Đánh thức Ché Lầu

Bản Ché Lầu thuộc xã biên giới Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) nằm sâu trong lòng dãy Pha Luông hùng vĩ. 'Sợi dây' duy nhất kết nối đồng bào ở đây với bên ngoài là con đường đất nhỏ lầy lội nằm vắt vẻo chạy dưới tán rừng nguyên sinh. Nếu như thời gian trước đây Ché Lầu sống trong đói nghèo, lạc hậu thì nay mảnh đất này đang dần thay đổi bởi những người trẻ đầy tâm huyết.

Bản Ché Lầu nhìn từ trên cao.

Bản Ché Lầu nhìn từ trên cao.

Câu chuyện của anh Thao Văn Dính

Tôi theo xe của cán bộ văn hóa xã Na Mèo – anh Thao Văn Dính vào Ché Lầu một ngày cuối tháng 2 - thời điểm dãy Pha Luông còn chìm trong màn mưa bụi mờ ảo. Đường vào Ché Lầu chẳng thay đổi so với 10 năm về trước. Vẫn những con dốc dựng đứng, những khúc cua tay áo lầy lội, trơn trượt đầy thách thức lữ khách. Dưới tán rừng già, vài người dân lúp xúp trong bộ quần áo mưa lặng lẽ cưa vầu, pha nan, tiếng cưa tay vọng lại giữa thâm u tĩnh lặng. Có lẽ cái nghèo, cái khó vẫn còn đeo bám nơi đây. “Ngồi chắc nhé, xe dễ xoay ngang khi xuống dốc lắm đấy” - anh Dính ngoái đầu về phía sau dặn. Giọng của anh chìm vào tiếng pô xe máy đang ậm ạch bắt đầu vượt con dốc đầu tiên.

Phải hơn 2 tiếng ngồi sau yên xe trong tư thế 2 tay bấu chặt vào lưng quần anh Dính, xe mới dừng lại để nghỉ lấy sức cho quãng đường còn lại. Anh Dính bảo chỉ còn khoảng 2 quăng dao nữa là đến Ché Lầu nhưng đường đất miền đồng rừng mùa này lầy lội, khó đi. Dừng chân, anh Dính bắt đầu kể cho tôi nghe về đời sống của bà con đồng bào người Mông. Bản người Ché Lầu với 64 hộ gia đình, hơn 300 nhân khẩu đang sinh sống. Lên 10 tuổi, anh cùng nhiều gia đình khác trong dòng tộc di cư từ Pù Nhi (huyện Mường Lát) sang đây mưu sinh và hình thành nên 3 bản người Mông ở Quan Sơn là Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) và Ché Lầu (xã Na Mèo).

Những tưởng rời đất cũ sang đây, đời sống sẽ khấm khá hơn, nào ngờ. Vì nằm sâu trong lõi rừng già, kinh tế của bà con chủ yếu vẫn bám víu vào rừng. Phát nương, đốt rẫy, bẫy thú rừng, lấy măng... Dù cho anh và nhiều người khác có mặt trên nương từ lúc còn mờ đất đến tối mịt mới trở về nhà thì đói vẫn hoàn đói. Lương thực từ những nương lúa cằn cỗi chỉ đủ ăn cho khoảng 6 tháng trong năm, còn lại là nhờ vào sự cứu trợ của nhà nước, nhất là vào những dịp giáp hạt. Đám đàn ông trong bản tìm đến rượu dù trong nhà đang hết gạo. Mọi khổ lụy đổ vào người phụ nữ. Không chỉ có vậy, các hủ tục lạc hậu như ma chay, cưới hỏi và hôn nhân cận huyết làm cho người đời sống của người Mông ở Ché Lầu cứ lụi dần. “Những ngày ấy chưa xa đâu”, anh Dính cho biết.

Con em dân bản Ché Lầu đã được đến trường.

Con em dân bản Ché Lầu đã được đến trường.

Đổi thay từ nếp nghĩ

Là một trong số ít ỏi con em của Ché Lầu được ăn học đến nơi đến chốn, anh Thao Văn Dính đã vượt ra khỏi những con dốc thăm thẳm, tiếp cận với khoa học hiện đại, làm cán bộ. Anh Dính nhận thức được những hủ tục trong việc tổ chức tang ma, với việc giết mổ nhiều trâu, bò; người chết không được bỏ vào quan tài mà để lâu ngày trong nhà... không chỉ khiến đời sống bà con mãi đói nghèo lạc hậu, mà còn khiến môi trường, sức khỏe cũng bị đe dọa. Nhưng làm gì để thay đổi nếp nghĩ của bà con đã ăn sâu, bám rễ từ ngàn đời nay rồi thì vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp cụ thể. Phải nói để chính người trong gia đình, dòng tộc và rộng hơn là dân bản hiểu. Nói một lần không được thì nói nhiều lần. “Mưa dầm thấm lâu”, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con xóa bỏ hủ tục, xây dựng cuộc sống ấm no, bản làng văn minh. Rồi anh đã trở thành một tấm gương để tuyên truyền cho người dân biết, hiểu và làm theo.

