'Đánh thức' Cao Bằng
Cao Bằng có phong cảnh non nước hữu tình với hệ thống sông suối dày, núi đồi trùng điệp xen thung lũng sâu. Địa hình phức tạp đã tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái đặc thù giúp cho Cao Bằng có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, tâm linh tới nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm... Có thể khẳng định, sức hấp dẫn của mảnh đất vùng biên này không thua kém bất cứ địa phương nào, thế nhưng doanh thu từ du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, dù mức tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước.
Trước tiên nói về lợi thế, Cao Bằng có cả yếu tố “thiên thời”, “địa lợi” lẫn “nhân hòa”. Địa hình phong phú và đa dạng đã tạo cho Cao Bằng cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, sông nước hữu tình, khí hậu mát mẻ quanh năm. Tiềm năng phát triển du lịch của Cao Bằng là rất lớn với rất nhiều địa danh thiên nhiên tuyệt đẹp, có thể kể đến thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, Vườn Quốc gia Phja Oắc – Pha Đén, thung lũng Phong Nậm, núi Thủng... – những địa danh mà bất cứ du khách nào đặt chân đến cũng có cảm giác choáng ngợp, thích thú. Cao Bằng còn có hệ thống các di tích lịch sử như hang Cốc Pó, suối Lê Nin, núi Các Mác - nơi Bác Hồ sống, làm việc và xây dựng căn cứ cách mạng ngay sau khi người trở về từ Trung Quốc năm 1940; khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; núi Báo Đông nơi Bác Hồ quan sát, chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê mở màn Chiến dịch Biên giới 1950...
Ngoài ra, Cao Bằng còn có các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như: Thành Nhà Mạc, đền Vua Lê, miếu Quan Đế, miếu Long Vương... Theo thống kê, Cao Bằng có hơn 200 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 khu di tích đặc biệt cấp quốc gia.
Tiềm năng du lịch của Cao Bằng còn nằm ở nền văn hóa đa sắc màu đến từ hơn 11 dân tộc anh em sinh sống ở đây như Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa, Lô Lô, Sán Chay... với truyền thống văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng đa dạng và vô cùng độc đáo. Cao Bằng còn có 4 cửa khẩu rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch qua biên giới, từ thị trường đầy tiềm năng Trung Quốc.
Như đã nói, cấu tạo địa chất đặc biệt đã giúp cho Cao Bằng có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mang trong mình những dấu tích lịch sử 500 triệu năm của trái đất với các hóa thạch, trầm tích biển, khoáng sản... đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, hang động tuyệt đẹp. Chính bởi cấu tạo địa chất độc đáo đó, tháng 4-2018, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận Công viên địa chất non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu. Sự kiện này được coi như một cú huých đối với ngành du lịch của Cao Bằng.
Hiện nay, Cao Bằng đã đưa vào khai thác 3 tuyến du lịch trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng gồm: Tuyến Du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc – vùng núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình); tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng); tuyến Du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ xở thần tiên” (gồm 4 huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang).
Với tiềm năng lớn, du lịch đang dần được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn của Cao Bằng. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã từng định hướng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Cao Bằng, ngày 25-11-2018: “Mô hình du lịch của Cao Bằng phải là sự cộng hưởng, tương tác chiến lược các giá trị văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực”,... để tạo ra ngành du lịch đa dạng, phong phú, có bản sắc để khách du lịch “một lần đi, nhiều lần nhớ” đến Cao Bằng”.
Điểm lại mức tăng trưởng của ngành du lịch Cao Bằng trong vài năm gần đây, có thể thấy rõ, vùng biên này đang được “đánh thức”. Năm 2016, Cao Bằng đón hơn 740.000 lượt khách. Doanh thu từ du lịch đạt gần 147 tỷ đồng, tăng trưởng du lịch đạt 27%. Đến năm 2017, số khách đến Cao Bằng tăng lên gần 1 triệu lượt. Doanh thu đạt gần 190 tỉ đồng, tăng trưởng du lịch đạt 29%. Thu nhập xã hội từ du lịch ở mức hơn 416 tỉ đồng. Năm 2018, số lượng khách du lịch đến với Cao Bằng tăng đột biến với hơn 1,2 triệu người, tăng trưởng du lịch đạt 42%. Tổng thu từ du lịch là 363,3 tỉ đồng, tăng 92% so với năm 2017. Số khách đến Cao Bằng tiếp tục tăng vào năm 2019, với hơn 1,45 triệu khách, tăng 17,8% so với năm 2018. Doanh thu từ du lịch đạt trên 450 tỉ đồng. Ngành du lịch tạo việc làm cho gần 5.000 lao động trực tiếp và 10.000 lao động gián tiếp.
Có thể thấy, du lịch Cao Bằng đã có bước phát triển mới, tuy nhiên, kết quả so với tiềm năng còn khá khiêm tốn. Điểm yếu và cũng là rào cản của du lịch Cao Bằng là cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ còn yếu kém. Hiện, toàn tỉnh Cao Bằng mới có gần 20 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 sao đến 3 sao; trên 230 khách sạn, nhà nghỉ, homestay. Trong khi đó, hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. So với các địa phương khác, sản phẩm du lịch của Cao Bằng vẫn còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các đối tượng du khách. Để tăng cường được năng lực cạnh tranh, còn rất nhiều việc mà ngành du lịch Cao Bằng cần phải làm, đó là quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch dựa trên đặc trưng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên để có thể phục vụ nhu cầu đa dạng của các đối tượng du khách. Bên cạnh đó, Cao Bằng cũng cần đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ du lịch.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-thuc-cao-bang-post433145.html