Đánh thức Mê Linh

Quy hoạch xây dựng vùng được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên hàng đầu, có vai trò dẫn dắt sự phát triển của địa phương, tạo sự tăng trưởng đột phá cho huyện Mê Linh trong thời gian tới.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh sẽ dẫn dắt sự phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Hoàng Anh

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh sẽ dẫn dắt sự phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Hoàng Anh

Loay hoay bài toán phát triển

Chỉ còn một tháng nữa, huyện Mê Linh sẽ kỷ niệm 15 năm chính thức từ Vĩnh Phúc sáp nhập về Hà Nội. Sở hữu lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông kết nối, các khu đô thị và khu công nghiệp, song đáng tiếc là hơn chục năm qua, Mê Linh vẫn chìm trong “giấc ngủ đông".

Kinh tế, xã hội địa phương phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, hàng trăm dự án đầu tư "đắp chiếu", chậm triển khai do vướng mắc do các cơ chế, chính sách trong phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ và năng lực yếu kém của các chủ đầu tư.

Nguyên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, Mê Linh là một trong những huyện đầu tiên trong cả nước có quy hoạch trở thành thành phố vệ tinh, thành phố đối trọng của Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này vẫn chưa thực hiện được. Hạ tầng chậm phát triển và thiếu đồng bộ. Suốt một thời gian dài, Mê Linh loay hoay với bài toán phát triển.

Theo PGS. TS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Việt Nam, tiềm năng của Mê Linh trước hết là sở hữu vị trí chiến lược không địa phương nào có được ở phía Bắc của Hà Nội, khi ở ngay cạnh Sân bay Nội Bài, cạnh sông Hồng, trục không gian phát triển của Thủ đô.

Với vị trí đó, khả năng kết nối của Mê Linh là rất thuận tiện đến các địa phương khác. Về hạ tầng giao thông, trên địa bàn có đường Vành đai 3 (đường Võ Văn Kiệt) đi qua, từ Mê Linh đến sân bay Nội Bài chỉ khoảng 8km; có đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh gắn kết Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.

Hiện nay, huyện Mê Linh đang được thành phố quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn đi qua huyện như đường Vành đai 4 (dài 11,2 km) - cầu Hồng Hà; đường Vành đai 3,5 - cầu Thượng Cát; đường Tiền Phong - Tự Lập (mặt cắt 48m); đường cảng Chu Phan - Quốc Lộ 2; đường đê sông Hồng (dài 21 km). Bên cạnh đó là các tuyến cao tốc Nội Bài, Hà Nội - Côn Minh, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai... rất thuận tiện cho kết nối và phát triển.

Mê Linh cũng sở hữu tiềm năng phát triển lớn về cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nhưng chưa được khai thác đúng tiềm năng.

Tìm hướng đột phá

Trong bối cảnh kinh tế xã hội của huyện phát triển mạnh mẽ từng ngày, quy hoạch phát triển cũ là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn trong quá trình khai thác, tìm kiếm nguồn lực đối với huyện Mê Linh trên con đường phát triển.

Theo đó, với tầm nhìn đã xác định tại các quy hoạch trước đây, huyện Mê Linh được xây dựng thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái. Đến năm 2020, Mê Linh trở thành vùng phát triển của thành phố, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo các tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái. Phát triển đồng bộ công nghiệp đi đôi với dịch vụ phân phối; hình thành vùng sản xuất hoa, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông sản cao cấp.

Các nội dung này về cơ bản là phù hợp định hướng đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tuy nhiên theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, qua quá trình thực hiện theo định hướng phát triển không gian cụ thể hóa của quy hoạch chung xây dựng huyện thì Mê Linh đến nay không còn nhiều các cơ hội động lực phát triển vùng.

Mê Linh chưa đặt vấn đề khai thác hợp lý quỹ đất và không gian khu vực sông Hồng và bãi sông Hồng, khu vực phát triển phía Tây của Huyện (tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc). Tính chất nông nghiệp - hành lang xanh còn dàn trải.

