Đánh thức miền tây Thanh - Nghệ - Tĩnh

Bài 3: Sức sống mới bên đường Hồ Chí Minh(Tiếp theo và hết) (*)

Nông dân đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp tại vùng đất Phủ Quỳ (Nghệ An).

Nông dân đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp tại vùng đất Phủ Quỳ (Nghệ An).

Bài 3: Sức sống mới bên đường Hồ Chí Minh

(Tiếp theo và hết) (*)

Hòa nhập vào xu thế phát triển của đất nước, sau gần 20 năm đưa vào hoạt động, đường Hồ Chí Minh đã có những đóng góp tích cực, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế, xã hội các địa phương có tuyến đường đi qua, đồng thời mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nếu con đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa được núi non điệp trùng bao bọc, chở che trước bom đạn của kẻ thù thì đường Hồ Chí Minh hôm nay lại khoác lên mình một sức sống mới. Sức sống được dậy lên từ các đô thị trẻ xen lẫn những vùng sản xuất trù phú được dựng xây từ bàn tay, khối óc và niềm tin của nhân dân nơi đây. Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo Sơn Trung, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), cũng như bao thanh niên cùng trang lứa, sau khi lập gia đình, chị Trần Thị Tuyết dù bươn trải nhiều nghề để kiếm sống nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng thiếu đói. “Ruộng vườn manh mún, ngoài sản xuất nông nghiệp gia đình tôi còn phải vào rừng đốn củi, lúc thì buôn bán phế liệu nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Sống ở rừng rú, núi đồi bao quanh, không có giao thông, thành ra cái khó cứ bám riết gia đình tôi”. Chị Tuyết nhớ lại. Tưởng chừng cuộc sống cứ thế trôi qua thì năm 2000, một bước ngoặt cuộc đời đã đến với gia đình chị. Thấy đường Hồ Chí Minh đi qua địa phương sắp hoàn thành, chị Tuyết đã mạnh dạn vay mượn mua một mảnh đất bám mặt đường để bắt đầu cuộc sống mới. Đường Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, chị Tuyết mở hàng ăn, phục vụ khách qua đường; rồi làm đại lý thu mua hàng nông sản và phân phối vật tư phân bón. Khi đã tích góp được vốn liếng, thấy được nhu cầu về nhung hươu trên thị trường, gia đình chị Tuyết tiếp tục đầu tư vào nuôi hươu. Từ vài con ban đầu, đến nay, gia đình chị đã nuôi hơn 100 con; mỗi năm đàn hươu mang về cho gia đình chị khoảng 200 triệu đồng. Theo chị Tuyết, từ chỗ đói ăn, đứt bữa đến lúc khá giả với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm là một quá trình lăn lộn, phấn đấu lâu dài. Tuy vậy, phải khẳng định rằng, chính đường Hồ Chí Minh đã mở ra cơ hội kết nối, làm thay đổi cuộc sống cho gia đình chị. Theo Bí thư Huyện ủy Hương Sơn (Hà Tĩnh) Trần Văn Kỳ, không chỉ gia đình chị Trần Thị Tuyết ở xã Sơn Trung mà cuộc sống của hàng nghìn người dân trên địa bàn Hương Sơn đã thật sự vươn lên từ khi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua. Huyện Hương Sơn đang chuyển mình mạnh mẽ bởi các dự án dịch vụ, công nghiệp, du lịch với điểm tựa là hai trục đường chiến lược: đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 8A. Sự kết nối liên hoàn của hệ thống giao thông đã mở ra hướng đi mới để địa phương sắp xếp lại dân cư, đẩy nhanh đô thị hóa và tiếp cận với các đầu mối giao thông quan trọng khác.

Không chỉ Hương Sơn, Hương Khê… (Hà Tĩnh), đường Hồ Chí Minh thật sự mở ra cơ hội mới giúp các địa phương khu vực miền núi phía tây Thanh Hóa, Nghệ An đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội cũng như đổi mới, hội nhập. Đồng chí Lê Doãn Hợp, nguyên: Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Khi đường Hồ Chí Minh đi qua đã mở ra những cơ hội để đánh thức tiềm năng về nguồn đất trù phú và nhân lực miền tây Nghệ An. Với chính sách thông thoáng và cởi mở về giải phóng mặt bằng sạch, hỗ trợ về hạ tầng, chính sách về thuế… Nghệ An đã kêu gọi thành công nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và quốc tế về đầu tư ở miền tây Nghệ An như các tập đoàn: Tate&Lile (Vương quốc Anh), TH, Masan, Tổng công ty Cao-su Việt Nam… cùng với đó là sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh. Nhờ đó đã hút được nhiều tỷ USD đầu tư vào các nhà máy chế biến nông - lâm sản CNC gắn với phát triển vùng nguyên liệu miền tây Nghệ An.

