Đánh thức du lịch phố cổ
Không gian phố cổ Hà Nội không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô mà còn chứa đựng những tiềm năng về du lịch. Làm sao để khai thác du lịch xứng tầm luôn là câu hỏi được đặt ra.
Nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội bao gồm 78 tuyến phố với 121 công trình, di tích đền, chùa, miếu và nhiều công trình nhà ở có giá trị, trong đó có hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Không thể phủ nhận khu phố cổ Hà Nội có thế ví là “bảo tàng về lối sống đô thị cổ” của Việt Nam.
Tuy nhiên, dù có rất nhiều lợi thế nhưng việc kết nối thành tour, tuyến du lịch ở khu vực này đến nay vẫn chưa thực sự được triển khai một cách chuyên nghiệp. Khu phố cổ Hà Nội hiện nay vẫn còn thiếu các cơ sở dịch vụ đăng ký hệ thống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch để giới thiệu với du khách.
Đáng lưu ý, khi sử dụng các công cụ tìm kiếm trên internet, nếu gõ “Phố cổ Hà Nội”, xuất hiện lên đầu sẽ là các trang quảng bá du lịch chứ không phải là các trang hướng dẫn du khách tìm hiểu về giá trị văn hóa của phố cổ. Sự giới thiệu cũng chỉ có 5 địa điểm là Hồ Gươm, Chợ Đồng Xuân, Mã Mây, Ô Quan Chưởng, đền Bạch Mã, gần đây thêm phố đi bộ gầm cầu Phùng Hưng. Chỉ như vậy có lẽ sẽ làm hiểu lệch đi giá trị văn hóa lịch sử của phố cổ. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là đặc điểm hàng phố đặc trưng của phố cổ đang khó quản lý, các phố Hàng Dầu, Hàng Chiếu hay Hàng Ngang, Hàng Đào… dần mất đi đặc trưng của từng con phố bán riêng một loại hàng hóa. Thay dần vào đó là các tòa nhà khách sạn, đồ lưu niệm na ná như nhau.
Cùng với đó, vấn đề quản lý trật tự đô thị, đối tượng xấu lừa đảo, chèo kéo, “chặt chém” du khách, quản lý vỉa hè cho khách bộ hành, điểm dừng đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, vệ sinh môi trường đường phố, quản lý rác thải, an toàn thực phẩm... cần được tăng cường để đảm bảo thông điệp hình ảnh an toàn, thân thiện tới du khách. Chưa kể, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch đó là vỉa hè, sân chơi nhiều năm qua vẫn đang là “bài toán” cho các cơ quan quản lý.
Theo PGS.TS Lương Tú Quyên - Đại học Kiến trúc Hà Nội, nằm ở vị trí “đất vàng” tại khu vực trung tâm thành phố nên sức ép, sự quá tải về hạ tầng của quá trình đô thị hóa lên khu phố cổ cao hơn bất cứ nơi nào. Sự biến đổi nhanh chóng và đáng lo ngại của các công trình di tích trên các tuyến phố trung tâm sẽ ngày càng khó kiểm soát. Không gian kiến trúc cảnh quan các tuyến phố bị phá vỡ về tỷ lệ, đứt đoạn không liên tục, hình thái kiến trúc đặc trưng dần bị mai một là những thách thức lớn đối với khu phố cổ.
Với thực tế trên dù có rất nhiều phương án phát triển và bảo tồn cho khu phố cổ Hà Nội nhưng dường như câu nói “khổ như ở phố cổ” vẫn đang “đeo đuổi” người dân sinh sống tại đây. Chính nguyên nhân này dẫn đến việc phát triển du lịch chưa thực sự được phát huy hiệu quả.
Theo nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, chẳng cần phải đi đâu xa, phố cổ Hà Nội nên học theo cách làm của Hội An. Từ một khu phố nhỏ gọi là “Thành phố dưỡng già” nhưng kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội An bỗng nhanh chóng trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của quốc gia và quốc tế. Ở đó, không chỉ có sự quy hoạch đồng bộ Hội An đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, các khu chợ đêm… gắn liền với nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống. Đặc biệt, chính người dân sinh sống tại đây được hưởng lợi và tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng qua đó đã tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội: Muốn phát triển du lịch phố cổ Hà Nội cần phải có những hướng đi “đúng” và “trúng”. Ở đó, cần tiếp tục quan tâm có kế hoạch tổ chức và duy trì thường xuyên, định kỳ có chọn lọc các hoạt động văn hóa, du lịch phù hợp diễn ra trong di sản, làm cho di sản phố cổ luôn có hoạt động sống. Yêu cầu là các sự kiện phải đảm bảo gìn giữ cảnh quan và hiện trạng của di sản; các hoạt động phù hợp với không gian đặc thù của di tích; có sự phối hợp với việc giới thiệu các giá trị của di sản. Tổ chức nhiều các hoạt động, sự kiện, không gian văn hóa, thương mại, du lịch... để tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách.
“Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được xây dựng do đó cần sớm hoàn thiện để triển khai thí điểm trong thời gian tới, bổ sung các sản phẩm du lịch về đêm phục vụ du khách trải nghiệm tại di sản”, ông Trần Trung Hiếu nói.
Một trong những thách thức lớn nhất của bảo tồn khu phố cổ Hà Nội hiện nay là việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của xã hội. Giữa bảo tồn các giá trị truyền thống với lợi nhuận kinh tế, yêu cầu tiện nghi của cuộc sống hiện đại là những mâu thuẫn khó có thể dung hòa qua các thời kỳ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/danh-thuc-du-lich-pho-co-520203.html