Trước thực trạng này, tại Hội thảo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 do huyện Mê Linh phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh, việc hoàn thiện quy hoạch xây dựng vùng huyện sẽ giúp đưa ra được tầm nhìn, chiến lược và định hướng tạo phát triển đột phá cho huyện Mê Linh trong thời gian tới.

Theo ông Liêm, quy hoạch xây dựng vùng huyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng được ưu tiên hàng đầu, có vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực và định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngay sau khi UBND TP. HN ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo UBND huyện khẩn trương triển khai công tác lập quy hoạch.

Theo phương án quy hoạch vùng huyện, Mê Linh sẽ trở thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, định hướng phát triển kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững, làm tiền đề cho việc nâng cấp huyện lên thành quận (hoặc thành phố trực thuộc Thủ đô).

Bên cạnh đó, Mê Linh được xây dựng thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao. Đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của thành phố, có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.

Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế

Định hướng là phát triển đồng bộ công nghiệp đi đôi với dịch vụ phân phối, trung chuyển hàng hóa và trung tâm phân phối sản phẩm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô; hình thành vùng sản xuất hoa, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông sản cao cấp.

Ông Liêm nhấn mạnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện lần này là cơ hội để huyện Mê Linh nghiên cứu, tính toán các lợi thế cạnh tranh, lợi thế vùng, lấy trục Vành đai 4, sân bay quốc tế Nội Bài làm lợi thế để nghiên cứu quy hoạch huyện Mê Linh thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng, trung tâm tri thức và sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, logistics, du lịch, nghỉ dưỡng, y tế tầm cỡ trong nước và khu vực.

Theo phương án đề xuất quy hoạch vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, của Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội, Mê Linh được định hướng phát triển nhằm khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế của khu vực (về vị trí địa lý, quỹ đất, khả năng kết nối hạ tầng khung quốc gia, đường Vành đai 4, sông Hồng; nguồn nhân lực) trong vùng Thủ đô; hình thành điểm sáng về lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp phát triển hài hóa và bền vững giữa đô thị và nông thôn; bảo vệ môi trường tự nhiên, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Ba động lực phát triển của huyện được nhấn mạnh là công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp - du lịch và thương mại - dịch vụ. Phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại sẽ là là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện.

Với công nghiệp công nghệ cao, Mê Linh hình thành khu công nghệ cao, khu công nghiệp có tính chất đa ngành, thân thiện với môi trường, trung tâm chế biến nông sản cho đồng bằng sông Hồng. Bên cảnh đó là tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Với nông nghiệp - du lịch, Mê Linh sẽ đẩy mạnh phát triển các ứng dụng sinh học mối trong nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho toàn Thủ đô.

Với thương mại - dịch vụ, Mê Linh sẽ tận dụng nguồn lực sẵn có, đầu mối hạ tầng kỹ thuật thu hút được các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế tại phương; đầu tư xây dựng các công trình thương mại dịch vụ và trung tâm mua bán cấp vùng, tạo nguồn thu vào ngân sách địa phương.

Theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, với quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được hoàn thiện và đưa vào thực tiễn, đây sẽ là động lực rất lớn cho Mê Linh phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Cũng theo ông Cường, quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh cũng mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư đang muốn đầu tư vào khu vực này. Nếu như các khu vực khác của Hà Nội không còn nhiều đất trống để triển khai các dự án, quy hoạch mới, thì hiện Mê Linh còn rất nhiều quỹ đất trống.

Đây chính là cơ hội để quy hoạch có thể hiện thực hóa những ý tưởng mới, quy hoạch triển khai đồng bộ, toàn diện và cơ hội cho các nhà đầu tư, phát triển dự án trong tương lai.

Phương Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/danh-thuc-me-linh-1688113757920.htm