Đánh thức di sản

Di sản văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú. Tuy nhiên, hiện nay nhiều di sản đã và đang đứng trước nguy cơ mai một, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp…

Ninh Bình - vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa. Ảnh: Quang Vinh.

Ninh Bình - vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa. Ảnh: Quang Vinh.

Khai thác hiệu quả giá trị danh hiệu

Theo Cục Di sản văn hóa (DSVH) (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), qua kiểm kê của các địa phương trên cả nước, hiện có khoảng 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố trên khắp các vùng miền trong cả nước, đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật DSVH.

Trong đó, có 8 DSVH và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 3.614 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh. Cùng với kho tàng DSVH vật thể, đất nước ta còn có một kho tàng DSVH phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về trữ lượng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Đến nay, đã có khoảng 70.000 DSVH phi vật thể được kiểm kê trên địa bàn cả nước, trong đó có 498 DSVH phi vật thể được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, 15 DSVH phi vật thể được UNESCO ghi danh tại các Danh mục DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại và DSVH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. UNESCO cũng đã ghi danh 9 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới.

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục DSVH nhận định, nhiều di sản khi được xếp hạng hay ghi danh và được đầu tư bảo vệ, phát huy đã trở thành địa chỉ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Điển hình như Quần thể di tích Cố đô Huế và vịnh Hạ Long từ khi được ghi danh đã thu hút hàng triệu khách tới tham quan nghiên cứu. Hay Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019, sau 5 năm UNESCO ghi danh, con số lên 6,5 triệu lượt khách.

Với khu phố cổ Hội An, từ gần 879.000 lượt khách năm 2006, tăng lên 2,5 triệu lượt, năm 2019. Điều quan trọng, so với GDP toàn thành phố, nguồn khách và nguồn thu từ các dịch vụ chiếm tới 70%.

Các danh hiệu UNESCO đã góp phần hình thành thương hiệu cho mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh.

“Rõ ràng DSVH đã và đang trở thành nguồn lực xã hội, không chỉ với những DSVH thế giới, mà với cả dọc dài miền Trung gió cát, nay đã trở thành “con đường di sản”, chạy suốt từ Bắc Trung Bộ xuống Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” - PGS.TS Lê Thị Thu Hiền chia sẻ.

Đầu tư xứng tầm

Thành tựu của ngành di sản thông qua những con số nêu trên là không thể phủ nhận. Thế nhưng, trên thực tế, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, hiện nay việc quy hoạch mới chỉ dừng lại ở di tích, chưa quan tâm tới thực tiễn phát triển vùng miền, chưa quan tâm tới đời sống cộng đồng, thiếu đi sự phát triển bền vững.

Dẫn chứng từ địa phương, Ths Nguyễn Thị Lương - Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An thông tin, ngoài các di tích trọng điểm, tại các di tích còn lại, phần lớn chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất. Trong khuôn viên di tích, cơ bản thiếu các công trình phụ trợ. Một số di tích nằm ở vị trí sâu hoặc ở lưng chừng núi, đường vào rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa. Hệ thống quán ăn, nhà nghỉ xung quanh nhiều di tích, nhất là di tích ở nông thôn và miền núi cũng thưa thớt, tạm bợ. Có nơi du khách đến tham quan di tích nhưng phải quay trở lại mấy chục cây số mới có nhà nghỉ, khách sạn.

Còn theo TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chính sách đầu tư cho văn hóa nói chung, DSVH nói riêng còn hạn chế so với những lĩnh vực khác. Đầu tư cho nghiên cứu, đào tạo, cho tu bổ di tích, cho bảo quản hiện vật… từ nguồn ngân sách nhà nước đã thấp, nhưng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, lại chủ yếu được ưu tiên cho những công trình mới.

Có lẽ vì thế, hiện nay tại Thừa Thiên Huế, quỹ bảo tồn di sản Huế do Chính phủ thành lập và giao cho địa phương quản lý, nhằm huy động nguồn lực để trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rất cao. Tháng 6/2024 Thừa Thiên Huế đã tổ chức khánh thành dự án tu bổ lăng hoàng hậu Từ Dũ hoàn toàn từ nguồn quỹ này.

Ông Quân cũng cho rằng, không thể phủ nhận những công trình mới, trong đó, nhiều công trình đem lại hiệu quả cho xã hội, cho cộng đồng, nhưng để cho những chùa chiền, đền miếu cổ xuống cấp là một vấn đề còn tồn tại của nhiều địa phương mà chúng ta cần phải có giải pháp giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Và cách huy động nguồn lực để tu bổ lăng Hoàng hậu Từ Dũ của Thừa Thiên Huế cần được tiếp tục lan tỏa tại các địa phương có di sản. Tuy nhiên, để làm được việc này, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cần phải có thêm những quy định cụ thể, chặt chẽ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ bảo tồn DSVH. Ví như việc sử dụng, tổ chức, quản lý, điều hành, phân phối quỹ cần cụ thể hóa bằng những quy định chi tiết nhằm đảm bảo sự minh bạch, khách quan, tạo niềm tin cho nhà đầu tư cũng như có hình thức tôn vinh phù hợp.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/danh-thuc-di-san-10286537.html