'Đánh thức' một thị trấn đang 'ngủ quên' trên núi Ba Vì
Lần đầu tiên, những di sản tư liệu về một thị trấn sầm uất, một khu nghỉ dưỡng mà người Pháp xây dựng trên núi Ba Vì cách đây gần 100 năm được công bố trong tọa đàm 'Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì'.
Ngày 9/9, tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với Tập đoàn khách sạn quốc tế Melia tổ chức tọa đàm Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì với sự tham gia của 150 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc, bảo tồn; các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa; đại diện các ban, ngành liên quan và các chuyên gia nước ngoài.
Tại tọa đàm, lần đầu tiên những di sản tư liệu về một thị trấn sầm uất, một khu nghỉ dưỡng mà người Pháp đã dày công xây dựng tại độ cao 400m, 600m và 1.000m trên núi Ba Vì được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 công bố.
Vườn Quốc gia Ba Vì là không chỉ là khu rừng nguyên sinh bảo vệ khí quyển và điều hòa khí hậu của cả vùng mà còn mang nhiều giá trị về cảnh quan, rừng... và đặc biệt hơn là giá trị về văn hóa, lịch sử cùng sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng có tuổi gần 1 thế kỷ. Những phế tích đó hiện vẫn còn nguyên lớp tường đổ nát, rêu phong nằm rải rác giữa núi rừng Ba Vì.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã đánh giá những tiềm năng to lớn, những giá trị văn hóa, lịch sử của các phế tích, đồng thời đề xuất các giải pháp khai thác để "hồi sinh" các nền phế tích kết hợp với thảm thực vật trong Vườn Quốc gia Ba Vì nhằm phục vụ du lịch, giáo dục trực quan theo hướng phục dựng, chỉnh trang không gian văn hóa - kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ; tạo lập không gian kiến trúc mới kết hợp với nền phế tích cũ một cách hài hòa, hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên; xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ để tăng tính tương phản nhằm tô điểm cho quá khứ - hiện tại; đầu tư, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên một cách có nội dung và quy hoạch...
Chia sẻ quan điểm bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn theo kinh nghiệm trên thế giới, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: "Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên, trên thế giới, bài toán này đã có lời giải hiệu quả. Nhiều quốc gia đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để đánh thức quá khứ không chỉ còn nằm trên giấy".
Còn theo GS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc phát huy, khai phá, làm thức tỉnh những phế tích trong Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ cộng đồng được thăm quan, tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử là hướng đi cần thiết. "Việc khai thác khí hậu, cảnh quan mẹ thiện nhiên đã ban tặng và bảo vệ rừng nguyên sinh cần thực hiện một cách hài hòa tích cực. Nếu đầu tư thái quá cũng không đúng, mà giữ nguyên hiện trạng cũng không đúng. Tìm ra phương án và đường đi là nhiệm vụ của thời nay", GS Nguyễn Tấn Vạn nói.
Tọa đàm cũng trưng bày một triển lãm về các hồ sơ, quyết định, bản vẽ quy hoạch, kiến trúc... người Pháp đã xây dựng tại núi Ba Vì, cùng các bức ảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và thơ mộng của Ba Vì.
Một số hình ảnh phế tích Pháp trên núi Ba Vì:
Đồng thời, những hình ảnh của khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì Mountain Retreat cũng được giới thiệu tại sự kiện: