Đánh thức giấc mơ 'ngủ đông' điện hạt nhân: Bài 5 - Xây dựng nguồn nhân lực tự chủ - cách nào?

Để đánh thức giấc mơ điện hạt nhân, việc đào tạo nguồn nhân lực vẫn là vấn đề hàng đầu. Các chuyên gia khuyến nghị gì?

Xu thế tất yếu đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Ngày 5/12 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khảo sát địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và yêu cầu chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án điện hạt nhân. Trước đó một ngày, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Chính phủ cũng đã xem xét đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Có thể nói, Việt Nam đã bước qua được những e dè trước đó và thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong báo cáo trước Tổng Bí thư và trả lời các ý kiến của tỉnh Ninh Thuận về lộ trình tái khởi động dự án điện hạt nhân cũng đề cập rất rõ vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.

Tổng Bí thư Tô Lâm quan sát vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: Nguyễn Cường

Tổng Bí thư Tô Lâm quan sát vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: Nguyễn Cường

Theo nghiên cứu của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), sự phát triển điện hạt nhân tại các quốc gia trên thế giới rất khác nhau. Trên cơ sở, bài học kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển như Mỹ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc..., Việt Nam cần tham khảo, học hỏi và thực hiện nghiên cứu chi tiết, vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của mình.

Trong đó, một bài học cần lưu ý là kết hợp vốn kiến thức và kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển với việc đảm bảo nguồn nhân lực trong nước có khả năng thực hiện thành công chương trình điện hạt nhân. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên nên theo hình thức chìa khóa trao tay và dần dần tăng cường vai trò của công nghiệp nội địa dưới dạng làm nhà thầu phụ cho nhà thầu chính nước ngoài, tiếp cận quá trình chuyển giao công nghệ.

Mặt khác, cần có chiến lược nhằm đảm bảo nguồn nhân lực và hệ thống đào tạo hạt nhân quốc gia Chiến lược phát triển nguồn nhân lực bao gồm ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, chiến lược ngắn hạn nhằm đảm bảo nhân lực ban đầu chất lượng cao cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo nhân lực cho cả chương trình hạt nhân quốc gia trong tương lai.

"Việc phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển các giai đoạn của dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam và cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của chương trình điện hạt nhân của Việt Nam. Trước đây, ngày 18/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Trong trường hợp có định hướng phát triển điện hạt nhân, cần thiết rà soát lại chương trình phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để đảm bảo đầy đủ nhân lực xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam" - Viện Năng lượng đánh giá.

Trong 7 giải pháp đề xuất, Viện Năng lượng đề cập vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ở vị trí thứ 4: "Về giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: Rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân. Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo về năng lượng hạt nhân đi đôi với đào tạo nâng cao".

Vườn ươm nhân lực điện hạt nhân thuần Việt

Với truyền thống lâu đời trong đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực năng lượng, Trường Đại học Điện lực là một trong 5 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ cho phép đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân. Nhà trường đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú, có thể áp dụng linh hoạt vào việc đào tạo ngành điện hạt nhân. Nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân và an toàn bức xạ. Đồng thời, sở hữu chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật hạt nhân theo quyết định số 221/QĐ- ĐHĐL ngày 9/2/2018 của Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, với chuyên ngành điện hạt nhân đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Trong các kỳ tuyển sinh năm 2014, ngành điện hạt nhân tại Trường Đại học Điện lực có mức điểm trúng tuyển là 19, nằm trong Top 3 ngành có mức điểm chuẩn cao nhất của trường. Thí sinh dự thi vào ngành này được đánh giá là có chất lượng tốt, đồng đều. Ngành điện hạt nhân "hút" sinh viên là do khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được nhận nhiều ưu đãi, học bổng giá trị. Đồng thời, các em có nhiều cơ hội để du học, hay tham gia các chương trình giao lưu đào tạo tại Nga, Nhật Bản…

Theo thống kê, từ năm 2011 đến năm 2021, Trường Đại học Điện lực đã đào tạo các thế hệ kỹ sư điện hạt nhân, đóng góp tích cực vào sự chuẩn bị cho dự án. Nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân từ khóa D5 (lớp D5DHN) đến D11 (lớp D11DHN) với khoảng gần 200 sinh viên. Tuy nhiên, do dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tạm dừng vào năm 2016 nên hoạt động đào tạo cũng tạm dừng.

Đại diện Khoa Năng lượng mới (Trường Đại học Điện lực) cho biết, nhà trường đã và đang chủ động thiết lập các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với những đơn vị đầu ngành về năng lượng nguyên tử như: Viện Khoa học và Công nghệ hạt nhân, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Trung tâm Đào tạo hạt nhân và Bệnh viện 108. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường thường xuyên mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này đến giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm.

Nền tảng hợp tác với nhiều cường quốc năng lượng hạt nhân

Với bề dày lịch sử đào tạo nhân lực cho các nhà máy điện trên cả nước, nhà trường đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú, có thể áp dụng linh hoạt vào việc đào tạo ngành điện hạt nhân. Nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại, đồng thời sở hữu chương trình đào tạo chuyên sâu và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực vật lý hạt nhân và năng lượng nguyên tử.

Bên cạnh đó, nhiều hệ thống trong nhà máy điện hạt nhân có cấu trúc tương tự các nhà máy nhiệt điện, giúp nhà trường tận dụng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm từ các ngành nhiệt điện, hệ thống điện, điều khiển tự động để giảng dạy các môn học liên quan. Nhà trường hiện có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho các ngành điện, nhiệt điện, thủy điện... có thể được tận dụng để đào tạo thực hành cho sinh viên ngành điện hạt nhân.

Dây chuyền sản xuất chất phóng xạ I-131 ở lò phản ứng Đà Lạt. Ảnh: Viện Nghiên cứu hạt nhân

Dây chuyền sản xuất chất phóng xạ I-131 ở lò phản ứng Đà Lạt. Ảnh: Viện Nghiên cứu hạt nhân

Một điểm lợi thế nữa, Trường Đại học Điện lực đã và đang duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế uy tín như Viện Nghiên cứu hạt nhân - Đại học Fukui (Nhật Bản), Đại học Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản), Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, Hitachi (Nhật Bản), Trường Đại học Năng lượng Moscow (Nga), Trường Đại học Saclay - Paris (Pháp)... Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, hiện tại, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị liên quan đến ngành kỹ thuật hạt nhân, cần nguồn vốn lớn hơn nhiều so với các ngành nghề khác. Ngoài ra, hiện nay, giáo trình và bài giảng còn nặng về lý thuyết, chủ yếu dạy nguyên lý, kỹ năng thực hành, năng lực ứng dụng còn rất hạn chế, đặc biệt là chưa được tiếp cận với công nghệ mới đang diễn ra ở các nước tiên tiến trên thế giới, đòi hỏi phải cập nhật chương trình đào tạo.

Trên cơ sở những lợi thế sẵn có, khắc phục khó khăn, Trường Đại học Điện lực cũng cam kết tiếp tục đào tạo ngành điện hạt nhân. Trong đó, chú trọng Chương trình luôn được cập nhật theo các nội dung đào tạo thịnh hành trên thế giới và đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực chất lượng cao cho dự án điện hạt nhân sắp tới.

Tiềm năng từ đội ngũ nhân lực điện hạt nhân Việt Nam

Để đảm bảo sự ổn định từ giai đoạn tái khởi động cho đến khi nhà máy điện hạt nhân đi vào vận hành, nguồn nhân lực phục vụ nhà máy là yếu tố mang tính chiến lược, đặc biệt quan trọng. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là yếu tố then chốt, quyết định thành công của chương trình điện hạt nhân quốc gia. Đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, yêu cầu về kỹ thuật và an toàn rất khắt khe, đòi hỏi một chiến lược dài hạn và toàn diện để xây dựng đội ngũ nhân lực có đủ năng lực đáp ứng mọi yêu cầu trong các giai đoạn phát triển nhà máy điện hạt nhân.

Thực tế, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử". Đây là bước đầu quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho chương trình điện hạt nhân. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc tái khởi động các dự án điện hạt nhân, Việt Nam cần rà soát và điều chỉnh Chương trình đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu thực tế dựa trên các hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển.

Chương trình đào tạo cần tập trung cho các chủ thể chính trong Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bao gồm: Chủ đầu tư/tổ chức vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và Cơ quan pháp quy hạt nhân để quản lý toàn bộ các hoạt động của dự án gồm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm và pháp quy, tổ chức phê duyệt địa điểm, thiết kế, cấp phép xây dựng, cấp phép vận hành và tổ chức hoạt động thanh tra trong các quá trình triển khai dự án. Đồng thời, xây dựng năng lực đào tạo cho các cơ sở trong nước để phục vụ việc triển khai các dự án tiếp theo trong chương trình điện hạt nhân dài hạn của quốc gia.

Về vấn đề nguồn nhân lực, PGS.TS Vương Hữu Tấn - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, người có nhiều ý kiến mang tính xây dựng, tích cực về lĩnh vực điện hạt nhân Việt Nam cho biết: "Không có một quốc gia nào phải đào tạo đủ đội ngũ cán bộ mới bắt đầu triển khai dự án điện hạt nhân".

PGS.TS Vương Hữu Tấn (người ngồi bên phải) trong buổi ký kết hợp tác với Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS.TS Vương Hữu Tấn (người ngồi bên phải) trong buổi ký kết hợp tác với Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vì vậy, để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng, Việt Nam không thể chỉ dựa vào nguồn lực trong nước mà cần mở rộng hợp tác quốc tế. Các chương trình hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các quốc gia có nền điện hạt nhân phát triển là cần thiết. Việc cử cán bộ, kỹ sư sang học tập và thực hành tại các trung tâm đào tạo và nhà máy điện hạt nhân của các nước có nền công nghiệp hạt nhân tiên tiến sẽ giúp chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn.

PGS.TS Vương Hữu Tấn thông tin, Việt Nam đã đào tạo hơn 300 người phục vụ cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thông qua các chương trình hợp tác với Nga và Nhật Bản trong khuôn khổ Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ông cũng khẳng định rằng, nước ta cũng đã đào tạo khá nhiều cán bộ cho Cơ quan pháp quy hạt nhân và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật thông qua hợp tác với IAEA, Liên minh châu Âu và các nước công nghiệp điện hạt nhân.

PGS. TS Đinh Văn Châu – Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực và Trần Lê An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dien-hat-nhan-xu-the-tat-yeu-va-chien-luoc-xay-dung-nguon-nhan-luc-thuan-viet-364089.html