Thông thạo từng nóc nhà, từng người lớn bé, thuộc mọi nét văn hóa của cộng đồng mình, anh Thao Văn Dính cùng cán bộ cơ sở, trưởng bản từng bước thuyết phục họ cùng tham gia vận động xóa bỏ hủ tục. Vào tháng 5/2018, khi cháu họ của anh là Thao Trọng Văn mất. Dính đã ngay lập tức xin phép Đảng ủy xã liên lạc với anh em trong dòng họ và cán bộ cơ sở để bàn bạc cùng thống nhất lo tang ma cho cháu theo nếp sống mới.

Anh Thao Văn Dính (bên phải) - người tiên phong làm thay đổi nếp suy nghĩ của bà con người Mông tại Ché Lầu.

Anh Thao Văn Dính (bên phải) - người tiên phong làm thay đổi nếp suy nghĩ của bà con người Mông tại Ché Lầu.

Về đến bản anh Dính đã thấy anh em dòng họ và bà con dân bản đang chuẩn bị cáng tre treo thi thể cháu lên vách nhà theo tục lệ để làm lễ cúng ma. “Thấy vậy, tôi đã yêu cầu mọi người dừng lại, rồi vận động, thuyết phục họ đóng quan tài để khâm liệm thi thể”, anh kể. Anh Dính chưa trình bày hết việc làm tang ma theo nếp sống mới, nhiều người trong họ hàng đã xôn xao: “Tục lệ của người Mông ta bao đời nay, không làm khác được đâu, rồi con ma của người chết nó sẽ quay lại gieo tai ương cho cả họ”. Dù vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình, dòng họ nhưng anh và một số cán bộ xã vẫn kiên trì giải thích. Cuối cùng gia đình đã đồng ý, đám tang khi đó được tổ chức gọn nhẹ dưới sự chứng kiến của người dân trong bản. “Thấy có lợi nên dân bản nghe theo”, anh Dính nói.

Xóa bỏ được hủ tục tang ma khiến uy tín của cán bộ Dính ngày một cao, người dân ngày càng tin tưởng anh. Cùng với y tá bản, các thầy, cô giáo đang cắm trong bản đưa con em đến điểm trường được triển khai. Mọi người chia nhau tới tận nhà động viên, giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí để cho con em tới lớp. 100% các cháu đến tuổi mẫu giáo được đi lớp mầm non, học xong tiểu học thì đi học bán trú. Có kiến thức, các em chính là tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả để người trong nhà có chuyển biến, thực hiện ăn uống hợp vệ sinh, đau ốm đi khám bệnh ở trạm xá, bệnh viện. Loại trừ bói toán, mê tín, chữa bệnh bằng cúng bái…

Cũng từ đây, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết từng bước được xóa bỏ. Anh Thao Văn Lâu - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Ché Lầu cho biết: “Nhờ Thao Văn Dính được ăn được học mà bản dẹp được nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đấy. Bây giờ trong đám cưới của lớp trẻ, các thủ tục đã đơn giản hơn rất nhiều. Tìm hiểu, yêu nhau rồi mới đến kết hôn. Không còn tục “bắt vợ” nữa đâu. Khi tổ chức đám cưới thì đơn giản, gọn nhẹ trong ngày chứ không tổ chức dài ngày với nhiều nghi lễ rườm rà như trước đây”.

Ché Lầu nay đã khác rồi. Các thế hệ thanh niên gần đây đã được đi học, được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật và mang trong mình một tư duy đổi mới. Họ dám bước qua những cũ kỹ lạc hậu, vượt qua những con dốc hun hút để trở thành công nhân tại nhiều khu công nghiệp ở các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Dương, Bắc Ninh… hoặc xa hơn là đi xuất khẩu lao động tại các nước châu Á, Trung Đông…

“Không lâu nữa đâu, một con đường bê tông với những chiếc cầu xuyên rừng, ô tô có thể chạy vào bản đang dần hình thành. Những hủ tục lạc hậu sẽ dần được dẹp bỏ, nhường chỗ cho nếp sống văn minh, hiện đại. Cộng đồng người Mông ở Ché Lầu sẽ đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội nơi phên dậu xứ Thanh”- anh Thao Văn Dính nói với tôi giọng đầy tin tưởng.

NGUYỄN CHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/danh-thuc-che-lau-5710770.html