Đánh thức di sản trong lòng TP HCM
TP HCM là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo với không gian kiến trúc đặc biệt. Thời gian qua, nhiều di sản đã được 'đánh thức' tạo nên vẻ đẹp đặc trưng và mang đến giá trị kinh tế cho thành phố.
1. Năm 2023, trụ sở HĐND - UBND TP HCM (Số 86 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1) đã được đưa vào chương trình du lịch của thành phố, để khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đã tồn tại hơn 100 năm.
Trụ sở HĐND - UBND thành phố là một trong những công trình kiến trúc cổ ở TP HCM được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1909. Năm 2020, tòa nhà được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia thể loại Di tích kiến trúc nghệ thuật. Trước năm 1975, tòa nhà được gọi là tòa đô chánh Sài Gòn. Từ 30/4/1975 đến nay là nơi làm việc của chính quyền TP HCM.
Trụ sở HĐND - UBND thành phố là một công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc, nghệ thuật trang trí vào đầu thế kỷ 20 với thiết kế mặt ngoài công trình kết hợp nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc phục hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau...
Bên trong tòa nhà được trang trí đa dạng và cầu kỳ bởi sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa, hầu hết các tường và trần được trang trí với những bó hoa hay vòng hoa, lá cọ, cành nguyệt quế, ruy băng...; viền trần nhà được trang trí hoa văn kỷ hà, phù điêu hoa lá, hồi văn dây lá... theo phong cách thời Louis XV.
Trãi qua hơn 115 năm tồn tại, tòa nhà vẫn được bảo tồn nguyên nét ban đầu, tuy bên trong có vài cải tạo, thay đổi nhỏ nhưng không làm thay đổi về mặt tổng thể của tòa nhà.
Hiện TP HCM có khoảng 15 di tích trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước như: Dinh Thống Nhất, Ðịa đạo Củ Chi, Căn cứ Chiến khu Rừng Sác, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố… Trong đó, chương trình tham quan trụ sở HĐND - UBND thành phố được người dân, du khách đánh giá cao.
Sau khi được triển khai, chương trình tham quan đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Nhiều du khách cũng không quên để lại vài dòng chữ bày tỏ niềm vinh dự khi được đến tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
“Tôi cảm thấy vinh dự vì đã được đặt chân đến UBND TP HCM, nơi có kiến trúc độc đáo và hết sức cổ kính, là nơi trang trọng, một chứng nhân lịch sử của thành phố. Chuyến tham quan vô cùng ý nghĩa vì đã cho tôi hiểu được lịch sử của thành phố, từ những ngày sơ khai và sau này dần phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam”; “Là một người con Sài Gòn, thật xúc động và tự hào khi được tham quan và nghe giới thiệu về UBND TP HCM, được biết về lịch sử, về con người thành phố. Rất vui khi nhìn thấy thành phố phát triển từng ngày”...
2. Tháng 8/2023, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã chính thức thành lập với mục đích gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống đấu tranh anh hùng cách mạng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định và lực lượng vũ trang TP HCM.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định nằm tại một căn nhà ba tầng xây dựng vào năm 1963 tại số 145 Trần Quang Khải, quận 1. Trong thời chiến, địa điểm này là nơi thực hiện các nhiệm vụ bí mật của Biệt động Sài Gòn như: hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu, cung cấp tiền vàng ra chiến khu.
Lối lên bảo tàng bằng một thang máy cổ có từ khi căn nhà được xây dựng. Cửa thang máy làm bằng sắt với hoa văn tinh xảo, thùng gỗ, khắc nhiều họa tiết.
Hiện bảo tàng lưu giữ khoảng 300 hiện vật về quá trình hình thành, phát triển của lực lượng biệt động như: bộ sưu tập các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; bộ sưu tập những chiếc xe các chiến sĩ biệt động đã sử dụng; bộ sưu tập vũ khí; bộ sưu tập vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn... Đi kèm là hình ảnh của một số cuộc tập kích vào đối phương của lực lượng biệt động Sài Gòn.
TP HCM hiện có hơn 180 di tích đã xếp hạng gồm nhiều loại hình: Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, di tích khảo cổ. Trong 5 năm qua, thành phố, các quận, huyện, các tổ chức xã hội và người dân đã tu bổ hơn 50 di tích.
Việc phát huy giá trị di tích lịch sử là hoạt động cực kỳ có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của các thế hệ đi trước để thế hệ hôm nay, mai sau noi theo và phát huy.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/danh-thuc-di-san-trong-long-tp-hcm-711823.html