bảo vệ, bảo quản và phát huy tốt hơn so với một số đơn vị của nhà nước. Trong khi thực tế, tiềm lực của một địa phương rõ ràng lớn hơn nhiều so với một cá nhân.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng, chúng ta hãy thấy tự ái một chút, để thấy rằng vì sao bảo vật quốc gia được Nhà nước bảo vệ phát huy lại kém các bảo tàng tư nhân, ngay ở khâu chuyên môn cũng như vậy. Đây cũng là thông điệp cần gửi đến lãnh đạo các địa phương, nơi sở hữu những bảo vật quốc gia vô giá.

PGS.TS Đặng Văn Bài cũng bày tỏ, với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa của bảo vật quốc gia, nếu không bảo quản, khai thác hợp lý, thì chúng ta đang có lỗi với cả quá khứ và tương lai.

TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng chia sẻ thêm, việc quan tâm tới những sưu tập tư nhân - cánh tay nối dài của ngành di sản để lưu giữ, bảo tồn cổ vật chưa đúng mức, cho nên đến nay chưa có hiện vật thuộc sưu tập tư nhân nào được công nhận là bảo vật quốc gia, trong khi không ít địa phương lại đề cử những hiện vật chưa đủ tiêu chí.

Thực tế cho thấy, câu chuyện ứng xử với bảo vật quốc gia vẫn còn là một hành trình. Các bảo vật quốc gia sẽ không thể phát huy đầy đủ giá trị nếu chỉ nằm mãi trong kho, không được ai biết tới. Chọn cách ứng xử phù hợp, đưa bảo vật quốc gia tới cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị hiện là mong muốn của những người đang làm công tác di sản.

PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, các địa phương cần chủ động nhiều hơn, không thể cứ tiếp tục chờ đợi... Cụ thể, nếu có vướng mắc trong bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia thì có thể trực tiếp xin ý kiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa để được hỗ trợ, tìm giải pháp tháo gỡ.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/danh-thuc-bao-vat-quoc-gia-10287032.html