Có dịp đi dọc đường Hồ Chí Minh mới thấy vùng đất đỏ ba-dan Nghĩa Đàn “thay da đổi thịt” với những vùng mía nguyên liệu xanh tít tắp, những đồng cỏ giống Mỹ cả nghìn héc-ta; ngô; hoa hướng dương vàng rộm. Những dàn xe, máy thu hoạch liên hoàn hiện đại chẳng khác gì ở Mỹ hay châu Âu. Khu vực Nông trường 19-5 ngày trước nay đã trở thành trung tâm bò sữa CNC lớn nhất Đông - Nam Á cùng với nhà máy chế biến sữa TH nổi tiếng. Tại Km số 0 đường Hồ Chí Minh - nơi xuất kích những chiếc xe tăng đầu tiên của bộ đội ta vào nam đánh giặc năm xưa nay đã thành thị trấn Lạt trù phú, khiến nhiều cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa đều ngỡ ngàng. Những Làng K8, K10 ở Tân Kỳ, nơi từng cưu mang đồng bào và các cháu nhỏ từ tuyến lửa Vĩnh Linh ra sơ tán chỉ bằng những ngọn rau khoai, củ sắn mà giờ đã trở thành những làng, xã nông thôn mới trù phú và đáng sống dọc theo đường Hồ Chí Minh.

Cảm nhận về sự đổi thay của quê hương, đồng chí Nguyễn Duy Thủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ nhớ lại, những năm chưa có đường Hồ Chí Minh, việc tiêu thụ các sản phẩm của địa phương gặp vô vàn khó khăn. Giao thông cách trở, một chuyến xe từ Tân Kỳ về Vinh có khi mất cả ngày trời. Đường xá gập ghềnh, một ô- tô chở ngói Cừa từ Tân Kỳ xuống đồng bằng có khi bị vỡ hay hư hỏng cả một phần xe. Cả huyện bạt ngàn sắn mà không tiêu thụ được, có khi sắn bốc mùi, phải vứt bỏ… Từ khi đường lớn được mở, và kết nối với các tuyến đường nội vùng khác, các địa phương đã nhanh chóng phát triển dịch vụ, thương mại gắn với phát triển hàng trăm mô hình kinh tế trang trại, gia trại kết hợp với trồng rừng sản xuất… góp phần đưa Tân Kỳ trở thành đầu mối kinh tế, giao thông, du lịch của tỉnh, là một trong những điểm hội tụ giao lưu văn hóa của khu vực miền tây xứ Nghệ.

Từ chỗ vắng vẻ, nay tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua miền tây các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh xem ra khá nhộn nhịp, nhiều thời điểm các đoàn xe chở nguyên liệu phục vụ các nhà máy sản xuất, xe công- ten-nơ chở hàng hóa xuất nhập cảnh, xe chở khách… nối đuôi nhau thành hàng dài. Tuyến đường này xem ra bắt đầu chật hẹp không chỉ có xe qua lại mà không gian hai bên đường đã dần trở thành thị tứ, các khu đô thị, khu công nghiệp, là những cửa hàng, khách sạn… với nhịp sống hối hả, đông vui. Từng được mệnh danh là vùng sâu, vùng xa của Nghệ An, nhờ có đường Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng cho thúc đẩy kinh tế, xã hội của miền tây xứ Nghệ có bước phát triển khá. Chỉ tính riêng giai đoạn 2014 - 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của miền tây Nghệ An bình quân đạt từ 8 - 9%.

