Đánh thức nghề truyền thống

Cuộc sống hiện đại, các sản phẩm truyền thống dần mất vị trí trên thị trường, nghề cổ truyền cũng vì thế mai một. Song, trong các buôn làng Tây Nguyên, các nghệ nhân vẫn miệt mài gìn giữ và tìm kiếm cơ hội để vực dậy nghề truyền thống của cha ông. Cùng với trợ lực về chính sách, nghề truyền thống đang dần hồi sinh.

Nghệ nhân Ama H’Loan (bên phải). Ảnh: Phúc An

Nghệ nhân Ama H’Loan (bên phải). Ảnh: Phúc An

Đau đáu giữ nghề

Cuộc sống ngày càng hiện đại hóa, sản phẩm công nghiệp đa dạng, tiện lợi, nhu cầu sử dụng đồ đan lát, thổ cẩm ngày càng ít, sản phẩm làm ra không bán được, nhiều người biết đan, dệt giỏi trong các buôn làng cũng dần bỏ nghề. Đau đáu giữ nghề, nghệ nhân Ama H’Loan là một trong rất ít người ở buôn Ako Dhong, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk còn giữ nghề đan gùi truyền thống.

Già Ama H’Loan cho biết: "Chiếc gùi không chỉ là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sản xuất cũng như sinh hoạt thường ngày của người Ê Đê, mà còn mang nét đặc trưng riêng về văn hóa. Điều đáng tiếc là bây giờ chỉ có người già đan gùi, chứ lớp trẻ không mặn mà với nghề truyền thống, chẳng ai muốn học nghề nữa".

Dệt thổ cẩm không chỉ bởi đam mê, nghệ nhân H’Bion Bkrông, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột mong muốn người trẻ kế tục để nghề truyền thống của dân tộc không bị mất đi. Hễ có thời gian, nghệ nhân H’Bion lại ngồi vào khung dệt, dệt nên những tấm vải hoa văn sắc sảo, mới lạ. Nghệ nhân H’Bion Bkrông chia sẻ: "Già vừa dệt, vừa cắt may sẵn để dùng, bán cho người dân quanh khu vực. Mong muốn lan tỏa nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc, tất cả các hội thi của địa phương, thành phố, tỉnh tổ chức, già đều tham gia và giành nhiều giải thưởng cao".

Không chỉ nghệ nhân H’Bion Bkrông, Ama H’Loan, trong các buôn làng Đắk Lắk còn hàng trăm nghệ nhân tâm huyết với nghề truyền thống.

Trợ lực từ chính sách

Đánh thức tiềm năng nghề truyền thống, tỉnh Đắk Lắk tích cực triển khai các chương trình, chính sách, đặc biệt là Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 mở ra cơ hội mới cho việc bảo tồn, phát huy nghề truyền thống các dân tộc. Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk mở lớp truyền nghề cho 20 phụ nữ M'nông ở xã Yang Tao, huyện Lắk với mục đích gìn giữ, bảo tồn nét đẹp nghề gốm thủ công đang có nguy cơ mai một và làm ra sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của địa phương.

Các nghệ nhân truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ người M'nông. Ảnh: Phúc An

Các nghệ nhân truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ người M'nông. Ảnh: Phúc An

Tỉ mỉ hướng dẫn cho học viên cách làm gốm thủ công, bà H’Phiết Uông, nghệ nhân làm gốm lớn tuổi nhất xã Yang Tao chia sẻ: "Sản phẩm gốm Yang Tao không chỉ từng có mặt ở khắp các buôn làng Tây Nguyên, mà còn được bà con đồng bào dân tộc thiểu số duyên hải miền Trung tìm mua về sử dụng. Cho đến khi đồ gốm sứ sản xuất công nghiệp chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm gốm Yang Tao mất dần vị thế. Người làm gốm bỏ nghề làm nương rẫy, nghệ nhân duy trì nghề làm gốm chỉ còn vài người. Chúng tôi làm gốm không chỉ vì đam mê mà bằng cả trách nhiệm bảo tồn giá trị truyền thống. Tôi rất mừng vì có cơ hội truyền nghề cho các cháu trẻ tuổi và luôn hy vọng sự nỗ lực giữ nghề truyền thống của các bà, các mẹ sẽ giúp thế hệ trẻ nhận ra giá trị văn hóa của nghề để có ý thức bảo tồn, phát huy”.

Xã Yang Tao có đến 96% đồng bào dân tộc M'nông sinh sống với những giá trị văn hóa độc đáo. Trong đó, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát và làm gốm thủ công vẫn được một số người lớn tuổi trong các buôn duy trì.

Bà H’Loan Uông, Chủ tịch UBND xã Yang Tao chia sẻ: "Lớp truyền dạy và thực hành nghề làm gốm thủ công của người M'nông có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn nghề truyền thống của địa phương, động viên, khuyến khích bà con lan tỏa đến thế hệ trẻ giữ gìn nghề truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn xã cũng đã hình thành một số điểm du lịch theo mô hình cộng đồng và cũng đã có nhiều đoàn khách ghé thăm làng gốm. Xã cũng định hướng kết nối các điểm du lịch với làng gốm tạo thành tour du lịch. Để phục hồi nghề gốm, đến nay, xã đã quy hoạch vùng đất khoảng 2ha và đang chờ có kinh phí, nhà đầu tư tâm huyết đầu tư phát triển làng nghề truyền thống này".

Không chỉ truyền dạy nghề gốm thủ công, ngành văn hóa tỉnh Đắk Lắk cũng vừa tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ dệt thổ cẩm của người Ê Đê buôn Drai H’ling và khai giảng lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại cho biết: "Các lớp truyền dạy sẽ mở ra cơ hội phát triển cho nghề truyền thống, giúp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ tự hào, tự tôn dân tộc và nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, lớp truyền dạy còn góp phần phát triển ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, giúp cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng thời, góp phần bảo vệ và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà".

Phúc An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-thuc-nghe-truyen-thong-post471532.html