Với 129,8 km đường Hồ Chí Minh chạy qua năm huyện miền núi Thanh Hóa, đã tạo điều kiện cho các địa phương này kết nối giao thương với Hòa Bình, Hà Nội và các tỉnh bắc miền trung. Từ khi đưa tuyến đường này vào khai thác đến nay, Thanh Hóa huy động được gần 6.460 tỷ đồng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp gần 417 km đường thuộc 11 tuyến giao thông kết nối với đường Hồ Chí Minh, trong đó có tuyến đường kết nối giữa Khu kinh tế Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh đã góp phần phát huy tính đồng bộ, hiệu quả của hệ thống giao thông xứ Thanh. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như đô thị hóa nhanh chóng các thị trấn miền núi như: Cẩm Thủy, Lam Sơn, Ngọc Lặc hay dần hình thành các khu đô thị mới dọc hai bên đường Hồ Chí Minh. Đặc biệt, khu công - nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, trong đó Lasuco với bề dày 40 năm xây dựng, trưởng thành, đứng chân vững chắc trên vùng đất Lam Sơn - Sao Vàng tiếp tục đi tiên phong trong đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở vùng trung du, miền núi xứ Thanh. Theo Trưởng Phòng kinh tế - hạ tầng huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) Phạm Minh Tuấn, thay vì phải di chuyển hàng ngày trời như trước đây, thời gian di chuyển từ thị trấn huyện lỵ ra đến Hà Nội hiện nay chỉ mất hơn hai giờ đồng hồ và xuống đến thành phố Thanh Hóa khoảng 70 phút. Với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh hơn và đô thị miền tây Thanh Hóa trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, ngày một sầm uất. Ngọc Lặc mới được công nhận đô thị loại 4 và trên địa bàn huyện có thêm nhiều dịch vụ, trung tâm thương mại, khách sạn được đầu tư, đưa vào khai thác; nhiều cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản đi vào hoạt động. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư vùng miền núi Thanh Hóa và trên thực tế không ít gia đình trở nên khá, giàu, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt khi chọn nơi đây để lập thân, lập nghiệp.

Du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh không chỉ trải dài, kết nối các vùng đất đỏ ba-dan, các khu vực sản xuất trù phú mà còn đi qua các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều tiềm năng thế mạnh du lịch ở vùng miền núi, thượng du Thanh - Nghệ - Tĩnh được đánh thức, khai thác, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, gợi mở hướng thoát nghèo nhanh và bền vững. Theo chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Vũ Quang (Hà Tĩnh) Nguyễn Thị Hà Tân, trước đây Vũ Quang được biết đến nhiều hơn bởi sự xa xôi, cách trở. Địa danh ở miền rừng thiêng, nước độc, nơi được cụ Phan Đình Phùng và nghĩa quân lựa chọn làm căn cứ địa chống giặc… thì nay Vũ Quang đã trở thành điểm đến của du khách. Với lợi thế nằm dọc đường Hồ Chí Minh, Vũ Quang trở thành mắt xích quan trọng để liên kết với các điểm du lịch trong vùng như: Vườn Quốc gia Vũ Quang, Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); quê Bác, Truông Bồn (Nghệ An)... Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Nghệ An, địa phương đang chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương dọc đường Hồ Chí Minh xây dựng sản phẩm du lịch canh nông gắn với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và hồ Sông Sào tại Nghĩa Đàn, các trang trại trồng cam (Quỳ Hợp), đảo Chè (Thanh Chương) cũng như tham quan, trải nghiệm cảnh quan làng quê và không gian văn hóa nông thôn mới tại các địa phương này. Loại hình du lịch canh nông đã và đang mang lại nguồn thu lớn đối với nông dân ở khu vực này.

Nhờ hệ thống đường “xương cá” nối quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh và kết nối với giao thông các huyện miền núi; đặc biệt, việc chuyển một phần sân bay Sao Vàng sang thành Cảng hàng không Thọ Xuân đã góp phần quan trọng vào việc khai phá vùng thượng du Thanh Hóa giàu tiềm năng, thế mạnh với bề dày lịch sử, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ đó, các khu Di tích quốc gia đặc biệt - di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh (Thọ Xuân), Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy)... trở nên gần hơn với khách thập phương và những người con xa quê tìm về nguồn cội. Tuy mới đưa vào khai thác, nhưng chỉ tính riêng năm 2019, Cảng hàng không Thọ Xuân đã đón hơn một triệu khách du lịch, chiếm hơn 22% tổng số lượng khách qua cảng hàng không này.

Dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, hòa nhịp vào hơi thở cuộc sống ngày mới tại đây, chúng ta càng thấu hiểu và nâng niu hơn những giá trị mà con đường huyền thoại mang tên Bác Hồ kính yêu đã và đang mang đến. Nhịp sống của ngày mới hiện hữu ngay trên những cánh đồng mía, đồi chè xanh mướt, những làn xe nối đuôi nhau đưa nguyên liệu vào nhà máy và cả những nụ cười, khát vọng vươn lên của người dân như những chuyến phi cơ đang ngày đêm cất cánh từ sân bay Sao Vàng. Và trong mỗi tấc đất hôm nay không chỉ có tiếng vọng lại của các thế hệ cha anh đi trước mà còn in đậm thành quả của con đường đổi mới.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 18-2-2020.

Bài và ảnh: NGÔ TUẤN, THÀNH CHÂU, MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43324002-danh-thuc-mien-tay-thanh-nghe-tinh.html